Từ nữ trinh sát 15 tuổi đến đại tá - anh hùng

Lưu Văn Bính Thứ sáu, ngày 18/09/2020 11:00 AM (GMT+7)
Vậy là đã 12 năm tôi chưa gặp lại chị, chỉ thăm hỏi nhau qua điện thoại, nhưng những kỷ niệm về lần gặp đầu tiên ấy, giọng nói ấm áp và đặc biệt là câu chuyện chị kể về trận đánh oai hùng thời chống Mỹ của chị và đồng đội vẫn còn in đậm trong trí nhớ của tôi.
Bình luận 0

Câu chuyện về nữ đại tá Nguyễn Thị Minh Hiền là sự nhắc nhớ về một lớp người với những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào để làm nên cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

Nhân vật chính trong vở cải lương "Khách sạn Hào hoa"

Vào một ngày hè năm 2008 tôi được xem Chương trình Nhà hát Truyền hình do VTV1 phát sóng trực tiếp vở cải lương "Khách sạn Hào hoa". Trong chương trình, MC giới thiệu một phụ nữ xinh đẹp mang quân phục công an nhân dân với quân hàm đại tá, ngồi ở hàng ghế đầu của khán giả đứng lên phát biểu cảm tưởng về vở diễn. Qua giọng nói dễ thương cùng nụ cười hiền hậu và lời tâm sự của chị, tôi biết chị là nguyên mẫu của nhân vật chính tên Hiếu, một nữ trinh sát trẻ của ta hoạt động trong lòng địch và đã lập được nhiều chiến công hiển hách, trong 17 trận đánh đã tiêu diệt được 174 lính Mỹ và tay sai...

Từ nữ trinh sát 15 tuổi đến đại tá - anh hùng - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Thị Minh Hiền và tác giả. Ảnh: T.L

img

Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Minh Hiền thời trẻ. Ảnh: T.L

Chị Nguyễn Thị Minh Hiền là đảng viên, trinh sát vũ trang Ban an ninh tỉnh Bến Tre, đã tham gia chiến đấu 17 trận, tiêu diệt và làm bị thương 174 tên gồm cảnh sát, tình báo, chiêu hồi, bình định của địch. Có những trận, một mình Minh Hiền luồn sâu vào sào huyệt của chúng diệt nhiều tên. Đó là trận ngày 27/1/1970, chị dùng mìn định hướng diệt và làm bị thương hàng chục tên địch tại hội trường công chức của tỉnh. Ngày 1/4/1970, chị đã đánh một trận xuất sắc bằng mìn định hướng, diệt và làm bị thương 44 tên, bẻ gãy kế hoạch càn quét và bình định cấp tốc của địch, làm chúng hoang mang, tạo điều kiện cho phong trào quần chúng nổi dậy đấu tranh giành quyền làm chủ.

Chị Nguyễn Thị Minh Hiền được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng; ngày 6/1/1974 được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(theo bentre.gov.vn)

Xem vở diễn, tôi khâm phục, ngưỡng mộ chị và quyết tâm dò hỏi thông tin về chị, quyết tâm vào TP.Hồ Chí Minh để gặp bằng được chị, "thần tượng" đáng kính.

Sau một thời gian tìm hiểu, tôi biết được người tôi cần tìm gặp là đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Minh Hiền, đang là Phó trưởng Công an quận 5, Công an TP.Hồ Chí Minh. Tôi may mắn được một người đồng hương năm đó đang là Chánh Văn phòng Công an TP.Hồ Chí Minh, giới thiệu tôi xuống Công an quận 5 gặp chị Hiền.

Hạnh phúc biết bao khi tôi được chị, "thần tượng" của mình, được đón tiếp một cách niềm nở, chân tình. Buổi tối hôm đó tôi được chị mời ăn cơm cùng vợ chồng chị. Anh Bình - chồng chị Hiền - là người Phú Thọ, anh cũng là đại tá công an, công tác tại Văn phòng phía Nam của Bộ Công an.

Qua mấy tiếng đồng hồ được trò chuyện với chị, tôi biết: Chị tên thật là Phan Thị Hồng Châu, tên thường gọi là Nguyễn Thị Minh Hiền, sinh năm 1952 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Sơn Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Bố chị là liệt sĩ Phan Trung Thành đã anh dũng hy sinh trong một trận chống càn của địch năm 1968. Mẹ của chị là bà Sáu Lực, cũng là một thành viên tích cực trong "Đội quân tóc dài". Aanh trai chị cũng là bộ đội, liệt sĩ. Em gái của chị Hiền là Phan Thị Ngọc Tươi cũng tham gia kháng chiến từ tuổi thiếu niên, về sau cũng là đại tá công an, công tác tại Công an TP.Hồ Chí Minh.

Với lòng căm thù giặc sâu sắc, nối bước cha anh, mới 15 tuổi chị Hiền đã trở thành trinh sát của đơn vị T30 thuộc Ban An ninh tỉnh Bến Tre.

Chiến công xuất sắc ghi dấu ấn cuộc đời

Chị Hiền kể, để đến được với cách mạng, chị đã phải trải qua biết bao gian nan vất vả. Mới 7 tuổi đầu, chị đã phải ở nhà chăm lo cho các em để bố mẹ và anh trai yên tâm chiến đấu. Năm 12 tuổi chị phải đi giúp việc nhà cho một số gia đình giàu có tại thị xã Bến Tre. Được sự giới thiệu của chính người mẹ của mình, cùng với sự thông minh, lanh lợi của bản thân, năm 15 tuổi chị đã được tổ chức sắp xếp cho vào làm công trong một gia đình sĩ quan cảnh sát ngụy. Nhà ông chủ cũng là một quán rượu, nơi mà bọn sĩ quan và lính Mỹ, ngụy hay lui tới ăn nhậu sau giờ làm việc. Do vậy ngoài công việc giặt giũ, nấu ăn, lau nhà cửa... chị lại phải bưng bê đồ nhậu phục vụ khách. Làm việc quần quật suốt ngày, bị tên sĩ quan là chủ giở thói sàm sỡ, lại thêm bị bà chủ vô cớ trút giận ghen tuông... nhưng vì đây là đầu mối quan trọng có thể moi được nhiều thông tin của địch nên chị phải cắn răng chịu đựng. Và bằng sự thông minh, nhanh nhẹn của bản thân, chị đã vượt qua tất cả.

Cuối tháng 8/2020, tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe nữ đại tá Minh Hiền, chị rộn ràng trò chuyện, bảo mình và ông xã (cũng là đại tá công an, đã nghỉ hưu) đều khỏe, đang vui hưởng cuộc sống tuổi già... Vợ chồng chị Hiền hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1970, qua ông chủ là sĩ quan cảnh sát ngụy, chị nắm được thông tin địch có một cuộc họp quan trọng ngay tại hội trường trung tâm thị xã gồm những sĩ quan cao cấp của quân ngụy Sài Gòn, ngay lập tức thông tin được chị mật báo cho tổ chức. Sau khi xác định đây là hội nghị quan trọng bàn về việc gom dân vào khu tập trung, quân ta đã lên kế hoạch là phải tiêu diệt được bọn sĩ quan đầu sỏ ngay tại cuộc họp này. Chính chị Hiền đã xung phong được trực tiếp tham gia trận đánh

Để đảm bảo chắc chắn trận đánh thành công, chị đã lấy lý do mang một số đồ của bà chủ giao tận tay ông chủ. Chị đã vượt qua các lớp bảo vệ vào trong khu vực sẽ họp để kiểm tra lại một lần cuối. Sau khi xác định chắc chắn mục tiêu, trước buổi họp một ngày, chị xin bà chủ về thăm đứa em bị bệnh ở nhà và chị đã thức trắng đêm để tính toán phương án. Gần sáng, chị quyết định tự mình làm một quả mìn định hướng hẹn giờ nhằm chiến đấu có hiệu quả cao nhất mà lại không gây tổn thất, thương vong cho nhân dân quanh khu vực. Chuẩn bị xong, chị Hiền đi mua một gánh rau muống, giấu quả mìn vào trong đó.

Sáng hôm sau, như thường lệ chị xách giỏ đi chợ. Trên đường đi, chị bí mật ghé lấy gánh rau, qua chợ mua thức ăn rồi tiến thẳng tới mục tiêu. Trên đường đi chị gặp ngay một tên cảnh sát, hắn yêu cầu chị bỏ gánh rau xuống để kiểm tra. Không còn cách nào khác, chị Hiền đành để gánh rau xuống. Khi tên này ném gần hết những mớ rau ra đường, nguy hiểm cận kề, quả mìn sắp lộ diện thì chị khóc la ầm ĩ: "Cả nhà tôi năm bảy cái miệng ăn chỉ trồng chờ vào gánh rau này. Vậy mà ông ném tung ra đường giập nát hết thì còn bán cho được cho ai, cả nhà chắc chết đói...".

Thấy chị khóc than, tên cảnh sát sợ bẽ mặt với dân chúng là ăn hiếp con nít nên đã dừng tay, cho chị đi. Chị Hiền tiếp tục quẩy gánh rau và trải qua vài lần gặp những tình huống khó xử nhưng với sự thông minh, lanh lợi của mình, dúi vào tay mấy tên lính gác ít tiền, cuối cùng chị cũng đã đặt được gánh rau có quả mìn sát mục tiêu, kích hoạt hẹn giờ rồi giả vờ bỏ quên đồ nên gửi lại để chạy về nhà lấy. Chị vừa về đến nhà bà chủ cũng gần đó thì một tiếng nổ vang lênrung chuyển cả một vùng. Theo kết quả trinh sát, trận đó chị Hiền và đồng đội đã tiêu diệt và làm bị thương 30 tên địch, chủ yếu là sĩ quan cao cấp của ngụy...

Tôi hỏi chị Hiền rằng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị có thông tin gì về ông chủ sĩ quan cảnh sát ngụy không? Chị cười bảo: "Ông ấy đã cùng vợ chạy khỏi Sài Gòn vào tháng 4/1975. Khi biết chị được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được bầu làm đại biểu Quốc hội năm 1976, ông đã nhắn với một người quen nói với chị: "Nếu tao biết mày là Việt cộng tao đã chặt đầu mày". Chị đã nhắn lại: "Người bị chặt đầu trước là ông, nhưng tôi đã không hành động vì ông đã che chở cho tôi hoàn thành nhiệm vụ". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem