Tư vấn, tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân ở Sơn La-học trên lớp, thực hành ở trang trại
Tư vấn, tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân ở Sơn La-học trên lớp, thực hành ở trang trại, ruộng đồng
Văn Ngọc - Nguyễn Vinh
Thứ tư, ngày 09/11/2022 11:10 AM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Sơn La đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân, qua đó giúp hội viên nông dân thoát nghèo và nâng cao thu nhập. Hoạt động tư vấn, tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân ở Sơn La-học trên lớp, thực hành ở trang trại, ruộng đồng
Được Hội Nông dân thành phố Sơn La giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình nông dân Lò Văn Chiến, bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La. Gia đình anh Chiến hiện đang sở hữu trang trại chăn nuôi gà đến cả vạn con. Trang trại nuôi gà của gia đình anh được biết đến là trại nuôi gà lớn nhất vùng này, mỗi năm cho thu tiền tỷ.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Chiến, chia sẻ: Trước đây, khi mới bắt tay vào nuôi gà, do còn thiếu kinh nghiệm nên đàn gà hay bị bệnh, hiệu quả thấp. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Nông các cấp, năm 2018, tôi đã được tham gia lớp đào tạo nghề nuôi gà, được hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh cho gà. Từ 100 con gà mía lúc bắt đầu nuôi, đến nay đàn gà của gia đình tôi đã phát triển lên khoảng 2 vạn con mỗi năm, chia làm 5 lứa nuôi gối nhau, mỗi lứa 5.000 con.
"Trong quá trình nuôi gà, phải chọn giống tốt, tiêm phòng định kỳ, cho ăn đều, bổ sung thêm ngô, cám gạo. Ngoài ra, gà được thả trên đồi, tự bới tìm thêm sâu bọ, ăn thêm rau, cỏ nên thịt thơm ngon. Gia đình tôi duy trì đàn gà 12.000 con; cứ 2 tháng, nuôi gối 1 lứa gà, mỗi năm xuất bán 4-5 lứa, mỗi lứa 6.000 con, cung cấp ra thị trường trên 20 tấn gà thương phẩm, giá bán bình quân từ 90 - 95 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí thu trên 600 triệu đồng.
Còn đối với gia đình anh Nguyễn Đình Huy, bản Là Ngà 2, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ lắp đặt 200m² nhà màng và thống châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G. Gia đình anh tiến hành trồng các loại rau màu... đúng vụ và rau trái mùa, theo hướng sạch, an toàn. Hiện, hằng tuần, gia anh cung cấp cho các siêu thị, của hàng nông sản sạch ở thành phố Hà Nội, cung như các tỉnh lân cận, trừ chi phí thu lãi 200-300 triệu đồng/năm.
"Trước khi chưa tiếp cận hệ thống châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G này gia đình tôi mất rất nhiều thời gian để chăm sóc vườn của gia đình. Với hơn 1ha diện tích canh tác này gia đình tôi phải mất 3 giờ đồng hồ để có thể để pha phân và bón cho cây trồng. Khi tiếp cận với hệ thống này thời gian giảm xuống còn 50 - 60 phút. Thời gian đó mình có thể tận dụng làm việc khác được. Hệ thống rất dễ dàng sử dụng, ai cũng có thể điều khiển được. Bên cảnh đó, hệ thống này châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G cũng có thể phân tích được độ ẩm đất; EC đất; PH đất, từ đó giúp nông dân có thể điều chỉnh chất dinh dưỡng co cây một cách hiệu quả nhất", anh Huy nói.
Gia đình anh Chiến, anh Huy chỉ là một trong nhiều hội viên, nông dân điển hình được đào tạo, dạy nghề, tư vấn và định hướng để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Những năm qua, các cấp HND trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho hội viên, nông dân. Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với từng huyện, xã để phối hợp, tổ chức dạy nghề cho hội viên.
Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên và đáp ứng yêu cầu thực tế. Các đối tượng được tạo điều kiện học nghề, gồm: Hội viên nông dân nghèo; học sinh đã tốt nghiệp bậc trung học phổ thông; quân nhân xuất ngũ… Sau mỗi khóa học, Trung tâm kiểm tra kiến thức, kỹ năng của từng học viên, đánh giá chất lượng đào tạo; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề tiếp theo. Đồng thời, kết nối, giới thiệu một số lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.
"Chúng tôi phối hợp với Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Bắc và Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo các nghề: Sơ chế sản phẩm nông nghiệp và nghề trồng trọt, chăn nuôi. Các học viên được thực hành tại một số HTX, doanh nghiệp chế biến nông sản, tại một số nhà vườn trong tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 10 lớp đào tạo nghề cho trên 400 học viên, trong đó 30% học viên sau đào tạo được kết nối, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, HTX", ông Hùng nói.
Học trên lớp, thực hành ngay trong trang trại, trên ruộng đồng
Trao đổi với phóng viên, ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Để đồng hành cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp nông dân như: Hỗ trợ vốn, cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, hỗ trợ thông tin, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm và tiêu thụ nông sản; vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng mái ấm cho hội viên nông dân nghèo
Công tác đào tạo nghề cho hội viên đã được các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh chú trọng. Từ 2021 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức 70 lớp đào tạo nghề cho trên 2.000 học viên.
Lớp đào tạo tập trung chủ yếu vào những ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp như: sửa chữa máy cày, chăn nuôi, trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp. Các học viên tham gia lớp dạy nghề được tiếp thu những kiến thức theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên.
Sau thời gian học nghề, các học viên hầu hết đều chủ động triển khai vào thực tiễn, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt khoảng 85%.
Song song với việc đào tạo nghề, khi hội viên nông dân bắt tay vào thực hiện phát triển kinh tế từ lớp đào tạo nghề, các cấp Hội Nông dân thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, phân bón, cây con giống. Đến nay, tổng nguồn Qũy Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt hơn 66, 2 tỷ đồng, đầu tư cho 202 dự án về chăn nuôi, cải tạo vườn cây ăn quả cho 1.626 hộ vay, với số tiền hơn 5,7 tỷ. Phối hợp với các ngân hàng triển khai nhận uỷ thác vay vốn, đến nay tổng dư nợ Ngân hàng chính sách thông qua tổ chức Hội Nông dân quản lý là hơn 1.400 tỷ đồng với 1.040 tổ TK&VV cho 33.575 hộ vay; dư nợ qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là hơn 900 tỷ với 301 tổ vay vốn cho 8.830 hộ vay.
"Chúng tôi, xây dựng các mô hình giúp nông dân phát triển sản xuất như: Trồng xoài theo hướng hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; mô hình thâm canh, cải tạo giống xoài theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm; mô hình trồng mới một số giống cam trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm; mô hình thâm canh cải tạo giống nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm; Mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ; Mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ theo hướng hữu cơ..." - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La nhấn mạnh.
Nhờ chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao năng lực và chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp kịp thời sơ kết, tổng kết các chuyên đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đi sâu chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm... Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã phát huy được vai trò của các cấp hội, giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, chung sức xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.