Trên thân cau, mỗi bẹ lá sẽ thành một đốt cây. Khi bẹ lá đã già, úa vàng, chiếc mo cau sẽ tự rớt xuống. Đó là phần đầu của tàu cau, giúp tàu cau bám vào thân cây.
Mo cau vừa mới rụng (ảnh tác giả)
Đây cũng là lúc bọn trẻ nhỏ thi nhau giành phần lấy chiếc mo ấy về chơi. Để rồi cứ chiều chiều, năm bảy em xúm lại bắt dầu trò chơi kéo mo cau.
Kéo mo cau (ảnh tác giả)
Em ngồi ở phần mo, em nắm phần đầu tàu cau kéo, thay phiên nhau. Nếu được hai chiếc mo và nhiều em chơi thì kéo thi. Tiếng cười, tiếng nói vang cả miền quê vắng vẻ.
Các cụ bà lại thích đi lượm tàu cau về cắt phần mo ra làm quạt. Tất nhiên, với tính kĩ lưỡng của người cao tuổi, các cụ phải lựa tàu cau nào có chiếc mo lớn nhất, bằng phẳng và đẹp nhất. Chiếc quạt mo dân dã giúp tạo nên những làn gió mát rượi những buổi tối của mùa hè nóng nực.
Hình ảnh chiếc quạt mo còn xuất hiện ở nhân vật Ông Địa trong trò múa lân vốn rất quen thuộc với con người Nam Bộ. Chiếc quạt cắt từ mo cau còn được dân gian ví von hài hước qua bài đồng dao về Thằng Bờm nổi tiếng:
"Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu/ Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè/ Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim/ Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi/ Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười."
Một chiếc tàu cau bình dị nhưng chuyên chở cả một kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Kỉ niệm thật đẹp: chiếc mo cau in đậm hình bóng quê nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.