Một chân dung bình dị, mộc mạc của vị Đại tướng đã được khắc hoạ bằng những bức ảnh quý.
Anh Chi - tác giả cuốn sách cho biết: “Tôi không có công lao gì to trong những tấm ảnh, những tư liệu làm nên cuốn sách, chỉ vì lòng kính trọng và yêu quý một con người vĩ đại khiến tôi để công sưu tầm, biên soạn”.
Huyền thoại của thế kỷ XX
Được chia thành 5 phần, 300 bức ảnh và rất nhiều trang tư liệu quý của cuốn sách đã tái hiện cả cuộc đời của Đại tướng, từ khi ông còn là cậu con trai lớn lên trong một gia đình nhà Nho ở làng An Xá (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) cho đến khi trở thành một vị tướng mà tên tuổi lừng lẫy cả năm châu.
Cuốn sách đi theo một trục thống nhất về chiều dài thời gian và chiều rộng các địa danh lịch sử, nơi ghi dấu ấn tài thao lược của Đại tướng, từ “Quê hương, gia đình và tuổi thơ”, “Đường tới Cách mạng”, “Điện Biên Phủ- điểm hẹn lịch sử”, “Cuộc đụng đầu lịch sử” cho tới “Một nhân cách sáng ngời”. Xem cuốn sách, người đọc có thể hình dung ra thời trai trẻ của Đại tướng, một trí thức đầy bản lĩnh với những trăn trở trong hoàn cảnh đất nước bị mất chủ quyền.
Ngay cả những người phía bên kia chiến tuyến khi nói về ông cũng không giấu được sự ngưỡng mộ. Bách khoa thư Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá: “Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hoả lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.
Nhà sử học người Mỹ Cecil Curry cũng khẳng định: “Ông không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại…”.
Khoảnh khắc bình dị
Tác giả cuốn sách cho biết: “Những bức ảnh tôi thực sự ấn tượng trong cuốn sách này không phải là những tác phẩm ghi lại khía cạnh oai hùng, tài trí thao lược của ông trên chiến trường mà là những bức ghi lại khoảnh khắc đời thường, bình dị. Nó cho chúng ta một cảm giác ông không phải là một tượng đài mà giống như một người ông, người cha gần gũi trong gia đình với những lúc vui lúc buồn, lúc trò chuyện chan hoà cùng con cháu”.
Ở trang khép lại cuốn sách là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi thiền, tác phẩm được nhà nhiếp ảnh Trần Hồng ghi lại năm 1994. Anh Anh Chi tâm sự: “Tôi muốn đặt bức ảnh ở vị trí đó với một sự trân trọng đặc biệt, trải qua 2 cuộc trường chinh, vị Đại tướng thiên tài lại trở về với cõi riêng thiền tịnh trong lòng ông, phía sau khuôn mặt bình thản ấy là tất cả những sóng gió, thắng thua được mất, là “món nợ lớn” ông đã hoàn thành với đất nước”.
Đặc biệt ấn tượng là bức ảnh chụp tại chiến khu Việt Bắc, trong lúc chờ đợi được làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai vị tướng lừng danh của Quân đội nhân dân VN (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) ngồi chuyện trò bên nhau. Bức ảnh mang tới một cảm giác thanh bình về cuộc chuyện trò của hai người bạn tâm giao lâu ngày gặp lại giữa thiên nhiên của núi rừng Việt Bắc, xoá mờ cảm giác về những lo toan, bộn bề và khốc liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ.
Một tấm ảnh khác cũng rất thú vị, đó là bức chụp Đại tướng ngồi nghe ngâm thơ trong mùa Xuân năm 1971 tại Văn Miếu (Hà Nội). Khoảnh khắc ấy lý giải vì sao trong hai cuộc trường chinh bảo vệ chủ quyền đất nước, anh Văn - người anh cả của Quân đội nhân dân VN luôn là người đưa ra những quyết định đầy tính nhân văn, “thương quân xót lính”.
Không trang sử nào trong sách giáo khoa ghi lại, ở cuộc chiến tại Điện Biên Phủ, sau một trận chiến mà quân ta bị tổn thất nặng nề, vị thủ lĩnh can trường đã quay mặt vào trong bức vách nhà chỉ huy chiến dịch và khóc một mình. Bởi vậy nên sau những ngày miệt mài suy nghĩ tới phát sốt, Đại tướng đưa ra một quyết định khó khăn trong thời điểm nước sôi lửa bỏng: Kéo pháo ra khỏi chiến trường Điện Biên nhằm tránh tổn thất cho chiến sĩ, đồng bào.
Trong “nghệ thuật” chỉ huy chiến trận của ông, tính mạng con người bao giờ cũng ở vị trí quan trọng nhất, trên cả chuyện thắng thua, đó là điều làm nên một nhân cách sáng ngời.
Lê Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.