Ước mơ ngày đặc xá...

Thứ sáu, ngày 02/09/2011 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2.9, tôi sẽ về lại ngôi nhà của mẹ. Ở đó, mẹ sẽ mở cho tôi một xưởng mộc, cái nghề tôi đã được học trong trại...” - một chàng trai sau gần 10 năm ngồi tù nói về tương lai của mình.
Bình luận 0

1. Nhắc đến ngày được đặc xá về với tự do, Nguyễn Lê Bình (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thụ án 12 năm tội giết người ngân ngấn nước mắt. Sinh năm 1977, trong một gia đình gia giáo, có mẹ là giáo viên cấp 2, nhưng mới học đến lớp 9, Bình đã bỏ học lêu lổng.

Bản tính ngỗ ngược, cả chục năm liền, gia đình luôn phải chịu đựng những cuộc “sừng sộ” của Bình mỗi khi say. Cho đến một ngày, năm 2002, trong một cơn say “bất hiếu”, Bình đã mắng cha không chịu làm mồi cho mình nhậu. Xung đột xảy ra và trong điên loạn của cơn say quái ác, Bình đã nhỡ tay làm cha chết…

img
Niềm vui ngày đặc xá.

Gần 10 năm trôi qua, nhưng Bình vẫn không thể kể về quá khứ quá đau thương đó, chỉ lắc đầu, lí nhí: “Tôi đã không vâng lời cha mẹ, lêu lổng, ngỗ ngược để phải trả giá trong trại giam với trọng án giết…”. Lời Bình tắc nghẹn khi chưa hết câu.

Những ngày thụ án, tháng nào mẹ cũng vào thăm, động viên. Nhưng cái chết vì tai nạn giao thông của người em gái út rất thân thiết, sau khi Bình thụ án được 4 năm thì mẹ giấu biệt, rồi âm thầm một mình chịu đựng. Ở nhà, chỉ còn mẹ, người em gái kế của Bình đã rời quê, lấy chồng từ nhiều năm nay.

Vào tù ở Trại giam A2 (Diên Lâm, Diên Khánh, Khánh Hòa), Bình như thoát khỏi cơn say dài của một thời u mê. Cải tạo tốt, Bình được giao làm tổ trưởng tổ tự quản và liên tục được khen thưởng. Bị kêu án 12 năm, nhưng đã được 3 lần giảm án và Ngày Quốc khánh 2.9 năm nay, Bình được nằm trong danh sách đề nghị đặc xá.

“Trước đây, chẳng bao giờ tôi cầm đến cuốn sách, nhưng vào đây, cả một thư viện mênh mông sách, tôi lại mê mẩn đọc tiểu thuyết” – Bình nói. Chẳng thể ngờ, lêu lổng và lười biếng như Bình mà có ngày lại siêng năng và thạo việc với nghề mộc được học trong trại. Nói về tương lai, Bình cười rạng rỡ, rằng mẹ đã chuẩn bị cho Bình ít vốn, có thể mở một xưởng mộc ngày ra trại. Năm nay đã 34 tuổi, mẹ mong Bình lấy vợ, sinh con để căn nhà nhiều năm chỉ cô quạnh mình mẹ sẽ rộn ràng tiếng trẻ…

2. Bình là một trong số 168 phạm nhân ở Trại giam A2, Tổng cục VIII (Bộ Công an) được đề nghị đặc xá vào dịp 2.9 này. Không khí náo nức mong chờ và cả những ước mơ về ngày này ở những phạm nhân chưa đủ điều kiện đặc xá vẫn tiếp tục cháy lên ở trại.

“Tôi chờ ngày này để được đoàn tụ với người thân đã lâu lắm rồi. Tôi vào Trại giam Ngọc Lý vì phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý với án phạt 17 năm. Được các cán bộ trại giam động viên, tôi đã thấy rõ được lỗi lầm mà mình gây ra đối với xã hội nên đã quyết tâm rèn luyện thật tốt, lao động thật tốt. Đến thời điểm này, tôi đã trả án được 11 năm 6 tháng. Tôi có được “đường về” như thế này sau lỗi lầm lớn là nhờ ơn Đảng, Nhà nước, các cán bộ trại giam, gia đình, bạn bè động viên rất lớn. Tôi xin cảm ơn tất cả”.

Phạm nhân Hứa Thị Hồng Phong (SN 1969, quê thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn)- thụ án tại Trại giam Ngọc Lý, Tân Yên, Bắc Giang.

Chúng tôi gặp Ngô Quốc Huy (SN 1978, tại Diên Toàn, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang thụ án 15 năm tội mua bán ma túy. Anh cứ đau đáu phấn đấu cho ngày ấy. Thời điểm Huy bị bắt, bà nội- người thay mẹ nuôi dưỡng Huy đã qua đời. Rồi, một năm sau, Huy buộc phải ký đơn ly dị vợ… Huy mất tất cả, bà nội đã từng thay mẹ, vợ, con, mái ấm gia đình, cuộc sống tự do… chỉ vì ma túy.

Thời điểm xét đặc xá, dù cải tạo tốt nhưng biết mình chưa đủ điều kiện (chưa thụ án được nửa thời gian quy định), Huy vẫn bày tỏ ước mơ: “Tôi đang phấn đấu vì ngày ấy. Ngày được sớm ra tù để phụng dưỡng cha già, và chăm lo cho đứa con trai đã lâu ngày không biết đến hơi ấm của tôi”.

Thượng tá Phạm Văn Tiến – Phó Giám thị Trại giam A2, Tổng cục VIII (Bộ Công an) - cho biết: Dịp đặc xá nhân Ngày Quốc khánh 2.9 năm nay, trại đã đề xuất 168 phạm nhân với 116 người thường trú tại Khánh Hòa được đặc xá, ra tù trước thời hạn.

Trước ngày đặc xá, trại đã tổ chức nhiều lớp “hòa nhập cộng đồng” với nhiều nội dung cho phạm nhân học tập như vấn đề về chính trị, kinh tế của đất nước hiện nay; một số nội dung cơ bản về Luật Giao thông Đường bộ, Đường thủy; thực tiễn phòng chống tránh tái phạm tội; một số chính sách về tái hòa nhập cộng đồng…

Những lớp học này cùng với những khóa dạy kỹ năng sống trong suốt quá trình cải tạo sẽ bổ sung thêm kiến thức cho phạm nhân trước ngày được tự do, giúp họ không bỡ ngỡ khi hòa nhập với cuộc sống bên ngoài.

“Ngay từ khi tiếp nhận phạm nhân, chúng tôi đã phân loại họ qua hồ sơ để sắp xếp vào các lớp dạy nghề cho phù hợp với điều kiện cuộc sống ngoài xã hội của chính họ” – ông Tiến nói. Chính vì vậy mà tất cả các phạm nhân rời trại đều thạo nghề và tỷ lệ tái phạm tội chỉ ở mức 0,8%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem