Vận động viên và nỗi niềm “đỏ-đen” trên thương trường

Chủ nhật, ngày 01/09/2013 07:15 AM (GMT+7)
Rất nhiều VĐV sau khi giã từ ánh hào quang trên thảm đấu đã phải đối mặt với thực tế gắn với vô vàn khó khăn, nhọc nhằn mưu sinh giữa đời thường. Một số chọn việc kinh doanh, nhưng đúng là “cơm áo không đùa với... VĐV”.
Bình luận 0
Khi “nữ tướng” đi… buôn

Cách đây 8 năm, khi vẫn còn thi đấu, hai chị em tuyển thủ wushu Nguyễn Ngọc Oanh - Nguyễn Thị Mỹ Đức là một trong những người đi tiên phong mở hàng kinh doanh thời trang theo phong cách giới trẻ. Thời điểm đó, giới teen Hà Nội luôn nhắc tới cửa hàng T.O.D mỗi khi muốn săn tìm những bộ đồ thời trang nghịch ngợm, cá tính.

Cựu tuyển thủ wushu Ngọc Oanh (trái)  rất có duyên bán hàng.
Cựu tuyển thủ wushu Ngọc Oanh (trái) rất có duyên bán hàng.

Ít người biết T.O.D là những chữ cái viết tắt tên chị em Oanh, Đức cùng hai người chồng của họ là Tuấn và Dũng. Nhưng những người đã tới đây đều thích thú vì hàng nhiều, cập nhật mốt đúng thời điểm.

Với tiêu chí “độc” và giá “mềm”, T.O.D đã hút được rất nhiều khách hàng. Gặp thời, chị em Oanh – Đức đã mở không dưới 3 cửa hàng. Nhưng những năm gần đây, khi việc kinh doanh hàng thời trang dần khó khăn vì sự cạnh tranh gay gắt cũng như thị hiếu giới trẻ đa dạng hơn thì T.O.D dần thu hẹp kinh doanh, chỉ còn cửa hàng đặt trên phố Nguyễn Trường Tộ.

Nói chuyện VĐV kinh doanh còn phải nhắc tới Nguyễn Thị Phương Loan. Quán của bà chủ từng giành HCV cử tạ tại SEA Games 2009 được nhiều bạn bè VĐV của Hà Nội hay ghé thăm ủng hộ nhất.

Rời sàn đấu ngay sau kỳ SEA Games cuối cùng ở Indonesia năm 2011, Loan về mở quán đồ nướng nằm trên phố Trần Quý Cáp - nghe qua hoàn toàn không chút liên quan bởi từ cử tạ nặng nề chuyển hướng sang làm đồ ăn. Nhưng ngày quán còn đông đúc, mọi người vẫn luôn tấm tắc khen bà chủ Loan khéo duyên chiều khách.

Được ít lâu, sau khi phải trả lại mặt bằng thì cựu lực sĩ này giờ đã dời về kinh doanh nhà hàng và đồ ăn khuya trong phố Tống Duy Tân. Một điều cũng hợp lẽ bởi đây là công việc của nhà chồng nên Loan tham gia phụ giúp gia đình rất thuận lợi.

Một trường hợp khác khá… may mắn trong kinh doanh là cựu tay vợt nữ số 1 Việt Nam Ngô Thu Thủy. Dù chỉ kinh doanh nhỏ những mặt hàng, vật dụng của môn bóng bàn, nhưng cửa hàng của Thu Thủy cũng được nhiều anh em trong nghề thường xuyên đặt mua.

Vô địch thế giới, thua trên thương trường

Trong số những người đã và đang kinh doanh, có vẻ như số phận không may mắn đối với cựu vô địch thế giới wushu Nguyễn Thúy Hiền. “Cô gái vàng” nổi đình nổi đám một thời của Thể thao Việt Nam sau khi rời sàn đấu đã kinh qua khá nhiều mặt hàng kinh doanh.

Và, người hâm mộ chỉ còn kịp nhớ lần cuối cùng Thúy Hiền kinh doanh chính là đồ thời trang trẻ em với một cửa hàng tại phố Hàng Bông. Rốt cuộc, không “chịu nổi nhiệt” thương trường, cửa hàng của Thúy Hiền cũng đã đóng cửa.

Bản thân Việt Thắng dù vẫn còn thi đấu nhưng vẫn không ít lần trực tiếp bưng bê đồ ăn, tạo được ấn tượng tốt với khách hàng.

Không khá hơn là mấy so với VĐV các môn thể thao khác, khi “bong bóng V.League” vỡ tan, giới cầu thủ cũng rơi vào cảnh kinh tế vô cùng khó khăn.

Từ cuối năm ngoái tới nay, rất nhiều cầu thủ phải mở quán ăn, quán cà phê, đầu tư sân cỏ nhân tạo… làm một nguồn thu tay trái. Trong số này, Mạnh Tú (cựu cầu thủ Nam Định và Khánh Hòa) phải mở tiệm và trực tiếp ra tráng bánh cuốn sau khi không còn cơ hội thi đấu là trường hợp được biết tới nhiều.

Tới giờ, tiệm bánh cuốn được Tú giao cho bà xã quản lý, còn anh mở thêm quán nhậu trên đường Phó Đức Chính (TP.HCM). Nhưng, theo dân nhậu “nghề” thì quán của Tú kinh doanh không được khá khẩm, chủ yếu chỉ có anh em bóng đá quen biết hay ghé vào ủng hộ.

Cầu thủ Mạnh Tú (phải) mở tiệm và tự tay tráng bánh cuốn.
Cầu thủ Mạnh Tú (phải) mở tiệm và tự tay tráng bánh cuốn.

Cầu thủ Nguyễn Việt Thắng thì trái ngược. Quán nhậu của tiền đạo đang khoác áo ĐT.LA trên đường Lý Tự Trọng (TP.HCM) được đánh giá ổn về thu nhập do đông đảo dân nhậu tới cũng như giá cả hợp lý.

Bản thân Việt Thắng dù vẫn còn thi đấu nhưng vẫn không ít lần trực tiếp bưng bê đồ ăn, tạo được ấn tượng tốt với khách hàng. Trước đó, tại Hà Nội, tiền vệ Phạm Thành Lương từng kinh doanh cửa hàng cà phê. Nhưng sau một thời gian, do bận thi đấu, Lương đã sang quán cho người khác.

Bước vào thương trường, có người thành công, có người thất bại, nhưng tất cả các VĐV đều có chung nhận định làm kinh doanh “xương” hơn công việc luyện tập và thi đấu nhiều!

Hoài Việt (Hoài Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem