Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón nhận bằng di sản

Thứ hai, ngày 25/02/2013 23:43 PM (GMT+7)
Dân Việt - Với nghi thức tôn vinh, trang trọng, tối 25.2 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê Mạc là Di sản tư liệu thế giới và Bằng công nhận di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Bình luận 0

Buổi lễ có sự tham dự của đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, bà Katherine Muller – Marin Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cùng đại diện Lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và TP Hà Nội.

img
Chương trình nghệ thuật biểu diễn tái hiện lại Lễ vinh quy bái tổ, một lễ nghi thường được thực hiện để vinh danh tiến sỹ sau khi đỗ đạt - Ảnh Huyền Phương

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng vào thời nhà Lý (thế kỷ XI) với cấu trúc nhiều hạng mục: Khu vực nhập đạo; Khu thành đạt – nơi có công trình Khuê Văn Các biểu tượng của Thủ đô Hà Nội: Khu nhà bia Tiến sĩ – nơi lưu giữ 82 tấm bia đá Di sản tư liệu thế giới; Khu Điện Đại Thành – nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền Nho học; Khu Thái học là nơi tôn vinh Hoàng đế Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và các bậc danh nhân.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám có chức năng là nơi thờ Khổng Tử - nhà tư tưởng, người xây nền móng cho Nho học với những nghi lễ trang trọng được tổ chức hàng năm, cũng là nơi đào tạo bồi dưỡng tri thức của Nhà nước phong kiến.

img

Những người được bổ nhiệm đứng đầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều là những đại khoa, nhà khoa bảng lớn, có tâm và tầm để đóng góp vào sự phát triển của dân tộc. Vì vậy Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một cơ quan rất quan trọng của triều đình thời bấy giờ.

Với bề dày 1.000 năm, nơi đây đã đào tạo hàng ngàn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước, là trung tâm giáo dục lớn nhất nước ta thời xưa.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là nơi hun đúc nên biết bao truyền thống văn hóa quý báu, hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc.

img
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng công nhận di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh Huyền Phương.

Chính vì thế, trong các thế hệ người Việt Nam đều luôn tôn vinh Văn Miếu – Quốc Tử Giám, coi đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ trao bằng Di tích Quốc gia đặc biệt, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự tôn vinh, kính trọng các bậc hiền nhân và xác định văn Miếu là nơi hội tụ tinh hoa của nền giáo dục và văn hiến Việt Nam.

82 tấm bia Tiến sĩ lưu giữ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được dựng cho 82 khoa thi, là những hiện vật quý giá, chứng tích cho lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, chứa đựng sử liệu liên quan đến 1304 nhà trí thức, khoa bảng hàng đầu của đất nước.

Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của khoa thi Tiến sĩ. Những tư tưởng về triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân tài luôn được khắc rõ trên những bài văn bia ở đây.

Tính độc đáo và duy nhất của các tấm bia được lưu giữ, bảo tồn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng là sự khẳng định truyền thống giáo dục, yêu nước, thương dân của các bậc hiền nhân, đồng thời thể hiện tính nghệ thuật độc đáo trong mỗi bài kí khắc họa trên bia. Tất cả đều là một áng văn chương mẫu mực, là nguyên lí thể hiện truyền thống trọng dụng nhân tài – nguyên khí của quốc gia.

img
TS. Katherine Muller – Marin Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê Mạc là Di sản tư liệu thế giới. Ảnh Huyền Phương.

Phát biểu tại Lễ trao bằng Di sản tư liệu thế giới đối với 82 tấm bia đá Tiến Sĩ tại Văn Miếu – Quốc tử Giám, TS. Katherine Muller – Marin Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nói: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám – cái nôi trí tuệ Việt Nam; Bản thân Văn Miếu chính là một kho tàng tri thức và ước vọng đạt tới trình độ giáo dục uyên bác nhất”.

Buổi sáng cùng ngày, Sở VH,TT&DL Hà Nội phối hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức tọa đàm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Cuộc tọa đàm tập trung vào hai vấn đề là: Thực trạng và giải pháp bảo tồn, tôn tạo Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ; Định hướng hoạt động phát huy giá trị của di tích trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem