Vì sao EU dự định rút "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam?

Hà Vũ Thứ sáu, ngày 06/10/2017 19:00 PM (GMT+7)
Đã qua thời điểm 30.9 – thời hạn mà Liên minh Châu Âu (EU) dự định xem xét rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam nếu chúng ta không khắc phục được 5 nhóm nội dung mà EU cảnh báo và yêu cầu chúng ta khắc phục.
Bình luận 0

Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng thì EU nói là “đang xem xét”. Nhưng “đang xem xét” không có nghĩa EU sẽ không rút “thẻ vàng” với Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, Campuchia đã bị “thẻ đỏ”, Philippines và Thái Lan đã bị EU rút “thẻ vàng”. Đối với Việt Nam, EU đã khuyến cáo từ năm 2012-2013, trong năm 2016 và 2017 EU liên tiếp cử các đoàn sang kiểm tra và cảnh báo chúng ta.

Gần đây nhất, EU có cảnh báo: Đến 30.9.2017, chúng ta không khắc phục được 5 nhóm khuyến nghị của EU liên quan đến IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý) thì EU sẽ rút “thẻ vàng” đối với Việt Nam. Đây là vấn đề không phải xa xôi mà rất cấp bách đối với chúng ta. Chính vì vậy, thời gian vừa qua Chính phủ cũng như Bộ NNPTNT đã ý thức rất rõ vấn đề này và cũng đã quyết liệt trong vấn đề khắc phục những khuyến cáo mà EU đã nêu ra.

img

EU yêu cầu Việt Nam phải đánh bắt cá hợp pháp.  Ảnh: VGP

img

"Với một số nghề chúng ta thấy không có lợi cho bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì chúng ta cũng khuyến cáo ngư dân chuyển đổi sang những nghề khác thân thiện hơn. Chúng ta cũng tổ chức cấm khai thác theo mùa, khu vực và đối tượng – những đối tượng nào cạn kiệt, suy giảm nhiều thì chúng ta sẽ có thời gian cấm, đặc biệt mùa sinh sản của thủy sản thì chúng ta phải cấm biển để khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản như các nước trong khu vực và trên thế giới hiện nay đang làm”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám

Khối lượng công việc rất lớn

Cụ thể, EU đang khuyến cáo điều gì và ta đã làm gì để khắc phục?

- Nhìn chung, họ khuyến cáo rất cụ thể vào 3 nội dung chính của IUU. Trong đó, có 5 nhóm EU cảnh báo và yêu cầu ta phải khắc phục tập trung vào trọng tâm phải hoàn thiện các thể chế, các quy định của chúng ta từ luật trở xuống đến các văn bản hướng dẫn phải đảm bảo được hệ thống pháp luật, phải nghiêm khắc với vấn đề này cũng như có những chế tài về xử lý rất nghiêm minh. Thứ hai, những vấn đề về tổ chức, thực thi của chúng ta ở trên biển để đảm bảo làm sao chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

EU cũng cảnh báo việc giám sát các tàu khai thác gắn với truy xuất nguồn gốc: Từ việc ghi nhật ký khai thác ở trên tàu, rồi cấp phép khai thác, kiểm soát cường lực khai thác; tuần tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm ở trên vùng biển; trách nhiệm của chủ tàu, các bến cảng, các cơ sở hậu cần nghề cá cũng như việc giám sát của cơ quan quản lý để đảm bảo tất cả những hải sản mà khai thác ở trong vùng biển không vi phạm IUU mà lại truy xuất được nguồn gốc. Đây là khối lượng công việc rất lớn mà chúng ta đã cố gắng nhưng cũng chưa phải đáp ứng hoàn toàn theo quy định của EU.

Còn vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp trên các vùng biển, sẽ được EU xem xét thế nào, thưa ông?

- Tàu cá, ngư dân của chúng ta đi đánh bắt bất hợp pháp vùng biển các nước là vấn đề trọng tâm không chỉ EU và các nước liên quan cảnh báo, nhắc nhở chúng ta nhiều. Thậm chí, tại các diễn đàn quốc tế hoặc các cuộc gặp song phương, chúng ta cũng bị các nước, tổ chức lên án. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản xuất của bà con ngư dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín, sự hợp tác của chúng ta đối với các nước. Ngoài ra, một số khuyến cáo khác của EU chúng ta đã nỗ lực để thực hiện.

Phải nói rằng, trước hết, về mặt quan điểm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ NNPTNT đã tuyên bố và trao đổi với các bạn: Việt Nam không dung túng và không khuyến khích hành vi vi phạm này. Ngược lại, chúng ta vừa vận động thuyết phục, nhưng nếu vi phạm thì chúng ta xử lý nghiêm. Chúng ta đã làm một loạt các hoạt động, đó là soạn thảo Luật Thủy sản, trong đó có hẳn 1 mục về IUU; chính thức đưa chế định về lực lượng kiểm ngư vào trong luật và nhấn mạnh đến việc phát triển ngành thủy sản hiệu quả, có trách nhiệm và phát triển bền vững... Tất cả những nội dung này đã được đưa vào bộ Luật Thủy sản sửa đổi và tháng 10 này Quốc hội thông qua.

Chúng ta cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Công điện 732, trong đó đưa ra những giải pháp mạnh, đặc biệt là những tỉnh trọng điểm có tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước thì Chủ tịch UBND tỉnh nếu không ngăn chặn được việc này sớm thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Theo đó, chính quyền các cấp từ cấp huyện, xã và thôn để xảy ra việc này cũng phải chịu trách nhiệm. Bộ NNPTNT cũng tham mưu trình Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia về IUU. Với những hành động quyết liệt như vậy từ tháng 6.2017 đến nay thì tàu cá ngư dân của Việt Nam vi phạm vùng biển các nước, đánh bắt bất hợp pháp thì đã giảm thiểu. Hy vọng kế hoạch hành động này được ban hành và có chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì chúng ta sẽ sớm chấm dứt được việc này.

Nhiều bất cập cần điều chỉnh

Thưa Thứ trưởng, EU có nói 30.9 họ sẽ đưa ra quyết định. Bây giờ đã qua thời điểm đó rồi thì ông nhìn nhận gì về bước này và như ông chia sẻ đó là một cơ hội để tái cơ cấu ngành thủy sản?

- EU có yêu cầu đến 30.9 xem xét 5 nhóm kiến nghị và nếu Việt Nam không đáp ứng được thì EU sẽ rút “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác xuất khẩu vào EU. Đến thời điểm này, đã qua 30.9 mà EU vẫn chưa có một động thái về việc này. Đến nay, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng thì EU cũng nói là “đang xem xét”. Nhưng “đang xem xét” không có nghĩa EU sẽ không rút “thẻ vàng” với chúng ta. Chúng ta có đề nghị đến 31.12, nhưng kể cả trường hợp EU cho phép chúng ta lùi thời điểm này, thì cũng phải hành động quyết liệt và coi đây là một cơ hội để cho nghề khai thác nói riêng cũng như thủy sản nói chung. Chúng ta tổ chức lại sản xuất và phải xây dựng một nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Hiện nay, trong thiết kế Luật Thủy sản cũng như các văn bản tới đây hướng dẫn Luật Thủy sản cũng đi theo hướng này. Chúng ta sẽ nhấn mạnh đến việc phát triển thủy sản bằng cách phát triển nuôi trồng trên đất liền, nuôi biển và chúng ta nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản. Đối với khai thác, chúng ta cố gắng giữ ổn định cường lực khai thác, sản lượng khai thác như hiện nay theo hướng giảm về số lượng cũng như cơ cấu, tăng khai thác xa bờ và giảm ven bờ.

Hiện nay, 70% lượng tàu thuyền khai thác của chúng ta đang tập trung ở vùng biển ven bờ. Đây là bất cập mà tới đây chúng ta phải điều chỉnh lại.

Với nhận thức như vậy, tôi tin tới đây dù EU có rút hay không rút “thẻ vàng” thì chúng ta vẫn phải quyết tâm theo hướng phát triển nghề khai thác cũng như ngành thủy sản theo hướng có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Trong các khuyến nghị của EU, có một ý rất hay là chúng ta phải điều tra nguồn lợi thủy sản và dựa trên kết quả điều tra đó chúng ta mới quy hoạch tàu cá và phát triển, chứ không thúc đẩy đóng tàu bằng mọi giá như hiện nay. Ông nhìn nhận như thế nào vấn đề này?

- Khuyến nghị của EU rất phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay và chúng ta cũng sửa Luật Thủy sản theo hướng này. Có nghĩa là, những nội dung trong Luật Thủy sản tới đây sẽ nhấn mạnh đến điều tra nguồn lợi cũng như khai thác nguồn lợi dựa trên trữ lượng và sản lượng tối đa cho phép. Vì vậy, trong Luật Thủy sản có thiết kế sẽ giao cho Chính phủ có chương trình điều tra nguồn lợi định kỳ 5 năm 1 lần.

Trên cơ sở những thông số, thông tin thống kê về trữ lượng nguồn lợi cũng như sản lượng hải sản cho phép khai thác tối đa một cách bền vững, từ đó chúng ta sẽ tổ chức lại đóng tàu như thế nào, phát triển bao nhiêu tàu là vừa, cơ cấu tàu theo nghề, theo vùng biển như thế nào và có lộ trình giảm những nghề và tàu cá theo những nghề hiện nay ảnh hưởng đến nguồn lợi như lưới kéo đáy chẳng hạn để có một cơ cấu và chế tài giám sát chặt chẽ.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem