Video: Gia đình 2 thế hệ phi công hy sinh vì Tổ quốc - Đồng đội tôi

DV (tổng hợp) Thứ năm, ngày 20/10/2016 19:30 PM (GMT+7)
Phi công Dương Lê Minh tử nạn trong vụ rơi máy bay sáng 18.10 vừa qua tại Bà Rịa - Vũng Tàu là người thứ 2 trong gia đình hy sinh vì tai nạn máy bay. Trước đó, cha của anh là thượng tá Dương Văn Thanh - Phó Trung đoàn Không quân 910 - cũng đã hy sinh khi huấn luyện bay cho học viên vào năm 2005.
Bình luận 0

Sáng 18.10, phi công Dương Lê Minh đã tử nạn trong vụ rơi máy bay xảy ra tại khu vực núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh là người thứ 2 trong gia đình hy sinh vì tai nạn máy bay. Trước đó, cha của anh là thượng tá Dương Văn Thanh - Phó Trung đoàn Không quân 910 cũng đã hy sinh khi huấn luyện bay cho học viên ngày 29.4.2005.

img

Từ trái sang: Hai cha con phi công Dương Văn Thanh và Dương Lê Minh.

Theo nhiều đồng nghiệp, cả hai đều là những phi công cự phách của Không quân Việt Nam.

Đại tá Đàm Văn Toản, Chính ủy Sư đoàn Không quân 916, cho biết, thượng tá Dương Văn Thanh gặp nạn khi đang tham gia huấn luyện máy bay cánh bằng L39 - một máy bay quân sự loại nhỏ. Khi máy bay gặp sự cố kỹ thuật chết máy trên không, chỉ huy bay đã nhiều lần yêu cầu thượng tá Thanh nhảy dù để đảm bảo tính mạng, nhưng thượng tá Thanh đã chấp nhận hy sinh, không nhảy dù mà ra lệnh cho học viên là phi công Đào Việt Hưng mở cửa buồng lái phụ nhảy ra thoát nạn.

Theo đại tá Toản, thượng tá Thanh đã điều khiển máy làm động tác kỹ thuật bay lao ra biển tránh đâm vào khu du lịch lúc đó đang rất đông người vui chơi. Khi đội cứu hộ của Trường sỹ quan Không quân tìm thấy máy bay dưới đáy biển, phát hiện anh thượng tá Thanh hy sinh trong tư thế ngồi trong buồng lái. Với hành động quả cảm đó, thượng tá Thanh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2007.

Khi người cha hy sinh, đại úy Dương Lê Minh đang là học viên của Trường sỹ quan Không quân. Lúc đó mẹ anh đã khuyên anh nên bỏ nghề binh nghiệp, nhưng nghĩ về người cha, nghĩ về tuổi thơ đã gắn bó với những chuyến bay từ nhỏ, anh Minh đã quyết tâm nén đau thương để tốt nghiệp loại xuất sắc và cũng được giữ lại trường làm giáo viên huấn luyện bay như cha mình. Trước chuyến bay định mệnh gặp nạn tại khu vực núi Dinh, sỹ quan Dương Lê Minh được đánh giá là một trong những giáo viên, phi công có tay nghề cao, có gia đình truyền thống, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Xin được giới thiệu đến bạn đọc phim tài liệu "Đồng đội tôi", về gia đình 2 thế hệ phi công hy sinh vì Tổ quốc này, của Kênh Thời sự, Quốc phòng:

Như Dân Việt đã đưa tin: Khoảng 7h40 sáng 18.10, máy bay trực thăng EC130 T2 của Trung tâm huấn luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam) bay huấn luyện. Hơn 15 phút sau, máy bay bị mất liên lạc tại khu vực Tây Bắc núi Dinh, cách sân bay Vũng Tàu khoảng 25km. Trên máy bay có thiếu tá Dương Lê Minh (32 tuổi, giáo viên) cùng hai học viên trung úy Đặng Đình Duy và trung úy Nguyễn Văn Tùng (cùng 25 tuổi).

Sau hơn một ngày quần thảo núi Dinh, khoảng 11h30 ngày 19.10, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy chiếc máy bay rơi tại núi Bao Quan (thuộc núi Dinh, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu). Chiếc trực thăng vỡ nát, nhưng thi thể 3 sĩ quan còn nguyên vẹn. Hơn 3 giờ sau, thi thể các phi công được chuyển xuống núi rồi đưa về Bệnh viện 175 (TP.HCM).

Ngày 19.10, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 18 được sự ủy quyền của Bộ trưởng Quốc phòng, đã ký quyết định truy thăng quân hàm từ đại úy lên thiếu tá cho phi công Dương Lê Minh, từ trung úy lên thượng úy cho hai phi công Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng.

Lễ truy điệu 3 phi công sẽ được tổ chức từ 7h sáng 21.10 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem