Việc tuyển dụng 93 giáo viên ở Điện Biên: Hé lộ quy trình bất ngờ

Vinh Duy Thứ sáu, ngày 22/12/2017 05:55 AM (GMT+7)
Những khuất tất phía sau việc tuyển dụng 93 giáo viên ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tiếp tục được hé lộ.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, huyện Mường Nhé (Điện Biên) tổ chức xét tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục vào năm 2015 và có 93 hồ sơ đã trúng tuyển.

Tiếp tục tìm hiểu, PV Dân Việt nhận được những thông tin chưa minh bạch trong việc tuyển dụng này. Cụ thể, sau một năm được tuyển dụng, 93 giáo viên này gặp vấn đề trong xóa tập sự, xếp bậc lương.

Không giao vì không làm được việc?!

Làm việc với phóng viên Dân Việt, ông Trần Ngọc Kiên - Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo khẳng định: “Phòng Giáo dục – Đào tạo được UBND huyện giao làm cơ quan thường trực để phối hợp với Phòng Nội vụ, tham mưu cho Hội đồng tuyển dụng viên chức giáo dục. Chủ tịch UBND huyện giao cho Phòng Giáo dục – Đào tạo là cơ quan thường trực để tham mưu”. Nhưng khi phóng viên hỏi có Quyết định giao cho Phòng Giáo dục – Đào tạo là cơ quan tham mưu hay không thì ông Trần Ngọc Kiên chưa đưa ra được.

img

Lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Mường Nhé (trái), tỉnh Điện Biên tiếp tục khẳng định không được phối hợp với Phòng GDĐT trong việc tuyển dụng 93 giáo viên. Ảnh Vinh Duy.

Theo ông Trần Ngọc Kiên thì tất cả các văn bản liên quan đến việc tuyển chọn giáo viên đều có gửi Phòng Nội vụ.  Nhưng khi PV làm việc với Phòng Nội vụ, ông Trần Quyết Thắng -  Trưởng phòng Nội vụ khẳng định hai đơn vị không có sự phối hợp, văn bản không được gửi cho Phòng Nội vụ.

“Nếu Phòng Giáo dục gửi văn bản về tuyển dụng giáo viên cho chúng tôi, thì Phòng Nội vụ đã không làm Công văn số 85 ngày 20.11.2015 gửi phòng Giáo dục Đào tạo, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Tổ chức Huyện ủy, Thanh tra huyện để báo cáo về quy trình phối hợp giữa 2 cơ quan” - ông Thắng khẳng định.

Trước câu hỏi tại sao trong đợt 2 tuyển 93 giáo viên,  Phòng Nội vụ không được tham gia, ông Lù Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Phòng Nội vụ không làm được việc, tôi đã định cắt quyền của Phòng Nội vụ, nhưng trong Hội đồng xét tuyển vẫn có thành phần Phòng Nội vụ. Tôi sẽ kiểm tra lại việc này, bởi trong nguyên tắc làm là phải có Phòng Nội vụ”.

Ông Lù Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện nói là Phòng Nội vụ không làm được việc, nhưng tại thời điểm năm 2015 UBND tỉnh Điện Biên đã khen thưởng Phòng Nội vụ huyện Mường Nhé danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. 

Chậm xóa tập sự cho giáo viên

Theo tìm hiểu của PV, việc xóa tập sự cho số giáo viên kể trên có vấn đề (sau 6 tháng đối với giáo viên tốt nghiệp Trung cấp và 1 năm tuyển dụng đối với tốt nghiệp Cao đẳng - PV).

Lãnh đạo Phòng Nội vụ cho biết sau khi có Quyết định tuyển dụng của UBND huyện đối với 93 giáo viên, phòng Giáo dục – Đào tạo đã ra Quyết định phân công nhiệm vụ cho từng giáo viên về các trường trực thuộc, việc này Phòng Nội vụ cũng không nắm được.

Điều đáng nói là sau khi được phân công nhiệm vụ về các trường, giáo viên phải trải qua thời gian tập sự. Số giáo viên có trình độ trung cấp thì phòng Giáo dục – Đào tạo đã trực tiếp tham mưu cho UBND huyện Quyết định xóa tập sự sau 6 tháng theo quy định. Đối với giáo viên có trình độ từ Cao đẳng trở lên, sau 12 tháng tập sự Phòng Giáo dục – Đào tạo đã trực tiếp tham mưu các quyết định xóa tập sự và trình lãnh đạo UBND huyện ký

Nhưng do không đúng quy trình nên ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu chuyển phòng Nội vụ thẩm định. Do phòng Nội vụ không thực hiện tuyển dụng số giáo viên này nên khi tuyển dụng, Phòng Giáo dục – Đào tạo đã tham mưu cho UBND huyện xếp sai ngạch, bậc, hạng viên chức cho các giáo viên. 

img

Sinh hoạt chuyên môn của các giáo viên cụm 25 huyện Mường Nhé. Ảnh minh họa - Sở GDĐT tỉnh Điện Biên.

Đồng thời, việc làm trên cũng không đúng với Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14.9.2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non; Thông tư Liên tịch số 21.2015/TTLT- BGDĐT-BNV ngày 16.9.2015 về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học công lập; Thông tư Liên tịch số 22.2015/TTLT- BGDĐT-BNV ngày 16.9.2015 về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS công lập.

Ông Trần Quyết Thắng -  Trưởng phòng Nội vụ khẳng định: “Ngày 15.12.2015 Phòng Giáo dục – Đào tạo tự tham mưu Quyết định tuyển dụng 93 giáo viên trình Chủ tịch UBND huyện ký tuyển dụng mà không xếp lương theo chức danh nghề nghiệp, hạng viên chức trong khi Thông tư 20, 21, 22 liên bộ đã có hiệu lực.

Sau khi các giáo viên hết thời gian tập sự, Phòng Giáo dục – Đào tạo soạn thảo các Quyết định xóa tập sự trình UBND huyện ký nhưng Chủ tịch UBND huyện yêu cầu chuyển phòng Nội vụ thẩm định.

Do chúng tôi không được tham mưu quy trình tuyển dụng nên khi xóa tập sự phòng Nội vụ không thể thẩm định được, vì việc xếp lương viên chức giáo dục đã sai. Vì thế phòng Nội vụ đã có tham mưu cho UBND huyện văn bản số 597/UBND-NV ngày 19.6.2017 về việc xin ý kiến xét công nhận hoàn thành thời gian thử việc và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, để xin ý kiến Sở Nội vụ nhưng chưa nhận được sự trả lời từ phía Sở Nội vụ".

Quyết định tuyển dụng 93 giáo viên được ban hành ngày 15.12.2015 nhưng đến tận ngày 19.6.2017 UBND huyện mới xin ý kiến Sở Nội vụ để xóa tập sự cho 93 giáo viên; như vậy là chậm hơn 6 tháng. Đồng thời, trong Quyết định cũng không xếp lương theo đúng ngạch bậc của Thông tư 20, 21, 22. 

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem