Bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt bỏ hai bàn tay của bệnh nhân H.
Cụ thể, trưa 12.7, bệnh nhân N.X.H cho hai loại phân bón vô cơ vào một chai nhựa có sẵn một ít nước để lắc cho tan, khoảng 5 phút sau không thấy tan nên H cho thêm 2 ốc vít bằng sắt vào rồi lắc mạnh thì chai nhựa bất ngờ phát nổ. H cũng cho biết chưa rõ lắm về nguồn gốc loại phân bón này do đặt mua qua mạng.
Chiều 13.7, trao đổi với phóng viên Dân Việt về vụ việc này, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho biết, đây là lần đầu tiên ông nghe nói về một vụ phân bón phát nổ. "Rất có thể trong 2 loại phân bón mà anh H sử dụng có chứa hàm lượng NO2 – đây là một hoạt chất có thể gây cháy nổ, hoặc là một số loại phân bón như đạm NH4NO3, hoặc Kali Nitrat (KNO3)… Những chất này được sử dụng như phân bón nhưng mang tính chất phân hủy, gây nổ như KNO3" - ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, những chất trên khi tác dụng với nhau sẽ gây ra phản ứng, tách khí NO, NO2 hoặc NO3, trong quá trình phản ứng các chất trên giải phóng khí hidro, nito gây cháy nổ.
"Những chất trên có tác dụng như phân bón, tuy nhiên hiện nay rất ít đơn vị, doanh nghiệp dùng những chất này để sản xuất phân bón vì không thông dụng, thường được các đơn vị sử dụng làm sản phẩm phụ, hoặc là chất thu hồi trong sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là một số chất được sử dụng để sản xuất chất nổ, tuy nhiên một lần nữa tôi nhắc lại là nó ít được sử dụng" - ông Hồng nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc những chất có thể gây nổ trên có bị cấm trong sản xuất phân bón hay không, ông Hồng cho hay: "Theo tôi biết, hiện mới chỉ có chất kali nitrat (KNO3) là đang bị cấm, vì đây là một thành phần của thuốc pháo. Bên cạnh đó, NH4NO3 cũng bị cấm vì là chất dễ gây cháy nổ. Tuy nhiên ở một số nơi, vẫn có người sử dụng các chất này làm phân bón vì chưa có cảnh báo về việc gây cháy nổ".
Trên thực tế, trong quy trình sản xuất và sử dụng phân bón, ngành chức năng đều đã khuyến cáo những loại phân nào không nên trộn lẫn với nhau. Tuy nhiên, do thói quen, cộng với trình độ dân trí hạn chế nên lâu nay nhiều nông dân vẫn mua phân đơn về sử dụng, sau đó lại trộn các loại đạm, kali với nhau để tạo ra một loại phân bón "tổng hợp" rồi bón cho cây trồng.
Cơ quan chức năng kiểm tra việc pha trộn phân hóa học đơn thành phân bón tổng hợp tại một cơ sở không có giấy phép trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: T.L.
"Tốt nhất bà con hãy bón phân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không nên tự ý trộn các loại phân bón với nhau, đặc biệt là phân đơn vì trong quá trình pha trộn sẽ tạo ra một loại phân bón hoàn toàn khác, gây ảnh hưởng đến môi trường; làm giảm hàm lượng hữu hiệu của phân bón và nếu gây cháy nổ thì rất nguy hiểm. Bà con nên tìm mua các loại phân bón tổng hợp (phân NPK) của doanh nghiệp có uy tín, do hàm lượng mỗi chất đều đã được các nhà sản xuất tính toán, cân đối để đảm bảo phân bón có tác dụng cao nhất cho cây trồng và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng" - ông Hồng khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.