Kháng nghị hủy cả hai bản án vụ Công ty bảo hiểm bị người lao động khởi kiện
Kháng nghị hủy cả hai bản án vụ Công ty bảo hiểm bị người lao động khởi kiện
Duy Hậu
Thứ năm, ngày 10/06/2021 09:07 AM (GMT+7)
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng huỷ cả án sơ thẩm, phúc thẩm của hai cấp toà ở Đắk Lắk đối với vụ "Kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại".
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 15/9/2020, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ "Kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại".
Đây là vụ kiện giữa nguyên đơn là ông Đoàn Thanh Tùng, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam) và bị đơn là Prudential Việt Nam. Phiên tòa do ông Nguyễn Huờn - Thẩm phán TAND tỉnh Đắk Lắk làm chủ tọa.
Theo nội dung vụ án, ngày 15/10/2007, Công ty này ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn 1 năm với ông Đoàn Thanh Tùng. Sau thời gian 1 năm, hợp đồng này trở thành hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 16/3/2018, Công ty tuyên bố giải thể bộ phận Truyền Thông Tích hợp.
Bên cạnh việc này, Công ty bảo hiểm này ra quyết định về việc "Cho người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương" đối với ông Tùng cùng 20 nhân viên tại bộ phận Truyền Thông Tích hợp. Các quyết định này ký vào ngày 15/3/2018.
Riêng ông Tùng nhận thêm Quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng đại diện tại Đắk Lắk. Ngày 25/4/2018, Prudential Việt Nam chính thức ra thông báo chấm dứt HĐLĐ đối với ông Tùng.
Ông Tùng đã khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần suốt một thời gian dài.
Đơn kiện của ông Tùng được TAND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tiếp nhận giải quyết và đưa ra xét xử sơ thẩm vào 15/5/2020. HĐXX tòa sơ thẩm nhận định, việc Công ty bảo hiểm này đã ban hành quyết định ngày 15/3/2018 về việc "Cho người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương" là không có căn cứ.
Đồng thời, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, Công ty đã không làm đúng, đủ các thủ tục như trao đổi, thỏa thuận với người lao động. Việc chấm dứt HĐLĐ này là vi phạm quy định Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi năm 2007).
Do đó, tòa sơ thẩm tuyên hủy quyết định ngày 15/3/2018 và buộc Prudential Việt Nam phải bồi thường tiền lương hàng tháng, tiền phụ cấp lương và các chế độ khác cho ông Tùng với số tiền hơn 288 triệu đồng.
Sau đó, cả hai bên cùng kháng cáo bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/9/2020, đại diện Công ty đề nghị thỏa thuận bồi thường cho ông Tùng 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Tùng không đồng ý. Ông Tùng yêu cầu mức bồi thường hơn 1,8 tỷ đồng.
HĐXX phiên tòa phúc thẩm cho rằng không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Tùng, có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo về việc sửa bản án sơ thẩm của Công ty bảo hiểm. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tùng cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất, sức khỏe, nhân phẩm bị xâm hại cũng như nhận trở lại làm việc…
Phán quyết này cũng đồng nghĩa ông Tùng trắng tay, không nhận được bất kỳ khoản tiền bồi thường nào. Không chấp nhận phán quyết này, ông Tùng tiếp tục kháng cáo.
Kháng nghị hủy cả hai bản án
Ngày 8/6, ông Tùng cho biết đã nhận được hồi âm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Cụ thể, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
Theo đó, Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nhận định tại các đơn khởi kiện, cũng như lời trình bày của ông Tùng tại tòa đều thể hiện ý chí đề nghị tòa xác định Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Yêu cầu khởi kiện này là đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên do cấp sơ thẩm xác định không đúng quyết định cần khởi kiện để từ đó hướng dẫn cho ông Tùng sửa đổi Đơn khởi kiện phù hợp (cụ thể đề nghị hủy Quyết định ngày 25/4/2018 của Prudential Việt Nam về việc chấm dứt HĐLĐ với ông Tùng), dẫn tới sau khi có bản án giải quyết tranh chấp về HĐLĐ phúc thẩm thì ông Đoàn Thanh Tùng không thể khởi kiện Quyết định ngày 25/4/2018 vì hết thời hiệu khởi kiện.
"Lẽ ra, trong trường hợp này, tòa phúc thẩm cần hủy án lao động sơ thẩm, giao hồ sơ cho tòa sơ thẩm giải quyết lại" - quyết định kháng nghị nêu.
Từ đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án lao động phúc thẩm và sơ thẩm; giao hồ sơ cho TAND TP.Buôn Ma Thuột giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.