Vụ rơi trực thăng quân sự: Đoàn bay của những anh hùng

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 09/07/2014 07:20 AM (GMT+7)
Đã nhiều lần được theo máy bay trực thăng của Trung đoàn Không quân 916 (Sư đoàn 371) làm nhiệm vụ, chúng tôi hiểu được trách nhiệm cao cả và tinh thần vì nước, vì dân của những người phi công, chỉ huy dẫn đường mặt đất, hậu cần kỹ thuật... cao đến mức nào.
Bình luận 0

Những chiến công lớn

Trong hơn 38 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn 916 đã tổ chức bay hàng ngàn chuyến với hàng vạn giờ bay an toàn; thực hiện tốt các chuyến bay nhiệm vụ và bay chuyên cơ chở các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đi công tác. Đơn vị cũng đã huấn luyện, đào tạo hàng trăm phi công, nhân viên bay cho Quân chủng Phòng không - Không quân; làm nhiệm vụ quốc tế, nhiệm vụ nhân đạo; bay treo cờ trong các dịp kỷ niệm Quốc khánh và các dịp lễ lớn của đất nước

Được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1998), 916 đã không ngừng khẳng định vai trò và luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với tinh thần chủ động, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn.

Đáng chú ý, trong 4 năm vừa qua (2009-2013), đơn vị tiếp tục bảo đảm an toàn bay tuyệt đối, bay huấn luyện và bay nhiệm vụ đều vượt 100% kế hoạch năm. Về huấn luyện mặt đất, hàng năm, Trung đoàn cũng luôn hoàn thành đạt và vượt mức 100% các nội dung, chỉ tiêu huấn luyện đề ra bảo đảm an toàn, chất lượng. Năm 2010, Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ bay treo cờ trong Lễ diễu, duyệt binh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Ngoài ra, trong các năm qua, Trung đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bay vận tải quân sự, bay tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão: Thực hiện tốt nhiệm vụ bay cứu trợ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Campuchia đợt bão lũ cuối tháng 9 đầu tháng 10.2009; bay cứu trợ nhân dân lũ lụt tại Tuyên Hóa và Quảng Trạch (Quảng Bình) đầu tháng 10.2010....

Chia sẻ về hoạt động này, Đại tá Nguyễn Ngọc Vy - Trung đoàn trưởng 916 cho biết, trong điều kiện thời tiết khó khăn, phương tiện bảo đảm còn hạn chế, song với bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao và sự sẻ chia sâu sắc, các tổ bay của Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu trợ nhân dân khi hoạn nạn.

Can trường đến phút cuối

Trong vụ tai nạn của trực thăng Mi - 171 số hiệu 01 sáng 7.7, đã có 18 người tử nạn. Thương vong sẽ còn lớn hơn nếu phi công cấp I Hoàng Lại Long- thượng tá, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 916 không dũng cảm, tài tình điều khiển máy bay ra xa khu dân cư...

Nói về người em, người đồng đội đồng chí đã hy sinh, đại tá Nguyễn Văn Mậu - nguyên Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn Không quân 371 (vừa nghỉ hưu được 10 ngày), gạt nước mắt chia sẻ: Nghe tin Hoàng Lại Long gặp nạn mà tôi rụng rời chân tay. Tôi hiểu tính Long lắm, luôn coi Long như một đứa em vì mình biết Long đã hàng chục năm nay rồi. Long sinh năm 1961, quê Trực Ninh, Nam Định.

Tính Long vô cùng vui vẻ, đôi lúc cũng nhiễm máu tài tử tài hoa - đặc trưng tính cách của những phi công chiến đấu trên toàn thế giới. Nhưng nói thật, đơn vị luôn đánh giá Long là một phi công xuất sắc trong nghề nghiệp, mưu trí xử lý những tình huống khó gặp phải khi tham gia bay. Tay nghề bay của Long luôn được anh em kính nể và bái phục. Mà cụ thể Long đã đạt được 1.617 giờ bay an toàn. Rất hiếm phi công đạt được đến một trình độ như thế.

Ông Mậu nghẹn ngào: Long mất đi, thương các cháu con Long còn nhỏ quá. Do công việc và cũng tính cách tài tử mà Long lấy vợ muộn lắm. Long hơn vợ những 16 tuổi, hai đứa con 12 và 7 tuổi, gánh nặng gia đình giờ dồn hết cả lên vai vợ Long là Hoàng Hồng Thanh”.

 "Biết máy bay gặp nạn nhưng Long vẫn bình tĩnh đưa máy bay ra khu vực xa khu dân cư tránh gây thương vong cho người dân. Điều này cũng là một phẩm chất của Long và của những người phi công quân đội nhân dân...”. 
Đại tá Nguyễn Văn Mậu

Tổ chức lễ truy điệu vào sáng 11.7

Sáng 8.7, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch - Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên Thường trực Quân ủy T.Ư, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đến Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) thăm các đồng chí bị thương trong vụ tai nạn máy Mi -171. Thượng tướng yêu cầu Viện Bỏng tiếp tục cử các y, bác sĩ giỏi và sử dụng thuốc men tốt nhất cứu chữa 3 đồng chí. Thượng tướng cũng đề nghị, các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức lễ viếng, truy điệu, an táng cho các đồng chí đã hy sinh thật trang nghiêm. Dự kiến lễ viếng, truy điệu diễn ra tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 vào sáng 11.7. 

Đối với những đồng chí tổ chức an táng tại quê nhà (theo nguyện vọng của gia đình), Thượng tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị các đơn vị phối hợp các địa phương tổ chức trang nghiêm theo đúng phong tục tập quán quê hương. Bộ Quốc phòng hỗ trợ gia đình mỗi đồng chí hy sinh 50 triệu động, mỗi đồng chí bị thương 10 triệu đồng. Tiếp đó, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch đã gặp gỡ động viên, tặng quà thân nhân 3 đồng chí bị thương đang điều trị tại viện. 

Trong ngày 8.7, các đơn vị chức năng của quân đội đã hoàn tất đầy đủ danh sách 18 quân nhân hy sinh  (mời bạn đọc xem tại Danviet.vn). 

Mạnh Lực - Gia Tưởng

Các nạn nhânđủ điều kiệnphong liệt sĩ

Ngày 8.7, ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTBXH khẳng định, căn cứ thông tin về vụ tai nạn thì những cán bộ, chiến sĩ tử nạn trong vụ máy bay rơi tại Thạch Thất (Hà Nội) đủ điều kiện để được xác nhận là liệt sĩ. Theo ông Kiên, việc xác nhận này căn cứ Nghị định 31/2013. Cụ thể, tại điểm L Điều 17 ghi rõ 1 trong những trường hợp được xem xét xác nhận liệt sĩ là: Người trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy...

G.T


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem