Vụ rừng thông bị "nhựa tặc" hoành hành: Tạm dừng khai thác

Hoàng Trình Thứ ba, ngày 16/07/2019 10:58 AM (GMT+7)
Sau bài viết của Báo Điện tử Dân Việt về việc khai thác trái phép nhựa thông trên đảo Vĩnh Thực, UBND TP.Móng Cái đã ban hành văn bản tạm dừng khai thác nhựa thông đối với tất cả các diện tích trồng thông trên địa bàn thành phố.
Bình luận 0

Người dân đảo biên giới Vĩnh Thực muốn được hướng dẫn, khai thác nhựa thông hợp pháp.

Theo thông tin từ UBND TP.Móng Cái, sau khi báo điện tử Dân Việt có bài viết “Quảng Ninh: Rừng thông đang chết yểu vì "nhựa tặc" hoành hành”, UBND TP.Móng Cái đã cử đoàn công tác xuống xác minh. Ngay sau đó, UBND TP.Móng Cái đã ban hành văn bản tạm dừng khai thác nhựa thông đối với tất cả các diện tích trồng thông trên địa bàn TP.Móng Cái do chưa có quy trình khai thác nhựa. UBND thành phố sẽ xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh.

img

Văn bản chỉ đạo của UBND TP.Móng Cái sau bài viết của Báo điện tử Dân Việt.

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm TP.Móng Cái, hoạt động khai thác nhựa thông trên địa bàn đảo Vĩnh Thực đã diễn ra lẻ tẻ từ nhiều năm nay. Riêng năm 2018, Chính quyền địa phương và Hạt kiểm lâm Móng Cái đã tổ chức 7 đợt kiểm tra, phát hiện thu giữ gần 3 tấn nhựa thông, phá dỡ lều bạt, bể chứa nhựa...

Nguyên nhân là do qua nhiều năm, các phòng ban chuyên môn và UBND các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực không lập hồ sơ quản lý, theo dõi, cập nhật thông tin về quá trình sử dụng, không phát hiện ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác nhựa thông.

Năm 2001, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Bộ đội biên phòng thực hiện dự án trồng rừng 661. Tuy nhiên, trước khi giao đất, chính quyền địa phương lại không thực hiện thu hồi quyết định giao đất, giao rừng cho người dân trong vùng dự án 661 theo quy định của pháp luật.

Sau khi hoàn thành, bàn giao dự án, UBND TP.Móng Cái đã chỉ đạo bàn giao rừng trồng của dự án 661, Bắc Hải Sơn về cho các xã, Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, bảo vệ. UBND TP.Móng Cái cũng ra thông báo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án giao rừng cho các hộ dân quản lý, bảo vệ, nhưng đến nay việc này vẫn chưa thực hiện. 

img

Việc quản lý đất rừng trên đảo Vĩnh Thực thời gian qua có nhiều bất cập 

Năm 2013, nhiều hộ dân được giao rừng từ năm 1990 đã tranh chấp với đất rừng trồng theo dự án 661 đã giao cho UBND xã. Vụ việc diễn ra nhiều năm, UBND TP.Móng Cái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Hồ sơ về việc giao đất, giao rừng cho dân và giao đất cho dự án trồng rừng 661 chỉ được lưu trữ sơ sài, không cập nhật quá trình sử dụng đất sau giao và sau khi thực hiện dự án 661.

Ông Trần Văn Hiển - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Móng Cái cho biết, theo quy định tại điều 15, thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về quản lý truy suất nguồn gốc nông sản, chủ rừng tự quyết định việc khai thác lâm sản, sau khai thác chủ rừng lập bảng kê lâm sản. Chính vì vậy khoảng đầu tháng 5/2019, đã có 5 hộ tự ý khai thác nhựa thông mà không báo cáo với chính quyền.

“Do thủ tục quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản tạo điều kiện thông thoáng cho người dân nên nhiều hộ dân có sổ xanh tại đảo Vĩnh Thực cho rằng họ đã bỏ công chăm sóc, bảo vệ, có hộ đã bỏ tiền ra trồng thêm và xen các loại cây khác nên có quyền khai thác. Nhiều hộ được giao rừng đã có đơn đề nghị lên UBND xã, UBND thành phố xin khai thác nhựa thông nhưng không được trả lời nên các hộ dân đã tự ý khai thác. Nhiều người thấy thế cũng làm theo dẫn đến tình trạng lộn xộn như báo Dân Việt đã nêu.

Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên thành phố về việc hỗ trợ kinh phí để người được giao rừng trong công tác bảo vệ, chăm sóc phát triển rừng thông. Có quy chế đặc thù bảo vệ nghiêm ngặt rừng thông non trên địa bàn thành phố và đảo Vĩnh Thực”, ông Hiển cho biết.

Trong khi đó, nhiều người dân mong muốn có cơ chế để có thể khai thác nhựa thông từ rừng trồng. Ông Đặng Văn Thụ, người dân xã Vĩnh Trung, TP.Móng Cái cho biết, gia đình ông có 3,2ha rừng thông được nhà nước giao, có sổ từ năm 1990. Đến năm 2001, dự án trồng rừng 661 trồng lấn vào đất của ông 2,8ha.

“Đến giờ gia đình vẫn quản lý và bảo vệ số thông trong diện tích mà nhà nước giao. Nguyện vọng của gia đình là đã được giao đất giao rừng rồi thì được quyền chăm sóc, khai thác nhựa. Nếu nhà nước cấm khai thác thì gia đình cũng rất khó khăn vì không có vốn để chăm sóc. Nhiều chỗ cây chết đi muốn trồng lại cũng không có tiền, hằng năm còn phải thuê người phát cành, dọn củi, rác để phòng cháy rừng nữa”, ông Thụ nói.

Đa số các hộ được giao rừng thông trên địa bàn xã Vĩnh Trung, TP.Móng Cái đều là các hộ khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào diện tích rừng được giao. Bà Phạm Thị Kim, người dân xã Vĩnh Trung cho biết, do chính quyền thành phố từ trước đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc khai thác nhựa cho cây thông ở đây nên người dân chưa biết phải làm thế nào. 

“Gia đình được giao trồng, bảo vệ, chăm sóc từ năm 1990, giờ chỉ muốn được hướng dẫn để khai thác nhựa. Có tiền thì gia đình tôi mới sinh sống mà bảo vệ rừng được. Nếu cứ vứt không như thế này thì việc khai thác trộm nhựa cũng khó mà biết được, thực bì không được dọn, nguy cơ cháy rừng cũng rất cao”, bà Kim than thở.

img

Chưa có hướng dẫn quy trình khai thác, người dân tự ý cạo nhựa dễ làm rừng thông Mã Vỹ trên đảo Vĩnh Thực chết yểu.

img
Đa số các hộ dân được giao quản lý rừng ở xã Vĩnh Trung còn khó khăn về kinh tế.

Theo ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch UBND TP.Móng Cái, do giống thông được trồng trên đảo Vĩnh Thực là thông Mã Vỹ, là thông nhỏ hiện chưa có quy trình khai thác nên việc khai thác tự phát của người dân dễ làm chết cây. Thành phố đã giao Hạt kiểm lâm phối hợp với UBND các xã tham mưu để tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng thông trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem