Vụ phụ huynh tố bị ép ký đơn không cho con thi lớp 10: Chuyên gia đưa ra cảnh báo

Tào Nga Thứ sáu, ngày 22/04/2022 19:00 PM (GMT+7)
Theo PGS Trần Thành Nam, việc phân loại gán nhãn học sinh theo điểm học lực là sản phẩm của nền giáo dục đồng phục không còn phù hợp với xu hướng giáo dục của thế kỷ 21.
Bình luận 0

"Nếu đúng thì đây là hành vi gian dối, phản giáo dục"

"Nếu con không cam kết bỏ thi lớp 10, con sẽ trượt tốt nghiệp. Nếu bỏ thi, con sẽ tốt nghiệp với học bạ đẹp"... Đó là thực trạng được cho là xảy ra trong nhiều trường THCS khi học sinh bị đánh giá học lực kém. 

Trước vấn đề này, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: "Đọc những tin trên, cảm xúc của tôi rất tức giận và khó chịu vì đây là một hành vi đi ngược lại những giá trị chung của nghề giáo và những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục".

Vụ trường bắt phụ huynh viết cam kết không cho con thi lớp 10: Chuyên gia đưa ra cảnh báo  - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo PGS Trần Thành Nam, việc phân loại gán nhãn học sinh theo điểm học lực là sản phẩm của nền giáo dục đồng phục không còn phù hợp với xu hướng giáo dục của thế kỷ 21 nhấn mạnh đến sự đổi mới, sáng tạo, đến tư duy phản biện.

Và việc ép học sinh học lực kém không được thi vào lớp 10 hoặc chuyển trường nếu có là một hành vi vi phạm quyền trẻ em. 

"Những đứa trẻ chưa thi đã phải dừng lại sẽ tự dán nhãn bản thân mình là một người thất bại, tự cho rằng khả năng của tôi là do di truyền, sinh ra đã thế, làm cách nào cũng không tiến bộ được. Tiềm năng của tôi đã được định trước chỉ đi làm những nghề chân tay, thấp kém. Niềm tin này sẽ làm trẻ gặp việc khó là bỏ ngang, không dám thử cái mới, không khám phá những giới hạn của bản thân và xem những góp ý mang tính xây dựng hay những thành công của người khác là sự phê phán và công kích mình. Và do đó, phản ứng với người khác, với thế giới theo cách tức giận và bạo lực.

Chúng ta thường nói với nhau và tâm đắc với bài học là nếu đánh giá năng lực "một con cá bằng khả năng leo cây" của nó thì con cá sẽ sống cả đời với niềm tin chúng là kẻ đần độn và kém cỏi.

PGS.TS Trần Thành Nam

Trong khi đó, xã hội hiện nay, chúng ta cần giáo dục cho trẻ một nhận thức tư duy mở. Coi thất bại là cơ hội phát triển bản thân, giúp các em có niềm tin rằng các em có thể học và làm được bất cứ điều gì nếu mình thực sự khát khao, giúp các em coi những thử thách là điều kiện cần thiết để rèn luyện bản thân, thấy rằng năng lực của bản thân sẽ thay đổi tùy thuộc vào sự nỗ lực và thái độ của con người chứ không phải do bẩm sinh di truyền. Các em sẽ xem những phản hồi của người khác là tích cực. Nhìn nhận những bài học thành công của người khác như một cách truyền cảm hứng cho bản thân để hào hứng và dám thử cái mới", PGS Trần Thành Nam khẳng định.

Bức xúc nhưng phụ huynh vẫn im lặng?

Phụ huynh thừa nhận có tình trạng "tư vấn chuyển trường" hoặc ép ký đơn không thi lên lớp xảy ra nhưng khi được hỏi thì không ai dám lên tiếng. PGS Nam cho rằng: "Nhiều nề nếp, niềm tin xưa cũ đã trở thành một tiền lệ quen thuộc khiến chúng ta không khỏi ái ngại khi thay đổi. Khi mà trong một thời gian dài, một cách chính thức hay phi chính thức thì ngành giáo dục lấy kết quả thi vào lớp 10 THPT để đánh giá thi đua các trường... Chính vì vậy, những trường tốt trong tốp đầu cũng sẽ luôn cố gắng giành lấy những học sinh giỏi nhất và loại trừ những học sinh không phù hợp với tiêu chí của trường. Cũng một thời gian dài, chúng ta lấy kết quả điểm thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên.

Và nếu một giáo viên dạy lớp 9 mà tỉ lệ đỗ tốt nghiệp, thi vào 10 không cao thì có lẽ chính phụ huynh cũng không gửi gắm trường để xin cho con vào lớp đó. Nhà trường tất nhiên không phân giáo viên đó dạy lớp 9 nếu thành tích điểm số thi vào 10 trên thực tế không cao".

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bản thân phụ huynh cũng không nhất quán và đoàn kết trong nhận thức và hành động. Nhiều phụ huynh biết thực trạng nhưng không lên tiếng vì con của họ vẫn đáp ứng các tiêu chí "giỏi" do nhà trường và giáo viên đặt ra. Con của họ được giáo viên chú ý hơn các bạn khác, vẫn đáp ứng các tiêu chí thành tích nhà trường đặt ra nên họ im lặng.

Còn nhiều phụ huynh có con học kém, nếu họ lên tiếng phản ứng và không chấp nhận theo những tư vấn thì con cái của họ sẽ chịu các hình thức ứng xử và thái độ kém thân thiện hơn. Các em có thể bị tẩy chay, bị bỏ mặc, bị lơ là các trách nhiệm hơn dẫn đến chịu nhiều áp lực tâm lý hơn. Và cuối cùng, để bảo vệ lòng tự trọng và sức khỏe tinh thần của các em, giúp các em thoát khỏi trầm cảm và những suy nghĩ tự hại thì họ cũng phải tìm một con đường khác cho con họ.

Vụ trường bắt phụ huynh viết cam kết không cho con thi lớp 10: Chuyên gia đưa ra cảnh báo  - Ảnh 3.

"Hướng nghiệp không phải là một công việc đơn giản và chỉ cần làm vào thời điểm cuối lớp 9, hướng nghiệp phải được tiến hành trong cả quá trình", PGS Trần Thành Nam chia sẻ. Ảnh: NVCC

Cần loại bỏ căn bệnh thành tích

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: "Vấn đề rộng hơn và chung hơn là chúng ta cần hạn chế và tiến tới loại bỏ bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông.

Có lẽ trước tiên cần có những cơ chế chính sách phù hợp để đánh giá hiệu quả giáo dục của nhà trường và năng lực giáo dục của học sinh. Thay vì vẫn sử dụng điểm thành tích của học sinh để đánh giá các trường và đánh giá giáo viên dạy giỏi thì hãy đo hiệu quả giáo dục của các nhà trường thể hiện qua sự tiến bộ liên tục của trẻ về các mặt kiến thức, kĩ năng và đạo đức qua từng học kỳ và năm học. Có nghĩa là thành tích của trường được đánh giá qua giá trị thặng dư sự chênh lệch giữa năng lực, kiến thức bộ môn, phẩm chất, thái độ hành vi của học sinh từ khi vào trường đến khi ra trường.

Tương tự, đánh giá giáo viên không phải chỉ ở việc luyện ra được bao nhiêu học sinh giỏi trong số các em chăm ngoan có ý thức. Mà các thầy cô cần được đánh giá ở khía cạnh một giáo viên đã chuyển hóa được bao nhiêu học sinh mất động lực hứng thú học tập, gặp khó khăn trong phương pháp học tập bộ môn có lại niềm tin, có lại động lực, xác định lại được con đường tương lai của mình.

Chúng ta cũng cần truyền thông để cộng đồng thay đổi nhận thức về trường tốt. Trường tốt không phải chỉ là những trường "luyện" ra những học sinh thành tích cao mà là những học sinh được khai phá đam mê và phát triển toàn diện. Để các bậc phụ huynh ngay từ đầu không phải "thức từ nửa đêm" để chạy mua hồ sơ cho con vào trường tốt nữa.

Cần hiểu rằng ngôi trường nào cũng là ngôi trường tốt nếu triết lý giáo dục của nhà trường hướng đến phát triển người học cả ở kỹ năng mềm (EQ) và kiến thức cứng (IQ), giữa sức khỏe thể chất, tinh thần. Mối quan hệ của thầy – trò hạnh phúc hơn là sự nghiêm khắc ép học theo tiến độ. Những ngôi trường có nhiều chương trình dạy học cá nhân hóa cho người học hơn là một chương trình đồng phục và ngôi trường truyền được cảm hứng học tập, khám phá đam mê, hướng đến các kỹ năng của công dân thế kỷ 21.

Còn hiện tại, nếu đã tuyên chiến với thực trạng ép phụ huynh không cho con thi vào lớp 10 hiện nay, ngành đã và cần tiếp xây dựng các cổng tiếp nhận thông tin phản ánh về hiện trạng này. Và tất cả những bằng chứng sơ cấp (như tin nhắn, file ghi âm) và thứ cấp (như các bản cam kết của phụ huynh xác nhận không cho con thi vào lớp 10...) cần phải được thụ lý và những bên liên quan đến vụ việc phải được xử lý nghiêm".

"Giáo viên cần hiểu rõ hướng nghiệp không phải là một công việc đơn giản và chỉ cần làm vào thời điểm cuối lớp 9 khi các em phải chọn lựa con đường học cấp 3 hay học nghề, mà nó phải được tiến hành trong cả quá trình khi học sinh vào trường THCS để học tập.

Tư vấn hướng nghiệp cũng phải tuân theo các nguyên tắc đạo đức cơ bản đó là thiện tâm và không gây hại, công bằng, chính trực và tôn trọng quyền tự quyết của học sinh.

Hướng nghiệp của các giáo viên chỉ là phân tích một cách khách quan từ những bằng chứng thực tế qua quan sát, qua đánh giá kết quả học tập, qua phân tích yêu cầu nghề nghiệp và nhu cầu, xu hướng xã hội cần thiết cho một nghề nghiệp tương lai để các em có thể hiểu mình, hiểu nghề, hiểu các con đường đi tới thành công và tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về kế hoạch, con đường của bản thân mình".

PGS.TS Trần Thành Nam

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem