Vui Tết với phong tục cổ truyền của đồng bào Lô Lô

Hồng Khuyên Thứ sáu, ngày 20/02/2015 08:00 AM (GMT+7)
Trong không khí đầu mùa Xuân, người Lô Lô đã hoàn thành những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị cho năm mới. Không ồn ào, không náo động, phô trương, những phong tục tập quán trong ngày tết của người Lô Lô mộc mạc, đơn sơ nhưng đầy mới lạ, hấp dẫn.
Bình luận 0
Người Lô Lô ở nước ta có số dân khoảng gần năm nghìn người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh vùng núi phía bắc như Cao Bằng, Hà Giang và Lai Châu. Đồng bào Lô Lô quan niệm tổ tiên mình là những người thuộc thế hệ trước kia đã sinh ra ông bà cha mẹ mình. Tổ tiên gần từ 3 đến 5 đời gọi là Dùy Khế, gần với bố mẹ, ông bà, cụ kỵ… Tổ tiên xa là những người thuộc từ đời thứ tư đến thứ sáu trở lên gọi là Pờ Xí. Việc thờ cúng tổ tiên xa Pờ Xí không có hạn định, có khi trong đời chỉ đôi ba lần làm lễ. Gia đình nào cũng lập bàn thờ cúng Dùy Khế tổ tiên gần của nhà mình. Bàn thờ Dùy Khế ở sát vách giao giữa đối diện với cửa chính có bát hương cùng các hình nhân bằng gỗ. Hàng năm người Lô Lô cúng Dùy Khế vào dịp tết Nguyên đán và rằm tháng bảy.
img
Người Lô Lô trong trang phục ngày tết (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Chiều 30 Tết, theo phong tục người Lô Lô sẽ tổ chức các bữa cơm sum họp gia đình. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái. Đàn bà, con gái cúng bằng gà trống.
img
Người Lô Lô ở Hà Giang (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Một phong tục thú vị nữa của người Lô Lô thực hiện trong những thời khắc cuối cùng của năm cũ là niêm phong cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, con dao, cái cày, cái bừa, chuồng trại,... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được nghỉ Tết và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác.

Đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất năm, cả bản đều thức tổ chức nhiều nghi lễ diễn ra trước, trong và sau giao thừa. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường thắp lên những ngọn đuốc đỏ rực. Ngồi trong gian nhà đất ấm áp của người Lô Lô, gian bếp thơm lừng mùi ngô bung, bên chén rượu ngô người người khề khà, chuyện trò rồi cùng nhau đổ ra đường chờ tiếng gà gáy.

Theo phong tục người Lô Lô đón tiếng gà gáy đầu tiên. Không gian thời khắc giao thừa im ắng lạ lùng, bỗng có tiếng gà gáy vang. Giao thừa đến. Nhà nhà nói cười, khua hết các con vật dậy: lợn kêu, ngựa hự, bò rống, chó sủa, mèo kêu, gà toác làm náo động cả bản. Sau đó lễ cúng giao thừa để cầu mong gặp gỡ các vị thần linh, thổ công, tổ tiên và những người đã khuất. Đầu năm mới, người Lô Lô ai cũng vui vẻ tay bắt mặt mừng, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, là luôn mong ai ai sang năm mới cũng phát tài, phát lộc hơn gấp nhiều lần năm cũ. Phong tục ngày Xuân này chính là sợi dây tình cảm thiêng liêng gắn kết khối cộng đồng của các dân tộc Lô Lô anh em.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem