Sau một thời gian dài đi lại bằng tàu vỏ gỗ, năm 2005 để tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân huyện đảo, từ nguồn ngân sách chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đóng mới và đưa vào hoạt động chiếc tàu sắt cao tốc đầu tiên mang tên Lý Sơn. Nhiều năm sau đó tuy hoạt động buôn bán và nhu cầu đi lại giữa Lý Sơn - đất liền phát triển mạnh và nhiều hơn, nhưng số phương tiện tham gia vận chuyển khách và hàng hóa tuyến này tăng thêm chỉ 1 -2 chiếc.
Cho đến tháng 9.2014, khi đảo Lý Sơn được nối mạng lưới điện quốc gia và trở thành đảo du lịch, trước số lượng khách ra đảo tăng lên chóng mặt, các tổ chức và cá nhân của huyện này ồ ạt đóng gần cả chục chiếc tàu cao tốc, gấp 5 lần so với số phương tiện có trước đó, mở đầu cuộc cạnh tranh vận tải khách trên tuyến này.
Cùng với sự tiện nghi, tàu khách siêu tốc có tốc độ nhanh hơn gấp đôi so với tàu cao tốc
Đến đầu năm 2017, khi chiếc tàu khách siêu tốc đầu tiên mang tên Chín Nghĩa 03, do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bến xe Chín Nghĩa làm chủ đầu tư, có thời gian di chuyển bằng 1/2 thời gian so với tàu cao tốc (khoảng 35 phút/chuyến ) được đưa vào hoạt động, cuộc cạnh tranh giữa các chủ tàu cùng tuyến được đẩy lên đỉnh điểm.
Theo đó trong khoảng thời gian 20 tháng, các chủ tàu khách đua nhau đầu tư cả triệu đô đóng tàu siêu tốc. Qua thống kê hiện tổng số tàu siêu tốc đang hoạt động tại tuyến 7 chiếc, tổng lượng khách chở khoảng 1000 người/lượt. Trong đó chiếc lớn nhất chở 280 khách/ lượt, nhỏ nhất 78 khách/ lượt.
Sự ra đời của hàng loạt tàu khách siêu tốc dẫn đến gần như toàn bộ số tàu khách cao tốc mới đi vào hoạt động vài năm, tiền vốn thu hồi mới được 1 phần nhỏ phải neo bờ vì bị khách chê chạy chậm nên không đi. Ông Nguyễn Văn Danh, chủ chiếc tàu cao tốc duy nhất đang hoạt động cầm chừng đượm buồn: "Dù thời gian chạy chậm hơn khoảng 20 phút và giá vé khoảng 100.000 đồng/khách/lượt, thấp hơn từ 40-60.000 đồng/khách lượt so với tàu siêu tốc nhưng rất ít hành khách đi".
Ông N.V.Q, người có số lượng tàu khách nhiều nhất trên tuyến này giải bày: "Trừ 2 chiếc siêu tốc mới đóng đang hoạt động, hiện có 3 chiếc cao tốc, tổng trị giá khoảng 37 tỷ đồng đang phải neo bờ. Trong đó tàu A.V mua và đưa vào hoạt động năm 2008 trên 4 tỷ đồng, sau đó sửa chữa thêm khoảng 5 tỷ đồng; tàu A.V 1 mua năm 2013 trên 7 tỷ đồng và tàu V.A 3 mua năm 2015 trên 21 tỷ đồng". Chung số phận là tàu cao tốc B.Đ được ông N.T.X mua 15 tỷ đồng và đưa vào hoạt động mới 2 năm...
Khi được hỏi "Từ khi mua về và đưa vào hoạt động cho đến lúc bị nằm bờ như hiện nay, tiền vốn thu hồi đã đủ ?", các chủ tàu đều lắc đầu: "Chiếc nhiều nhất thì vài ba tỷ đồng là cùng, còn phần vốn lỗ ít nhất phải 1/2 so với số tiền đã bỏ ra mua".
Cũng theo giải thích của các chủ tàu, đổ tiền đóng siêu tốc (chấp nhận neo bờ tàu cao tốc) là điều bắt buộc nếu muốn tồn tại và tiếp tục tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Lý do thời gian di chuyển của tàu siêu tốc nhanh gấp đôi so với tàu cao tốc, nên được du khách ưu tiên lựa chọn để đi. Vào những dịp lễ, tết lượng khách ra vào đảo vô cùng đông nên lượt quay đầu chở khách của tàu siêu tốc sẽ nhiều hơn.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt về số phận "đống tiền" đang sở hữu bị neo bờ, các chủ tàu cao tốc cho biết: "Dù đã rao bán với giá chỉ bằng 1/5-1/3 so với giá mua từ nhiều tháng nay, nhưng vẫn chưa có ai hỏi". Để giảm thiểu sự hư hỏng và xuống cấp của phương tiện cứ dăm bữa, nữa tháng các chủ tàu lại cho người xuống nổ máy, quét bụi.
Dù không phải là chủ sở hữu nhưng khi chứng kiến cảnh hàng loạt tàu khách cao tốc vẫn còn mới và khá khang trang bị neo bờ hơn nữa năm qua tại cảng An Hải, xã An Hải, huyện Lý Sơn nhiều người không khỏi xót xa, tiếc rẻ đối với số tài sản quá lớn đang trở thành đồ bỏ này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.