Xót xa lăng mộ một vị vua nhà Nguyễn

Chủ nhật, ngày 04/12/2011 06:35 AM (GMT+7)
Đến với Huế, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự hoành tráng của lăng vua Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định…nhưng có một vị vua mà ít ai nhớ tới đó là vua Hiệp Hòa- một trong 13 vị vua triều Nguyễn.
Bình luận 0

Lăng ông giống như mộ của bao nhiêu người dân bình thường khác tọa lạc trên một đỉnh núi ít ai biết tới.

Heo hút lăng một vị vua

Cách TP Huế khoảng 7km về phía tây, chúng tôi đến với khu di tích Chín hầm khi ra thì thấy biển chỉ dẫn tới lăng vua Hiệp Hòa. Tò mò, chúng tôi men theo con đường đất, đá, cỏ mọc um tùm, 15 phút sau tìm thấy lăng vua Hiệp Hòa đã an nghỉ cách đây 128 năm. Lăng giống như bao nhiêu lăng mộ người dân bình thường nằm bên cạnh.

img
Lăng vua Hiệp Hòa nhỏ bé, lẫn vào những ngôi mộ bình dân.

Do thời gian tường gạch đã ngả màu rêu phủ. Lăng chỉ vỏn vẹn chừng 30m2, có một mái che bằng ngói, 2 bậc thang bước lên, ở giữa là tấm bia nhỏ bằng xi măng khắc mấy dòng chữ Quốc ngữ: “Vua Hiệp Hòa tức Nguyễn Phúc Hồng Dật - sinh ngày 24 tháng 9 năm Đinh Mùi (1.11.1847) – Mất ngày 30 tháng 10 năm Qúy Mùi (29.11.1883)”. Mặt sau tấm bia có ghi bốn câu thơ bằng chữ Hán của vua Tự Đức, dịch nghĩa là: “Em ta được mười bốn – Ham học thật ít người – Ngoại trừ Kiến Thụy Công – Nay chỉ còn Văn Lãng”.

Phía sau nhà bia là cổng vào mộ có hai câu thơ viết bằng chữ Hán. Câu bên phải là của vua Hiệp Hòa tự đánh giá về mình: “Qúy dĩ tiên hoàng quý tử tư chất tầm thường thật vạn bất can đương”, dịch nghĩa: “Là con út yêu quý của tiên hoàng có tư chất tầm thường không cam nổi ngai vàng”. Câu bên trái là của Viện Cơ Mật: “Kim nhật tất cầu cầu xã tắc trường quân vô như Văn Lãng Công chi hiền”, dịch nghĩa: “Khen Văn Lãng Công hoàn tất tốt việc cúng tế ở đàn xã tắc”.

Xung quanh lăng cây cỏ mọc um tùm không ai nhổ bỏ nên khuất cả lối đi, và dường như bát hương cũng tàn lạnh từ rất lâu. Không tường chắn bao bọc, che chắn, đơn giản đến mức hoang sơ, chẳng ai nghĩ đó là lăng của một vị vua.

Nguồn gốc cơ sự

Theo sử cũ, vua Hiệp Hòa tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị, sinh ngày 1.11.1847. Năm Tự Đức thứ 31 tức năm Kỉ Mão (1879), Hồng Dật được tấn phong Lãng Quốc Công. Tháng 6.1883 sau khi Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cùng chân tay phế xong vua Dục Đức, được ý chỉ của Từ Dụ Hoàng Thái hậu, triều đình cử một phái đoàn ra Kim Long rước Lãng Quốc Công vào Đại Nội để chuẩn bị làm lễ đăng quang.

Hồng Dật khóc mà rằng: “Tôi là con út của tiên đế, tư chất tầm thường, không dám nhận ngôi vua”. Phái đoàn vừa năn nỉ vừa dùng vũ lực mới đưa được Hồng Dật vào Cấm Thành. Hai hôm sau ông trở thành vua Hiệp Hòa!

Sau đó Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thâu tóm mọi quyền hành. “Vua Hiệp Hòa thấy ông Tường và ông Thuyết có lập trường chính trị trái ngược mình, liền viết một bức thư giao cho Hồng Sâm, vừa là Bí thư vừa là anh em thúc bá của mình, mang qua tòa Khâm để nhờ tay Pháp hạ hai quan phụ chính trên, việc lén lút này bị bại lộ, ông Tường bắt được lá thư nằm trong chiếc hộp sơn, có đóng dấu của nhà vua” (trích sách “kể chuyện vua quan nhà Nguyễn” của Phạm Khắc Hòe”).

Hai quyền thần trên cho mời các đại thần đến, kể tội vua Hiệp Hòa và ép các đại thần kí vào sớ đòi phế truất Hiệp Hòa, sau đó vào cung Diên Thọ xin ý chỉ của Hoàng Thái Hậu, đồng thời cho 50 lính vào cung điện Càn Thành bắt Hiệp Hòa phải tự xử mình theo “Tam ban triều điển” dành cho các đế vương phạm tội tử hình, vua đành chọn chén thuốc độc, hoàng thân Hồng Sâm cũng bị xử chém chết vì tội đồng lõa với vua Hiệp Hòa để bán nước.

Đó là ngày 30 tháng 10 năm Qúy Mùi tức 29 tháng 11 năm 1883. Hiệp Hòa làm vua được 4 tháng, chết lúc 36 tuổi, giao cho Phủ Tôn nhân chôn cất theo nghi thức Quốc Công. Vì là phế đế nên vua Hiệp Hòa không được thờ trong Thế Miếu.

Theo Công an Đà Nẵng

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem