Xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, ép dân cầm cố đất

Tân Tiến – Trần Đáng (thực hiện) Thứ năm, ngày 28/05/2015 07:08 AM (GMT+7)
"Các ngành chức năng sẽ điều tra xử lý, khởi tố những đối tượng cho vay nặng lãi, lừa đảo, ép buộc đồng bào phải bán điều non, cầm cố, bán quyền sử dụng đất sản xuất, đất ở".
Bình luận 0

Về tình trạng một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố, sang nhượng đất trái phép... trao đổi với NTNN, ông Mali Phước – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đánh giá: Đây là một vấn đề xã hội nổi cộm của tỉnh kéo dài thời gian qua và hiện diễn biến còn khá phức tạp, nhất là ở các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Lộc Ninh... Số hộ cầm cố, thế chấp đất ở, đất sản xuất vẫn còn nhiều, phần lớn là người S’Tiêng, M’Nông, Khmer... Phần lớn số đất cầm cố là đất lâm nghiệp chưa có giấy CNQSDĐ.

img
Ông Mali Phước  – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng một bộ phận đồng bào phải bán điều non, vay lãi suất cao dẫn đến phải cầm cố, sang nhượng đất?

- Một phần cũng là do một bộ phận người dân chưa biết tính toán làm ăn và vẫn còn thói quen sản xuất lạc hậu. Một số hộ chạy theo lối sống thực dụng gây tốn kém, lãng phí tiền bạc. Thực tế, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ nhiều chính sách khuyến nông, vốn, kỹ thuật… cho bà con nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cũng cần phải nói rằng, nhiều hộ không có điều kiện tiếp cận vốn vay của ngân hàng (đất lâm nghiệp nên chưa được cấp giấy CNQSDĐ).

Năm 2010, tỉnh Bình Phước đã ban hành Chỉ thị 14 để chấn chỉnh thực trạng này. Tuy nhiên, hiện tình hình lại phức tạp trở lại, nguyên nhân do đâu?

- Theo tôi, nguyên nhân do các ngành, các cấp chưa kiên quyết triển khai thực hiện Chỉ thị 14. Ví như, nhiều cơ quan chức năng thiếu sâu sát, quan tâm; chưa có biện pháp tích cực rà soát, xử lý dứt điểm các đối tượng lợi dụng lừa đảo, các trường hợp cầm cố, sang nhượng đất từ các chính sách hỗ trợ... Việc quản lý đất ở địa phương cũng chưa chặt chẽ.

Thời gian tới tỉnh Bình Phước sẽ có giải pháp gì để chấm dứt được tình trạng nhức nhối này?

- Thời gian tới cần phải xử lý mạnh tay với các trường hợp mua bán, cầm cố, siết nợ để lấy đất, vườn của người dân. Những hộ nào sang nhượng đất chính sách hỗ trợ thì khi bị phát hiện sẽ bị thu hồi đất và những ai mua đất này sẽ không được trả lại tiền. Các ngành chức năng sẽ điều tra xử lý, khởi tố những đối tượng cho vay nặng lãi, lừa đảo, ép buộc đồng bào phải bán điều non, cầm cố, bán quyền sử dụng đất sản xuất, đất ở. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cấp giấy CNQSDĐ, đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội, tăng cường quản lý đất đai... đối với đồng bào DTTS.

Thời gian qua có trường hợp sang nhượng đất nào bị truy tố pháp luật chưa, thưa ông?

- Chưa, bởi cơ quan chức năng không tìm được chứng cứ. Họ giao dịch mua bán chỉ qua giấy tay hoặc nói miệng.

Được biết, tỉnh Bình Phước đang có kế hoạch cấp đất cho đồng bào DTTS để có đất sản xuất, vậy những hộ đã sang nhượng, cầm cố đất thì có được cấp lại không?

- Quan điểm của tỉnh vì là lần đầu nên sẽ “xí xóa” cho những hộ đồng bào lỡ sang nhượng đất, hiện giờ không còn tư liệu sản xuất, tức là chúng tôi sẽ cấp lại đất cho những hộ này. Cũng cần phải nói rằng, quỹ đất của tỉnh giờ còn khá ít, đây là cố gắng lớn của tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem