Vì sao Ukraine thành công dùng vũ khí lỗi thời của Liên Xô bắn hạ máy bay chiến lược Nga?

Phương Đăng (theo Kyiv Post) Thứ ba, ngày 30/04/2024 19:17 PM (GMT+7)
Ukraine tuyên bố đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-200 từ thời Liên Xô những năm 1960 vốn đã lỗi thời để bắn hạ thành công máy bay chiến lược của Không quân Nga ngay trên không trung.
Bình luận 0
Vì sao Ukraine thành công dùng vũ khí lỗi thời của Liên Xô bắn hạ máy bay chiến lược Nga?- Ảnh 1.

Ukraine tuyên bố đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-200 từ thời Liên Xô để bắn hạ thành công máy bay chiến lược của Không quân Nga ngay trên không trung. Ảnh Kyivpost

Theo Kyiv Post, Ukraine rõ ràng đã nâng cấp, áp dụng chiến thuật mới hoặc cả hai cách trên để thành công sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-200 bắn hạ máy bay chiến lược của Không quân Nga.

Theo đó, 4 tháng qua, Ukraine đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chống lại lực lượng hàng không chiến lược Nga. Khác với những vụ tấn công trước đây, trong đó máy bay ném bom Nga chỉ bị hư hại hoặc bị phá hủy khi đang đỗ tại sân bay trong căn cứ không quân, lực lượng phòng không Ukraine mới đây đã thể hiện kỹ năng điêu luyện mới khi bắn hạ thành công máy bay chiến lược của đối phương ngay trên không trung.

Trong một vụ việc mới nhất, sáng ngày 19/4/2024, máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-22M3 của Nga mang tên lửa Kh-22 và Kh-32 đã bị Không quân Ukraine kết hợp với lực lượng tình báo quân sự (HUR) bắn hạ. Ukraine tuyên bố rằng, họ đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-200 thời Liên Xô để bắn hạ Tu-22M3 khi chiếc máy bay này đang bay trên không.

Theo Kyiv Post, trước đó, Ukraine cũng có thể đã sử dụng S-200 để phá hủy một máy bay radar tầm xa A-50U của Nga và làm hư hỏng nặng một chiếc Il-22M vào tháng 1/2024. Tối 23/2, một máy bay A-50 khác của Nga cũng bị bắn rơi khi đang làm nhiệm vụ tác chiến trên biển Azov. S-200 cũng có thể đã được sử dụng trong trường hợp này.

S-200 là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa được Liên Xô phát triển vào những năm 1960, có thể bắn trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách 160km ở các phiên bản đầu tiên. Hệ thống S-200 được tạo ra để chống lại máy bay ném bom chiến lược và máy bay trinh sát của đối phương, chủ yếu vào thời điểm đó là máy bay B-52, U-2 và SR-71 của Mỹ.

Hệ thống S-200 đã trải qua 4 lần hiện đại hóa, trong đó phiên bản nổi tiếng nhất là S-200V Vega, S-200M Vega-M. Với mỗi lần sửa đổi, tên lửa và hệ thống dẫn đường của S-200 đều được cải tiến, tăng độ chính xác của hệ thống này. Ở S-200V Vega, tầm bắn cũng được tăng từ 160 lên 180 km. Phiên bản tiếp theo là S-200M Vega-M có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 240-255 km.

Tuy nhiên, người đứng đầu Tổng cục Tình báo chính Ukraine (HUR) Kyrylo Budanov từng tiết lộ, máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga bị bắn hạ từ khoảng cách 308 km.

Trong khi cả hai chiếc A-50 đều bị bắn rơi từ một khoảng cách đáng kể (chiếc A-50 đầu tiên bị phá hủy ở khoảng cách 170km, chiếc thứ hai ở khoảng cách xa hơn 200km) thì người đứng đầu Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine (HUR) Kyrylo Budanov tiết lộ, máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga bị bắn hạ ở khoảng cách 308 km.

Điều quan trọng cần lưu ý là không có biến thể S-200 nào được Liên Xô phát triển có thể có tầm bắn 308km. Do đó, theo Kyiv Post, với các hệ thống S-200 Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô nhưng đã ngừng hoạt động từ năm 2013 do lỗi thời và chi phí bảo trì cao, nhiều khả năng Ukraine đã nâng cấp chúng để bắn hạ máy bay chiến lược của Nga.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem