Thiếu ăn và mất chất dinh dưỡng
Cậu bé Lò Văn Thuấn (người dân tộc Thái, học sinh lớp 7 Trường THCS Mường Lạn (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) đã 14 tuổi nhưng dáng người gày gò, thấp bé không bằng trẻ 9-10 tuổi dưới xuôi. Do nhà xa nên em học nội trú tại trường, 1-2 tuần mới về nhà một lần. Em cho biết, mỗi tháng, gia đình chỉ cho 20kg gạo và 30.000 đồng. Số tiền chỉ đủ mua muối và chút rau ăn.
Em và 11 bạn cùng phòng đã cùng góp tiền, gạo để thổi cơm chung. Bữa cơm của các em thường chỉ có cơm trắng và một nồi canh rau có 1-2 gói mì tôm thả vào cho “có mùi”. Đang tuổi ăn, tuổi lớn nên số thực phẩm đó chỉ đủ “tráng ruột”, các em lúc nào cũng đói ăn. “Em chỉ mong có đủ cơm để ấm bụng chứ chẳng mơ đến cơm có thịt” - Thuấn cho biết. Thi thoảng các em xuống suối đánh được chút cá và vài con ếch, con nhái thì bữa ăn mới có “vị thịt”.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2013/images/2013-03-04/1434766242-54_4_bua-an.jpg) |
Bữa ăn đạm bạc của một gia đình tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai. |
Cô giáo Lò Thị Tiết cho biết, hầu như bữa ăn của các em tại trường chỉ có gạo trắng và muối. Những em học sinh nội trú tự cải thiện bằng cách trồng thêm rau. Còn các em học sinh cấp 1, bán trú nửa ngày thường xách cơm từ nhà đi. Cặp lồng cơm của các em cũng chỉ có muối, hoặc trộn lõng bõng ít canh bí, canh rau. Em nào “sang” thì có thêm vài con nhái luộc. “Cứ đến bữa ăn, nhìn cặp lồng cơm của các em mà rớt nước mắt” - cô Tiết cho biết. Có lẽ vì thế mà học sinh trong trường hầu hết đều còi cọc.
Trường hợp của Lò Văn Thuấn và nhiều học sinh ở Trường THCS Mường Lạn là điển hình cho tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng ở nước ta hiện nay. Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố ngày 2.3, trẻ em bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở vùng nông thôn là 20,8%, cao gấp đôi so với trẻ em ở thành phố (10,8%). Ngược lại, trẻ béo phì ở thành phố lại cao gấp 5 lần ở nông thôn (29% và 5,5%).
Đồng thời, tình trạng thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam cũng rất cao. Cụ thể, trẻ em thành thị có 50% bé trai và 58% bé gái bị thiếu vitamin D. Thậm chí ở nông thôn cũng có 47% trẻ em bị thiếu vitamin D. Còn tỷ lệ thiếu máu ở trẻ (5 tháng đến 6 tuổi) ở nông thôn là 25% và thành thị là 20%... Đây là kết quả khảo sát từ năm 2010-2012 trên gần 2.900 trẻ em trong độ tuổi tiểu học tại Việt Nam. Ngoài ra, nghiên cứu còn so sánh tình hình dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam và trẻ em 3 nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ em Việt Nam thiếu vi chất cao hơn 3 nước kia.
Cha mẹ thiếu kiến thức
Theo bà Nguyễn Thị Lâm - Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em ở nông thôn chịu nhiều thiệt thòi hơn thành phố rất nhiều. Không chỉ thiếu thức ăn, thiếu thịt, cá, trứng trong bữa ăn mà ngay cả những đứa trẻ gia đình khá giả hơn, nhiều cha mẹ cũng không biết cách để chăm nuôi con cho đúng.
Quan trọng là cách ăn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khuyến cáo: “Đối với những gia đình nghèo, có con bị suy dinh dưỡng, thấp còi, không chỉ mang thịt, cá, thức ăn đến cho họ là đủ. Các cán bộ ngành y tế cần cung cấp kiến thức để các ông bố, bà mẹ biết thế nào là bữa ăn có đủ dinh dưỡng hợp lý, cần bao nhiêu gạo, cần bao nhiều rau, bao nhiêu con cua, con cá là đủ một bữa ăn cho trẻ. Đồng thời cần hướng dẫn cho họ những thực phẩm nhiều vi chất như các loại đỗ, lạc, rau củ mà họ có thể trồng được, kiếm được. Quan trọng nhất không phải mang thức ăn tới, mà là chỉ cho người dân cách ăn”.
Chị Trần Thị Bích (huyện Bình Lục, Hà Nam) cho biết, con gái chị đã 20 tháng nhưng chỉ nặng có 8kg. Cháu luôn quấy khóc, tóc lơ thơ và hay ốm quặt quẹo. Chị cho biết, từ lúc sinh ra cháu chỉ nặng 2,5kg, cháu bú sữa mẹ đầy đủ. Khi cháu bắt đầu ăn dặm, dù gia đình không khá giả nhưng chị vẫn thường xuyên mua thịt cá về chế biến bột cho con. Nhưng cháu tăng cân rất chậm. Khi đưa cháu đi khám, các bác sĩ cho biết, chị đã không biết cách cho con ăn.
“Khi các bác sĩ phân tích kỹ, tôi mới biết được ngay từ khi có bầu, sau khi sinh và cả lúc chế biến đồ ăn cho con, tôi đã mắc một loạt các sai lầm” - chị Bích cho biết. Khi có thai, chị Bích vẫn lao động nặng, ít nghỉ ngơi, bữa ăn cũng chỉ tăng cơm mà ít có thêm chất dinh dưỡng. Còn khi chị sinh, nghe theo lời mẹ chồng và nhiều “chuyên gia” đi trước, chị Bích chỉ ăn cơm trắng với trứng luộc, kiêng mỡ, kiêng ăn cá và tất cả các chất tanh khác suốt nửa năm trời để tránh “hậu sản”.
Khi cho con ăn giặm, chị Bích cũng sợ con bị hóc nên chỉ ninh xương, ninh thịt và cá, rau củ, lấy nước để chế biến bột cho con.
“Việc các bà mẹ kiêng cữ không dám ăn nhiều chất đạm khi sinh khiến cho các chất đạm, vitamin trong sữa không đủ, đứa trẻ bú sữa cũng sẽ không được hưởng đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, thói quen cho con ăn nước xương, nước thịt và cho rằng “các chất bổ đã tan trong nước” là một sai lầm vì hầu hết chất dinh dưỡng nằm trong bã thực vật và động vật” - bà Lâm cho biết.
Ngoài ra, các thói quen tích trữ thực phẩm lâu ngày, khiến cho thực phẩm bị nấm mốc, ôi thiu, đun nấu quá kỹ của người dân khiến cho vi chất dinh dưỡng “bay” hết, trẻ có ăn nhiều cũng vẫn thiếu chất. Nhiều bà mẹ cũng kiêng cữ “giam” con trong phòng thiếu ánh sáng dẫn đến việc thiếu vitamin D nghiêm trọng... Theo bà Lâm, việc suy dinh dưỡng sẽ khiến thể lực và trí tuệ của trẻ kém phát triển, do sức đề kháng kém nên trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật. Nếu trẻ không tăng cân, biếng ăn, quấy khóc, da xanh, tóc rụng, quấy khóc thường xuyên, hay giật mình... thì cha mẹ cần xem xét lại chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.