4 người chết, 10 người mất tích

Thứ tư, ngày 25/08/2010 06:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 24-8, tại các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế đã có hàng chục nghìn người dân phải sơ tán để tránh bão.
Bình luận 0

Mưa rất to khiến mực nước các sông lên nhanh, gây ngập lụt nhiều diện tích hoa màu. Gió bão và lốc xoáy đã làm hàng trăm nhà cửa hư hỏng, đổ sụp, nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

img
Tại Quảng Bình đã có hai người bị thiệt mạng do bão số 3.

Hà Tĩnh: Chiều 24-8, ông Bùi Lê Bắc- Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh cho biết: tại Hà Tĩnh đã xuất hiện mưa to kèm theo gió mạnh cấp 6, cấp 7 đặc biệt tại các vùng ven biển gió giật cấp 9 cấp 10.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 11 đoàn đến 12 huyện thị trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ. Tỉnh đã yêu cầu dân cư của 26 xã vùng ven biển, cửa sông phải sơ tán dân. Đến 16 giờ ngày 24-8 đã có gần 15.000 người dân của 4 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà và Nghi Xuân đi sơ tán.

Theo thống kê mới nhất đến 21 giờ tối qua, tại Hà Tĩnh đã có 1 người chết (ở huyện Thạch Hà), 5 người bị thương; 182 ngôi nhà bị tốc mái. Diện tích lúa hè thu, sắn, rau màu bị đổ và ngập 11.000ha.

Riêng tại huyện Kỳ Anh lượng mưa đo được từ 200ml -300ml, gió giật cấp 7, cấp 8. Ban chỉ huy PCLB huyện phối hợp với Bộ đội Biên phòng đã di dời 2.500 hộ dân vùng ven biển cửa lạch đến vùng an toàn.

Tại các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang đã bắt đầu xuất hiện lũ quét. Rất may lực lượng chức năng đã di dời trên 2.000 dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Thông tin ban đầu có 1 người chết, 5 người bị thương.

Quảng Bình: Do ảnh hưởng bão số 3, trong suốt đêm 23 và ngày 24 -8, địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to trên diện rộng. Đặc biệt tại huyện Minh Hóa, lượng mưa đo được là 379mm.

Đến 15 giờ ngày 24 -8 mực nước trên sông Gianh đã trên mức báo động 1 và có khả năng tiếp tục dâng cao do trời tiếp tục mưa to. 2.400 ha lúa hè thu đang chuẩn bị thu hoạch ở các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá và Quảng Ninh ngập sâu từ 0,5 - 1m.

Tại huyện miền núi Minh Hoá, xã vùng trũng Tân Hoá bị cô lập hoàn toàn; các bản Ón, Mò o Ồ ồ, Yên Hợp của đồng bào Rục và Đồn biên phòng 585 bị chia cắt do tuyến đường độc đạo đã bị ngập sâu trên 2m. Đã có hai người bị thiệt mạng do bão số 3.

Trên đường đi rừng về, anh Cao Văn Hoàng (SN 1979) và anh Cao Văn Thiu (SN 1991, đều trú ở thôn Kim Ninh, xã Kim Hoá) khi cố vượt qua suối Khe Nét đã bị nước lũ cuốn trôi. Đến 17 giờ chiều ngày 24 -8, thi thể 2 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

Quảng Trị: Lúc 12 giờ ngày 23-8, một cơn lốc xoáy dữ dội đã quét qua xã Hải Khê, huyện Hải Lăng làm 9 chiếc thuyền đánh cá của ngư dân hư hỏng nặng, 6 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn.

Trên địa bàn huyện Hải Lăng, nước lên nhanh và đã tràn qua hệ thống đê bao vùng trũng trên địa bàn, trong đó xã Hải Thành tràn 5.000m, Hải Hoà 2.000m, Hải Trường gần 1.000m; phần lớn diện tích lúa hè thu sắp cho thu hoạch và khoảng 1.700ha lúa đã bị ngập lụt sâu từ 1-2m.

img
Nhà của người dân Quảng Trị bị lốc xoáy làm tốc mái.

Thừa Thiên - Huế: Đến cuối giờ chiều ngày 24-8, mưa lũ đã khiến 3.540 ha lúa hè thu trong thời kỳ thu hoạch của người dân bị ngập, trong đó, 2.507 ha bị ngập rất nặng.

Ngoài lúa, mưa lũ cũng khiến gần 300 ha sắn, 390 ha rau màu và gần 100 ha lạc của người dân bị nhấn chìm. 34 tấn thủy sản của người dân các huyện khác bị cuốn trôi. Đặc biệt, mưa lớn kèm theo lốc xoáy lúc 13 giờ ngày 23-8 đã khiến 312 nhà dân trên địa bàn tỉnh bị tốc mái.

Trong đó riêng các xã Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng Vinh, thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền có gần 100 nhà bị tốc mái, 7 chiếc đò bị chìm; các xã Phú Hải, Phú Đa, Phú Diên huyện Phú Vang có hơn 100 nhà dân và trường học bị tốc mái nặng… Tại xã Phú Hải, lốc xoáy còn làm 11 người dân bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng.

Đà Nẵng: Đến chiều 24-8, tàu cá ĐNa 61406TS cùng 10 ngư dân bị mất liên lạc từ 21 giờ đêm 23-8 vẫn chưa được tìm thấy dù Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia nhờ đến máy bay trực thăng Mi 17-411 của Đoàn B72 tham gia tìm kiếm.

Trong ngày hôm qua, cơ quan chức năng đã liên tục điều động các phương tiện cứu hộ chuyên nghiệp để tìm kiếm tàu cá này nhưng vô hiệu.

Được biết, vào chiều 23-8, tàu cứu nạn Sar 412 đã tìm thấy chiếc tàu cá bị nạn cách bờ biển Đà Nẵng chừng 32 hải lý. Tuy nhiên, do sóng to gió lớn, tàu Sar 412 không thể cập mạn, nên lực lượng cứu hộ đã dùng dây quăng sang tàu cá để kéo.

Đến khoảng 21 giờ ngày 23-8, trong quá trình kéo tàu cá cùng 10 ngư dân về đất liền, cách biển Đà Nẵng khoảng gần 8 hải lý thì phát hiện dây kéo tàu đã bị đứt, tàu cá ĐNa 61406TS cùng 10 ngư dân mất tích luôn từ đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem