Quản lý thị trường khẳng định đã lấy mẫu
Như Dân Việt đã thông tin, ông Hoàng Văn Hợp và Cấn Xuân Tình (xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) phản ánh bị chết tổng gần 600 con vịt nghi ăn phải ngô độc, số ngô làm thức ăn cho vịt, ông Hợp và ông Tình mua chung của một cửa hàng ở thị trấn Phúc Thọ (có hóa đơn).
Hình ảnh vịt chết của gia đình ông Hợp được nhân chứng lưu giữ. Hiện số vịt này đã được tiêu hủy theo quy định. Ảnh: Tư liệu Phú Lãm
Cơ quan liên ngành huyện Phúc Thọ xác định nhà ông Hợp có gần 170 con vịt chết. Kết quả kiểm nghiệm mẫu vịt chết của nhà ông Hợp không có bệnh dịch. Đồng nghĩa, vịt chết do ngộ độc. Tuy nhiên, việc giám định thức ăn có độc tố hay không thuộc trách nhiệm cơ quan công an, nếu thấy cần thiết phải thực hiện.
Đồng thời, cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ gia đình ông Tình có thật sự chết vịt hay không? Bởi ông Tình khai gần 400 con vịt chết đã vứt ra bãi rác Tây Ninh của xã.
Ngoài ra, ngày 1.2.2017, gia đình ông Lê Văn Cúc (xã Ngọc Tảo, cạnh xã Phụng Thượng) xảy ra vụ chết vịt hàng loạt, thiệt hại 900 con vịt. Nguyên nhân kết luận do vịt ngộ độc thức ăn. Số thóc cho vịt ăn, ông Cúc mua của đại lý ở xã Phụng Thượng.
Ông Hoàng Văn Hợp bên số ngô nghi có độc. Ảnh: Tư liệu Phú Lãm
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Phúc – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 20 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết: “Tại thời điểm kiểm tra, ngô mà sản phẩm nhập ngô của ngày 17 bán cho hai hộ kia là không còn, không có. Nhập tiếp lô khác về ngày hôm mùng 8. Để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ, chúng tôi vẫn quyết định lấy mẫu và để đang đi gửi mẫu để trưng cầu giám định”.
Về sự việc vịt chết ở xã Ngọc Tảo, ông Phúc khẳng định, do cơ sở kinh doanh không còn thóc trong kho, nên không lấy mẫu kiểm tra, giám định được.
Hơn chục ngày chưa giám định vì “vướng”?
Ngày 23.2, trao đổi với phóng viên, ông Phùng Anh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ thông tin, việc giám định ngô chưa được tiến hành. “Hiện nay, chủ cửa hàng đó phủ nhận, không cung cấp bằng chứng. Hóa đơn kia họ bảo không biết. Hóa đơn không có chữ ký gì cả, chỉ có hóa đơn không. Vướng là vướng chưa xác định được sản phẩm đấy lấy ở đâu. Quản lý thị trường phải kết luận mẫu ngô đấy có phải lấy của cửa hàng không? Nếu cần thiết phải đề xuất với công an giám định chữ ký”, ông Tuấn nói.
Theo ông Hợp, để tiện việc nhận hàng, ông yêu cầu chủ cửa hàng cho chở ngô đến hàng xóm nhà ông là Nhung Mọc, vì vậy tên khách hàng trong hóa đơn ghi là Nhung Mọc. Tuy nhiên, số điện thoại trong hóa đơn mua ngô (phía dưới) chính là số của ông Hợp. Ảnh: Phú Lãm
Theo ông Tuấn, việc giám định liên quan đến Trạm Chăn nuôi và Thú y của huyện, Phòng Kinh tế cũng đang đề nghị đơn vị này có ý kiến về sự việc. “Chỗ ngô đấy lấy ở đâu, phải làm rõ ra. Dứt khoát quản lý thị trường phải làm. Cần thiết phải đề nghị công an làm. Phải làm đến tận cùng tất cả mọi thứ”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ nhấn mạnh.
Cùng diễn biến, ông Phùng Anh Tuấn cho biết, quá trình kiểm tra đại lý bán thóc không có giấy phép kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Còn cửa hàng (ở thị trấn Phúc Thọ) mua ngô không có đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các vi phạm này sẽ bị xử phạt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.