An toàn thực phẩm Mỹ như bức tường bê tông và chuẩn cho hàng Việt

Vũ Thế Thành Thứ sáu, ngày 14/04/2017 13:57 PM (GMT+7)
Làm nghề quản lý chất lượng, tôi khá thú vị khi tiếp cận luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm FSMA (Food Safety Modernization Act) của Hoa Kỳ. Lại cũng là người được tham gia xây dựng bộ tiêu chí (BTC) –“Hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập” mà hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC) chủ trương, tôi nhận ra có những điểm tương đồng giữa hai hệ thống này trong tác động với DN.
Bình luận 0

Những thay đổi của FSMA

Hiện nay, theo luật FSMA mới ban hành, FDA sẽ chuyển sang giám sát các biện pháp phòng ngừa rủi ro mà DN (buộc) phải tự thiết lập. Đây là một hình thức quản lý theo cả chuỗi hoạt động, theo (từng) quá trình, từ đầu vào (input) đến đầu ra (output), và rộng hơn, là đi vào chuỗi cung ứng.

Trước đây, hội DN HVNCLC với cuộc điều tra bình chọn hàng năm, chỉ thực hiện việc thống kê đánh giá sản phẩm cuối cùng (sản phẩm đến tay người tiêu dùng – NTD, do NTD mua). Với chương trình thứ hai, hội xây dựng BTC để đánh giá “HVNCLC – chuẩn hội nhập” là đã áp dụng hình thức mới, xây dựng BTC và mời chuyên gia, các cơ quan kiểm định (bên thứ ba) đánh giá về việc tuân thủ quy định chất lượng và thực hành các hệ thống quản lý chất lượng. Đây cũng là hình thức quản lý theo quá trình.

img

Bộ tiêu chí của HVNCLC - chuẩn hội nhập đang được xây dựng có nhiều điểm tương đồng với luật Hiện đại hóa với luật an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ. Ảnh: TL

Việc giám sát theo quy định trước đây của FDA không làm giảm số ca ngộ độc thực phẩm hàng năm (chưa kể độc mãn tính), vì chỉ xem xét sản phẩm đến cảng, chuẩn bị nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Nay với FSMA, Hoa Kỳ chuyển sang giám sát phòng ngừa rủi ro, nghĩa là DN phải tự nhận diện những mối nguy (có thể gây mất an toàn) trong quá trình sản xuất của mình. Làm thế nào kiểm soát (phòng ngừa, ngăn chặn) mối nguy đó, và nếu không kiểm soát được, phải có giải pháp nào.

Việc chuyển sang biện pháp phòng ngừa của FSMA không phải là điều mới mẻ. Đó chỉ là một phần của chương trình Phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát tới hạn của HACCP (HACCP – Hazard Analysis and Critical Control Points), một hệ thống nhằm ngăn ngừa các rủi ro an toàn được đánh giá cao trong lĩnh vực thực phẩm. Việc áp dụng HACCP có tính hệ thống hơn và được hỗ trợ bởi hai chương trình phụ: Thực hành sản xuất tốt (GMP – Good Manufacture Practice) và Thủ tục vận hành tiêu chuẩn vệ sinh (SSOP – Sanitation Standard Operating Procedure).

Hiện nay tại Hoa Kỳ, chỉ có ngành chế biến thuỷ sản đông lạnh và nước trái cây (juice) là buộc phải áp dụng HACCP, còn các ngành thực phẩm khác chỉ khuyến khích.

Rất khó bắt buộc (về pháp lý) tất cả các cơ sở chế biến thực phẩm phải áp dụng HACCP, vì sẽ gây ra nhiều tốn kém và bất ổn trong sản xuất, ở châu Âu hay ở Hoa Kỳ cũng thế.

Luật FSMA đã giản lược chương trình HACCP, nhắm vào việc ngăn ngừa các rủi ro trong an toàn thực phẩm, và giao cho FDA triển khai việc áp dụng đến các DN liên quan. Luật còn chỉ rõ phải bảo vệ công nhân viên không bị trù dập do tố cáo DN nơi họ làm việc vi phạm an toàn thực phẩm. Khoản này giao cho bộ Lao động thực hiện.

Còn với BTC chuẩn hội nhập do hội DN HVNCLC biên soạn cho ngành thực phẩm, thực ra cũng đã giản lược chương trình HACCP, nghĩa là nhắm đến việc ngăn ngừa rủi ro. Việc xây dựng và áp dụng BTC này không phải là làm thay cơ quan chức năng, mà nó thực sự khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ DN tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, và đi xa hơn là tiếp cận với chuẩn mực của thế giới về an toàn.

Hoa Kỳ với nhân lực và tài lực dồi dào như thế, nhưng việc triển khai áp dụng FSMA tại Hoa Kỳ cũng mất 5 – 6 năm để sơ bộ hoàn thành những hướng dẫn, với sự tham gia của nhiều tổ chức nhằm huấn luyện, giúp đỡ DN đáp ứng những đòi hỏi của FSMA, và sau đó là nhờ bên thứ 3 đánh giá các bước tuân thủ. Tất cả đều do các tổ chức dân sự thực hiện. FDA chỉ quản lý chung.

Điều khó khăn là liệu quy định của các nước sở tại (xuất khẩu hàng vào Hoa Kỳ) có đáp ứng được các yêu cầu phòng ngừa rủi ro theo FSMA không. Thế là FDA dự trù những chương trình hỗ trợ, thống nhất phương pháp kiểm nghiệm, kể cả hướng dẫn việc đánh giá (audit) của bên thứ ba nhằm tạo thuận lợi cho nhà nhập khẩu, tránh tổn thất do hàng đến cảng lại bị trả về.

Dù có những tương đồng nhưng…

Luật FSMA và BTC “HVNCLC – chuẩn hội nhập” đều là giản lược của HACCP, và đều có chung mục đích, đó là nhắm đến ngăn ngừa rủi ro trong an toàn thực phẩm, nhưng việc thực hiện có khoảng cách rất xa.

Một bên là pháp lý, một bên là tự nguyện. Một bên là tiềm lực hàng đầu thế giới, một bên là nỗ lực của một tổ chức dân sự (hội DN.HVNCLC) của một nước đang phát triển. Một bên là xứ sở của thực thi pháp luật không khoan nhượng, một bên là động viên, khuyến khích sự tự nguyện của DN. Điều đáng nói là có một số tổ chức của Hoa Kỳ đã có so sánh và kèm theo sự bất ngờ, rằng hệ thống an toàn thực phẩm của Việt Nam như vậy là khá hoàn chỉnh (có sự tham gia của tổ chức dân sự bên cạnh Nhà nước).

Vấn đề đặt ra ở đây là, BTC sẽ hỗ trợ DN hiệu quả về ngăn ngừa rủi ro? Có giúp đào tạo DN hiểu rõ thao tác thực hiện an toàn, ghi chép hồ sơ, tổ chức hành động khắc phục, thủ tục thu hồi sản phẩm?

Chuyến đi của đoàn nghiên cứu do hội DN.HVNCLC tổ chức sang Hoa Kỳ trong tháng 3 vừa qua, đã gặp gỡ và trao đổi với FDA, bộ Nông nghiệp (USDA), trung tâm An toàn thực phẩm và dinh dưỡng ứng dụng (CFSAN), hiệp hội Người tiêu dùng (CFA), để tìm hiểu về FSMA, giới thiệu về BTC mới của HVNCLC, và tạo ra được mối quan hệ, mà qua đó, sự hợp tác được hình thành khá rõ như các chương trình huấn luyện, đánh giá (audit), trao đổi thông tin để hiểu hơn về những khó khăn của nhau. Sự hợp tác này chính là cầu nối để BTC mới của hội có thể tiến gần đến FSMA hiện thực hơn. Có thể tin rằng, BTC mỗi năm sẽ nâng cấp DN để tiến gần đến luật chơi chung của thế giới qua những hợp tác nêu trên và qua đó, DN cải thiện việc kiểm soát phòng ngừa rủi ro, và tình trạng chung về an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng được cải thiện.  

Khai mạc hội chợ và triển lãm về nông dân – nông nghiệp

Hội chợ và triển lãm “Thành tích nông dân xuất sắc thời hội nhập – Nông nghiệp đô thị và giao thương kinh tế vùng Đông Nam bộ 2017” vừa được khai mạc tại công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP.HCM, với quy mô 300 gian hàng, trong đó có khoảng 150 gian hàng ngành nông nghiệp, nông dân xuất sắc, hội nông dân các tỉnh, các làng nghề truyền thống…

Diễn ra từ ngày 10 – 16.4, đây là chuỗi sự kiện tiếp nối cho bốn năm thành công của chương trình Tự hào nông dân Việt Nam diễn ra liên tục từ năm 2013 đến nay, và lần đầu tiên, một hội chợ triển lãm những thành quả, cống hiến của nông dân Việt Nam xuất sắc được tổ chức.

Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó chủ tịch Trung ương hội Nông dân Việt Nam, cho biết: hội chợ triển lãm “Thành tích nông dân xuất sắc thời hội nhập – Nông nghiệp đô thị và giao thương kinh tế vùng Đông Nam bộ 2017” là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp các địa phương, tạo cơ hội hợp tác đầu tư, liên kết phát triển kinh tế Đông Nam bộ với các vùng miền trong cả nước và hợp tác quốc tế.

         P.V

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem