Bé 9 tuổi suýt mất nhiều răng vì nang xương hàm lớn

Diệu Linh Thứ năm, ngày 13/06/2024 06:08 AM (GMT+7)
Nang xương hàm có thể phá hủy xương hàm, tiêu chân răng lân cận, mất cân đối khuôn mặt và gây bội nhiễm.
Bình luận 0

Các bác sĩ khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa điều trị cho 1 bệnh nhi 9 tuổi có nang xương hàm trái kích thước lớn bằng phương pháp mở thông nang ít xâm lấn.

Nang xương hàm chèn ép nhiều mầm răng

Bệnh nhân là bé V.M.T (9 tuổi, trú tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả), nhập viện trong tình trạng sưng nề vùng mặt trái, đau nhức khi ăn nhai, khuôn mặt mất cân đối hai bên. 

Qua thăm khám, chụp X-quang phát hiện bệnh nhi có khối nang kích thước 21 x 24 x 26 mm, vị trí vùng cành ngang xương hàm dưới bên trái, phá hủy gần như toàn bộ chiều cao xương hàm dưới, nằm sát dây thần kinh, mạch máu hàm dưới, gây đè đẩy các mầm răng vĩnh viễn. 

Sau khi hội chẩn đánh giá, các bác sĩ đã quyết định áp dụng phương pháp mở thông nang nhằm giảm áp lực nang, kích thích tạo xương, bảo tồn mầm răng vĩnh viễn, giúp đảm bảo chức năng ăn nhai về sau cho trẻ.

Bé 9 tuổi suýt mất nhiều răng vì nang xương hàm lớn- Ảnh 1.

Ảnh chụp nng kích thước lớn trong xương hàm trái bệnh nhi T. Ảnh BVCC

Kíp mổ khoa Răng hàm mặt phối hợp với khoa Gây mê hồi sức thực hiện phẫu thuật mở thông nang xương hàm dưới. Ca mổ diễn ra thuận lợi, trẻ hồi phục tốt sau mổ. Theo dõi 3 tháng sau phẫu thuật, nang bệnh lý đã được loại bỏ, xương hàm dưới phát triển tốt, răng vĩnh viễn được bảo tồn và bắt đầu mọc trong khoang miệng.

Bác sĩ Lê Tuấn Tú, khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trường hợp bệnh nhi T. có nang hàm dưới kích thước lớn. Nếu mổ bóc toàn bộ nang theo phương pháp thông thường thì nguy cơ gãy xương, làm tổn thương các mầm răng vĩnh viễn và các cấu trúc mạch máu thần kinh hàm dưới, ảnh hưởng lớn đến chức năng ăn nhai về sau của trẻ. 

Do đó, chúng tôi đã quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn là mở thông nang và đặt dụng cụ bơm rửa hàng ngày cho bệnh nhân.

Nhờ điều trị bằng phương pháp này, trẻ ít đau đớn sau mổ hơn rất nhiều so với phương pháp bóc tách toàn bộ nang như trước đây, giúp bệnh nhi sớm xuất viện. 

Dụng cụ đặt vào miệng nang cũng được chúng tôi thiết kế phù hợp, dễ sử dụng, ít gây khó chịu cho trẻ như các khí cụ truyền thống, bên cạnh đó gia đình hoàn toàn có thể tự bơm rửa nang hàng ngày tại nhà cho trẻ mà không cần đến cơ sở y tế. 

Điều quan trọng nhất là xương hàm của trẻ vẫn phát triển tốt, mầm răng vĩnh viễn được bảo tồn nên đảm bảo tốt nhất chức năng ăn nhai về sau”.

Bé 9 tuổi suýt mất nhiều răng vì nang xương hàm lớn- Ảnh 2.

Hình ảnh nang bệnh lý được loại bỏ, xương hàm dưới phát triển tốt, răng vĩnh viễn được bảo tồn. Ảnh BVCC

Nang xương hàm là bệnh gì? 

Theo bác sĩ Tú, nang xương hàm nguyên nhân chủ yếu do răng, thường phát triển quanh một răng mọc ngầm do sự tích tụ dịch quanh men răng. 

Nang xương hàm hay gặp ở độ tuổi từ 20 – 30, tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm gặp, nang xương hàm xuất hiện ở trẻ trong 10 năm đầu đời do tình trạng viêm mãn tính của răng sữa hoại tử tủy bên trên. 

Nang xương hàm có thể làm phá hủy xương hàm, tiêu chân răng lân cận, ảnh hưởng tới mầm răng vĩnh viễn, mất cân đối khuôn mặt và gây sưng đau khi nang bị bội nhiễm.

Bác sĩ Tú khuyến cáo, trẻ em nên được chăm sóc và khám sức khỏe răng miệng định kỳ. Khi trẻ có những biểu hiện bất thường vùng hàm mặt, như: đau răng, sưng mặt, sờ có khối bất thường thì phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về răng hàm mặt để được thăm khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. 

Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống vì nếu không điều trị đúng cách thì các tổn thương ở trẻ em sẽ tiến triển nhanh, gây ra những biến chứng nặng nề. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem