Bệnh viện 6.000 tỷ đồng thưa thớt bệnh nhân, Sở Y tế TP.HCM nói gì ?

Bạch Dương Thứ ba, ngày 27/04/2021 11:40 AM (GMT+7)
Được đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 được kỳ vọng là bệnh viện hiện đại nhất nhì trong thành phố. Nhưng trên thực tế, số bệnh nhân đến khám chỉ thưa thớt vài chục người.
Bình luận 0
Bệnh viện 6.000 tỉ đồng thưa thớt bệnh nhân, Sở Y tế TP.HCM nói gì? - Ảnh 1.

Dù đầu tư hiện đại nhưng mỗi ngày, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 chỉ thưa thớt vài chục bệnh nhân.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 quá tải, cơ sở 2 vắng tanh

Trong khi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 1 (phường 7, quận Bình Thạnh) quá tải, thì Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức) có ngày chỉ tiếp nhận vài chục bệnh nhân đến khám.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, từ ngày 12/10/2020, khối phòng khám của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 đã chính thức đi vào hoạt động nhằm giảm tải bệnh nhân tại cơ sở 1 và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến khám, chữa bệnh.

Để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã điều chuyển 80 nhân sự từ cơ sở 1 về cơ sở 2. Dự kiến khi cơ sở 2 chính thức đi vào hoạt động từ 30/4 sẽ bổ sung thêm 420 nhân sự cho cơ sở này.

Thế nhưng, hiện nay mỗi ngày tại cơ sở 2 chỉ có khoảng 80 bệnh nhân đến khám, chưa triển khai nội trú. Trong khi đó, tại cơ sở 1 của bệnh viện trung bình hàng ngày có gần 4.000 lượt bệnh nhân đến khám và 650 - 700 bệnh nhân nội trú.

Theo thiết kế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị để đáp ứng 4.000 - 5.000 bệnh nhân đến khám, 1.000 bệnh nhân đến điều trị nội trú mỗi ngày.

Sở Y tế TP.HCM giải thích: Công trình chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng

Trước thực trạng này, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM, nhận định: Công trình Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu công trình của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) ngày 7/4/2021 xác nhận: 

Công trình chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng với rất nhiều lỗi như: Lan can cầu thang bộ chiếu tới có chiều cao 90cm chưa đảm bảo an toàn theo đúng quy định tại Quy chuẩn Việt Nam; Chỉ huy trưởng nhà thầu phụ thi công thang máy chưa chứng minh được đầy đủ năng lực chỉ huy trưởng theo quy định cùng một số lỗi trong hồ sơ khảo sát – thiết kế.

Bệnh viện 6.000 tỉ đồng thưa thớt bệnh nhân, Sở Y tế TP.HCM nói gì? - Ảnh 3.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 được đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Nhật ký thi công ghi chép sơ sài, có nhiều thiếu sót nghiêm trọng như chưa thi công hoàn thiện 18 phòng mổ; hệ thống cấp khí y tế chưa được hoàn thiện và kiểm định áp lực; chưa thi công lắp đặt hệ thống xử lý nước vô khuẩn (nước RO); thi công lắp đặt các đường ống thoát nước thải, nước mưa và cấp nước chữa cháy chưa tuân thủ hồ sơ thiết kế; hệ thống chữa cháy màng nước (chống cháy lan) tại 2 tầng hầm phân chia các khoang cháy không đảm bảo; thiếu toàn bộ kết quả thí nghiệm cáp điện chống cháy; chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước…

Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục tất cả các tồn tại, không được đưa công trình vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của Cục Giám định, trừ hạng mục Phòng khám đa khoa thuộc khối nhà chính của công trình.

Sau khi có kết quả kiểm tra của Cục Giám định, bệnh viện chưa nhận được bàn giao chính thức từ chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp). Bệnh viện Ung bướu cùng Sở Y tế TP.HCM cũng đã tiến hành kiểm đếm, kiểm tra và nhận thấy: 

Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, hệ thống khí y tế trung tâm chưa được lắp đặt hoàn chỉnh; chưa có phòng mổ để thực hiện các thủ thuật cơ bản; thiết bị pha chế thuốc tập trung chưa được lắp đặt hoàn chỉnh; máy cộng hưởng từ MRI bị sự cố từ 1/12/2020 đến nay chưa được sửa chữa… Tất cả các thiết bị chưa được chính thức bàn giao cho bệnh viện.

Hàng loạt các vấn đề về cơ sở vật chất vẫn còn đang tồn tại dù ngày chính thức hoạt động của bệnh viện đã cận kề như: Ống nước thoát vệ sinh khu vực xạ trị và hầm chứa chất thải lỏng phóng xạ chưa được đấu nối; máy bơm cho bể xử lý nước thải y tế đặc thù chưa được lắp đặt; nước mưa thấm dột xuống trần; khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa hoàn thiện; khoa dược, kho thuốc chỉ có phòng trống, không có hệ thống lạnh và thông gió… Các khoa Cấp cứu, Nội soi, phòng mổ, Giải phẫu bệnh, Phục hồi chức năng, khu ghép tế bào gốc đều chưa hoàn thiện.

Mái che mưa tạt khu vực nội trú chưa được thi công, rất nguy hiểm cho bệnh nhân và nhân viên di chuyển vào mùa mưa. Khi có mưa lớn, nước tràn ngập vào khu vực thang máy, các khoa nội trú, khu vực thang bộ vẫn chưa có phương án khắc phục…

Từ thực tế này, Sở Y tế kiến nghị UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương xử lý, khắc phục các tồn đọng và các yêu cầu của Cục Giám định để bệnh viện sớm đưa công trình vào sử dụng.

Cùng với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt xây dựng vào năm 2014 và được đầu tư hiện đại, kỹ thuật cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Có cơ chế quản lý và điều hành tiên tiến để cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ngày 12/10/2020, Khối phòng khám của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 chính thức được khánh thành. Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, từ năm 1966 đến nay toàn TP chỉ có một bệnh viện chuyên khoa về ung bướu và đã trở nên quá tải trong nhiều năm qua. Do đó, việc xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Với việc đưa vào hoạt động khối phòng khám, bước đầu kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 và các bệnh viện khác có chuyên khoa ung bướu trên địa bàn.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM làm chủ đầu tư với quy mô 1.000 giường bệnh được thiết kế đầy đủ các khu: Khu khám chữa bệnh ngoại trú, Khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, Khu hành chính, Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ, Hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ hoàn chỉnh đảm bảo quy mô bệnh viện...

Tổng diện tích sàn xây dựng của công trình là 112.500 m2 với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Được khởi công từ ngày 26/6/2016 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017, tuy nhiên đến nay Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 chỉ được đưa vào hoạt động một phần. Dự kiến đến cuối năm 2020, bệnh viện mới có thể đưa vào hoạt động toàn bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem