Cựu vận động viên quần vợt Hàn Quốc Kim Eun-hee, một nạn nhân từng bị huấn luyện viên cưỡng hiếp suốt 2 năm. Ảnh: Asiaone
Giờ đây, Kim Eun-hee, 27 tuổi, cô quyết định nói ra nỗi đau và sự sỉ nhục lớn nhất đời mình cho các phương tiện truyền thông quốc tế.
"Phải mất nhiều năm tôi mới biết đó là cưỡng hiếp. Ông ấy cưỡng hiếp tôi trong suốt 2 năm. Ông ấy nói với tôi rằng đó là một bí mật giữa tôi và ông ấy", Kim chia sẻ và nói thêm rằng, lý do cô chọn công khai câu chuyện của mình là vì muốn phơi bày nạn nhiều nữ vận động viên ở Hàn Quốc bị huấn luyện viên lạm dụng tình dục một cách bí mật.
Nỗi đau trong trại huấn luyện
Trong một xã hội cạnh tranh cao, nơi chiến thắng là tất cả, nhiều vận động trẻ chấp nhận bỏ học, sống xa gia đình để vào trại huấn luyện toàn thời gian. Họ sống cùng các đồng nghiệp và huấn luyện viên trong môi trường tương tự như ký túc xá trong suốt nhiều năm.
Hệ thống trại huấn luyện này được tin là giúp các vận động viên Hàn Quốc giành được thành tích tốt hơn trên đấu trường thể thao toàn cầu.
Tuy nhiên, mô hình này cũng để lộ ra nhược điểm khi một số vận động viên, đặc biệt là những vận động viên tuổi vị thành niên bị lạm dụng bởi các huấn luyện viên của họ.
"Huấn luyện viên là ông hoàng trong thế giới của tôi. Ông ấy quyết định mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày của tôi từ luyện tập cho đến ăn gì, khi nào được đi ngủ", Kim nói và cho biết thêm rằng, cô bị huấn luyện viên đánh đập liên tục bất cứ khi nào cô phạm sai hoặc thậm chí vô cớ.
"Tôi đã rất sợ hãi khi thấy rằng kẻ cưỡng dâm tôi tiếp tục huấn luyện các vận động viên quần vợt trẻ hàng chục năm. Tôi tự nghĩ, tôi sẽ không cho hắn cơ hội lạm dụng các cô bé trong trắng nữa", cựu vận động viên quần vợt Kim Eun-hee chia sẻ quyết định nộp đơn tố cáo huấn luyện viên cưỡng hiếp mình, bắt “yêu râu xanh” đột lốt huấn luyện viên này phải nhận án 10 năm tù. |
Kim Eun-hee không phải là trường hợp duy nhất bị lạm dụng trong trại huấn luyện.
Đầu năm nay, Shim Suk-hee, một ngôi sao trượt băng từng giành 4 huy chương Olympic đã lên tiếng cáo buộc huấn luyện viên đấm và đá cô hàng chục lần, khiến cô phải điều trị y tế một tháng.
Huấn luyện viên của Shim, Cho Jae-beom thừa nhận với cảnh sát rằng ông ta đã đánh Shim và những vận động viên trượt băng quốc gia khác tại trại huấn luyện nhưng là vì muốn "cải thiện hiệu suất của họ".
"Giả câm giả điếc"
Nhiều nạn nhân của các vụ lạm dụng trong các trại huấn luyện vận động viên buộc phải im lặng, không dám lên tiếng tố cáo huấn luyện viên vì mọi bê bối như vậy đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho tương lai, ước mơ lẫn sự nghiệp.
"Những người dám nói ra sự thật sẽ bị tẩy chay, bị bắt nạt và bị xem là "kẻ phản bội" vì đã mang đến sự xấu hổ cho thể thao", Chung Yong-chul, một giáo sư tâm lý học thể thao tại Đại học Sogang ở Seoul bình luận.
Một cuộc khảo sát năm 2014 do Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc thực hiện cho thấy, cứ 1 trong 7 nữ vận động viên thừa nhận từng bị lạm dụng tình dục nhưng 70% các nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ dưới bất cứ hình thức nào.
"Các bậc phụ huynh của các nạn nhân vị thành niên thường từ bỏ việc khiếu kiện sau khi một quan chức thể thao, thường là người có quan hệ với những kẻ lạm dụng nói với họ rằng: Ông/bà có muốn thấy tương lai của con mình bị hủy hoại không?", Chung Hee-joon, một nhà bình luận các vấn đề thể thao nổi tiếng chia sẻ.
Theo ông Chung, các hiệp hội thể thao cũng thường "mắt nhắm mắt mở" trước nạn lạm dụng thể chất lẫn lạm dụng tình dục trong các trại huấn luyện miễn là các huấn luyện viên "dê xồm" có thể tạo ra các vận động viên ngôi sao.
Chỉ cần đạt được huy chương, thì những hành vi lạm dụng của các huấn luyện viên được xem là "chuyện nhỏ" không đáng kể trong quá trình huấn luyện, ông Chung cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.