Với
bún lọn (còn gọi là bún con hay bún vắt), người dùng có thể dùng tay
cầm lọn bún để chấm với nhiều loại nước chấm (mắm nêm, mắm ruốc, mắm
tôm..). Với bún rời (bún mớ, bún ký) là loại bún “phổ thông”, người ta
có thể ăn theo cách thông thường: cho vào tô, chan nước lèo tùy theo
món. Riêng bún lá có cách ăn uống từ tốn, chậm rãi, theo kiểu vừa nhâm
nhi, vừa thưởng thức, cho dù hình thức ăn cũng như bún thông thường.
Bún lá Ninh Hòa
Có hai kiểu sắp đặt bún lá tùy theo cách
phục vụ cho cá nhân hay tập thể. Nếu tính theo kiểu định lượng khẩu
phần mỗi lá một tô, thì mỗi khoanh bún đặt trên một miếng lá chuối cắt
tròn, vừa vặn một tô bún. Thường ở các hàng bún cá, người ta chuộng kiểu
này cho thuận tiện trong việc “đong đếm”. Trong các nhà hàng, có lẽ do
khách thường ăn theo nhóm nên người bán sẽ đặt sáu lá bún trên một miếng
lá chuối rồi bày ra mời khách. Bún lá hay bún lọn khác với bún mớ ở độ
dai, dẻo mà theo ý người chế biến, đó là do bún được làm từ nước đầu nên
không chỉ hình thức tươi tắn, bóng bẩy mà vị cũng ngon hơn hẳn. Thêm
nữa, hình thức trình bày bắt mắt với từng khoanh bún mỏng màu trắng, xếp
gọn gàng, nổi rõ trên nền xanh của miếng lá chuối tươi khiến nhìn lá
bún đã thấy thèm.
Với món bún lá cá dằm, nguyên liệu chính
để nấu nước lèo là cá bò hay cá ngừ, những loại cá thịt ngọt và dai.
Với cách nấu theo kiểu nấu mẳn hay nấu ngọt, cái khéo của người nội trợ
là cho dù có cho cà chua, đồ màu, nồi nước vẫn trong veo và không có mùi
tanh của cá. Chả cá sắp trên mặt tô bún phải là chả cá đỏ hay cá thu
mới ngon. Rau ăn với bún cá phải là rau xắt ghém, xà lách, rau thơm, bắp
chuối… Để tô bún đậm đà hơn, ngoài việc nêm ít mắm ngọt, có người còn
cho thêm tí xíu mắm ruốc. Cái ngon của tô bún lá cá dằm là cho dù nồi
nước có sôi đến đâu, cá vẫn không bị nát mà ngược lại càng thấm, càng
dai. Cái ngon nữa là chả cá được chế biến từ cá rất tươi, nên ngọt thịt
và dai nhờ cách quết cá nhuyễn, đều tay.
Bún lá cá dằm
Ở TP.Nha Trang có hàng bún lá cá dằm Cây
Bàng trên đường Hàn Thuyên, do người chủ quê gốc Ninh Hòa chế biến.
Quán đông khách không chỉ do bún lá mà còn do nước lèo hấp dẫn.
Giờ đây, các nhà hàng tại Ninh Hòa
hầu hết đều phục vụ khách món lẩu ăn với bún lá. Bún lá ăn với lẩu gì
cũng ngon, nhưng đặc biệt hợp với lẩu gà lá giang. Những quán gà ngon
nổi tiếng như Tám Vui, Bé Thương… tại Ninh Hòa có món "gà chỉ" (chỉ con
nào làm thịt con đó). Khách nên chọn con gà có chân nhỏ, ức mềm, lông
mượt … Nếu bốn người ăn nên “chỉ” con gà khoảng 2 kg rồi yêu cầu món đơn
giản nhất là hấp hành, phần còn lại đầu, cổ cánh, lòng, mề, gan… đem
nấu lá giang.
Trong khi khách nhâm nhi miếng thịt gà
mềm và ngọt thanh thì bún lá được bày ra. Gắp miếng bún, chấm nước mắm
nguyên chất dằm ớt xiêm cũng đã ngon rồi, đến khi nồi lẩu mang ra, sẽ
càng đúng điệu. Ăn bún lá lúc này nên khoan thai chậm rãi, kiểu cách và
thư thái. Lấy đũa gỡ xấp bún ra, bỏ vào chén và chan nước. Vị ngọt của
bún, lẫn với vị chua ngọt của nước lèo, thêm miếng ớt xiêm xanh cay
nồng, ngon tuyệt!
Bún lá là “chủ lực” trong các món cuốn,
đặc biệt cuốn cá hấp hay thịt heo luộc chấm mắm nêm. Xắn nửa lá bún, đặt
vào miếng bánh tráng đã có rau sống, dưa leo, chuối chát, khế, cho cá
vào và cuốn, chấm với mắm nêm, ăn hoài không ngán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.