Các làng nghề "tung" đủ loại hàng Tết

Chủ nhật, ngày 22/01/2012 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tết Nhâm Thìn 2012 đã cận kề cũng là lúc các làng nghề bánh chưng, bánh tráng, mai cảnh... đang hối hả đưa sản phẩm ra thị trường để đáp ứng nhu cầu sắm Tết của người dân.
Bình luận 0

Tấp nập bánh chưng, mai vàng

Ấp Bình Lộc, xã Bình Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng với bánh chưng, bánh tét. Hơn 5 năm trở lại đây, được Công ty Trần Gia đầu tư công nghệ, bao tiêu sản phẩm, bà con nơi đây đã chuyển sang sản xuất bánh phục vụ nhu cầu thị trường quanh năm. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, những hộ sản xuất phải tăng công suất hết cỡ mới đủ sức cung ứng cho thị trường.

img
Công nhân lựa bánh, phơi bánh tại HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông.

Anh Trần Thanh Toàn - Giám đốc Công ty Trần Gia cho biết, để làng nghề đứng vững và phát triển được, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Từ công đoạn chọn lá dong, nếp, nhân đều phải sử dụng nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay để phục vụ tết, mỗi ngày cả ấp cho ra lò gần 30 tấn bánh mỗi ngày. Từ đầu tháng 11 âm lịch, đơn đặt hàng đã liên tiếp xuất hiện. Hàng được các siêu thị lớn trong nước tin tưởng nên đầu ra rất ổn định. Bên cạnh đó, bà con Việt kiều khắp nơi trên thế giới cũng tìm mua với số lượng lớn. Theo anh Toàn, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người không có thời gian tự chuẩn bị nhưng vẫn không muốn bỏ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông để lại.

Bên cạnh bánh chưng, những vùng trồng mai truyền thống ở TP.HCM cũng hứa hẹn bội thu. Ông Trần Tới (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) có vườn mai hơn 5.000 gốc chuẩn bị ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán cho biết: “Năm nay, hai đợt triều cường cao nhất trong năm đến sớm nhưng phường Thạnh Xuân không bị ngập nên mai phát triển bình thường. Tết này, chúng tôi chắc chắn sẽ bội thu”.

Ông Nguyễn Tính - chủ một vườn mai khác bật mí, năm nay các vườn mai tự tin bởi họ có trong tay “đặc sản quý” mai giảo. Loại mai này có trung bình từ 8 đến 10 cánh hoa, gấp đôi so với mai thường nên được ưa chuộng. Giá bán mỗi gốc mai hiện cao hơn năm ngoái khoảng 300.000 đồng, từ 2 - 2,3 triệu đồng/gốc, tùy theo độ tuổi, dáng cây. Riêng mai giảo có giá cao hơn mai thường khoảng 400.000 đồng/gốc.

Bánh tráng lại hụt hơi

Bên cạnh những làng nghề đang tất bật chuẩn bị hàng tết vẫn có nhiều mặt hàng truyền thống đang trong tình trạng “hụt hơi”, nguy cơ mất tết, trong đó có bánh tráng. “Bên siêu thị đã thúc giao hàng dữ lắm rồi nhưng HTX vẫn chưa đủ nhân công chứ nói gì tới đủ bánh cho Tết” - ông Lê Thế Khải - Chủ nhiệm HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Ấp Phú Bình, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) than thở.

“Mai nở sớm thì năm nào cũng có, nhưng nếu người trồng biết cách chăm sóc mai tốt, vẫn có những chậu mai đẹp cho ngày xuân”.

Theo ông Khải, bánh tráng là mặt hàng truyền thống mà hầu như gia đình nào cũng “thủ sẵn” trong những ngày Tết. Do vậy, lượng tiêu thụ trong thời gian này có khi tăng gần chục lần. Tuy nhiên, do việc làm bánh tráng tốn nhiều lao động chân tay, lợi nhuận lại không bao nhiêu nên nhiều lò bánh liên tục “tắt lửa”. “Cả HTX có 60 cái máy tráng, cần ít nhất là 10 – 15 công nhân phơi bánh thì nay chỉ có 4 người, chủ yếu là người lao động nhập cư, bữa làm bữa nghỉ khiến HTX không đủ hàng để giao” - ông Khải cho biết thêm.

Hiện tại, HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông đã ký hợp đồng cung cấp cho các siêu thị như Co.opMart, Vinatex,…gần 11 tấn bánh tráng phục vụ Tết Nguyên đán. Số lượng này giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nhiều lò bánh cá nhân tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông cũng cho biết, giá bánh dù có tăng so với ngày thường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg nhưng chi phí cho công nhân lựa bánh, bao bì, nhãn mác… đều tăng nên người làm bánh vẫn không có lãi bao nhiêu. Mỗi ngày, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông cho ra lò khoảng 30 tấn bánh, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem