Những gì “ngon” nhất của biển Việt đã được festival này “chiêu đãi” du khách, từ lễ hội cầu ngư Nam Trung Bộ, chương trình nghệ thuật đặc sắc phong vị biển, triển lãm - chiếu phim về biển đảo, lễ hội đường phố, hội chợ thủy sản, liên hoan ẩm thực cá ngừ đại dương…
Tác phẩm “Bò gù” bằng vỏ gáo dừa, tôn vinh ngành khai thác cá ngừ đại dương.
Chị Hồ Hoài Hương - du khách đến từ Hà Nội, nhận xét: “Phóng khoáng, khác lạ hoàn toàn ở nơi “lục địa, xô bồ”, thực sự tôi đã tận hưởng và cảm kích. Xem fesival, tôi càng yêu hơn mảnh đất tươi đẹp này”. Lão ngư Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (Tuy Hòa) bày tỏ: “Dự và nghe những ý tưởng từ các diễn đàn, tôi tin sắp tới đây sẽ có nhiều thay đổi về chính sách đầu tư cho thủy sản, làm ăn của ngư dân sẽ chuyển biến”.
“Doanh nghiệp Lạc Hồng đã thiết thực góp tay cùng festival, với tác phẩm “Bò gù” (con cá ngừ đại dương bằng vỏ gáo dừa lớn nhất Việt Nam). Không thể nói tất cả đều hoàn hảo nhưng chúng tôi đã thấy được lợi nhuận từ sự kiện đặc sắc này.
Nhất là khi vị thế của thủy sản, tiếng nói của doanh nghiệp được chính quyền tôn trọng. Dự nhiều festival thời gian qua, tôi thấy festival này tổ chức đạt yêu cầu: quảng bá, khẳng định thế mạnh thủy sản Việt; đem đến cho dân địa phương và du khách nhiều ấn tượng, cảm xúc”- ông Phạm Hồng Bảo – Giám đốc Công ty Du lịch Lạc Hồng (Phú Yên), bày tỏ.
"Tại Festival Thủy sản Việt Nam 2014, vị thế hình ảnh ngư dân, người làm chuyên môn thủy sản đã được chú trọng, quan tâm cụ thể”.
Ông Trần Quang Nhất - Trưởng ban tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam 2014.
|
Có chiều dài bờ biển 189km, Phú Yên là tỉnh Nam Trung Bộ có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển và thực hiện chiến lược biển, đảo.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - ông Phạm Đình Cự cho biết: “Địa phương đang khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tham gia các hiệp hội để thực hiện tốt chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản.”
Theo Tổng cục Thủy sản, các cơ quan chức trách đang lắng nghe, hội tụ ý kiến để tiếp tục sắp xếp tố chức lại sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Điều này tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến, gắn với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững.
Thông tin từ các diễn đàn chính thức, cơ quan chức trách đang tham mưu trung ương sớm có chính sách đầu tư sâu cụ thể từng đối tượng nghề đặc thù của ngành thủy sản. Rất nhiều kỳ vọng khi chính sách được triển khai trên cơ sở đồng thuận của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ngư dân…
Hùng Phiên (Hùng Phiên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.