Lương Duy Cường
Thứ hai, ngày 16/08/2021 19:37 PM (GMT+7)
Hôm 15/8, các lực lượng chốt chặn đã mất nhiều thời gian thuyết phục rất đông người ở lại TP.HCM khi họ chạy ra các cửa ngõ để về miền Trung. Giữ người của các địa phương khác không rời đi chính là TP.HCM đang chấp nhận gồng gánh trách nhiệm về mình.
Trong tình cảnh "cuộc chiến" khốc liệt với dịch bệnh Covid-19, TP.HCM chịu nhiều hệ luỵ, không chỉ riêng chuyện hệ thống y tế đã và đang quá tải. TPHCM phải nỗ lực là để kịch bản chống dịch không bị phá vỡ; để nhà máy, công trường hoạt động trở lại sớm nhất, ngay khi khống chế được dịch bệnh, để nền kinh tế không bị đứt gãy.
Nỗ lực của lực lượng chức năng cũng đã tránh được việc tái diễn cảnh những người lao động cùng vợ dại con thơ bồng bế nhau vượt cả ngàn km, với nhiều chuyện thương tâm như từng xảy ra cách đây vài tuần; tránh được nguy cơ nhiều địa phương "cực chẳng đả" phải gánh một lúc rất đông F0, chẳng hạn như đã xảy ra với tỉnh Ninh Thuận vừa qua.
Nhưng con em các địa phương khác có chấp nhận ở lại với TP.HCM hay sẽ vẫn tìm cách khác, lúc khác để dứt khoát về quê? Trả lời câu hỏi này là rất khó.
Những người này có biết chính quyền cần họ "ai ở đâu yên đó" để hợp tác chống dịch không? Họ có biết chính quyền và các hội đoàn đã có nhiều chương trình và đang cử rất nhiều đoàn đi phát hàng quà hỗ trợ không? Tôi tin là có. Vậy vì sao họ vẫn tìm cách về quê?
Trước hết, phải nhận diện được số muốn về quê là ai.
Chắc chắn sẽ không phải người đang có gia đình ổn định ở TP.HCM. Ổn định tức là có gia đình và cuộc sống căn bản gắn bó chặt chẽ với TP. Cũng là người đang ổn định ở TP.HCM, diện mới nhập cư vài chục năm nhưng có việc làm tốt, thu nhập cao, ổn định như những người đã ở vài thế hệ, thì cũng ít ai muốn đi đâu giữa lúc dịch dã này. Vì ngồi trong nhà đúng là "pháo đài", không thể tìm ra nơi đâu an toàn hơn. Mà dẫu không có ai hỗ trợ thì họ cũng đủ cách và đủ điều kiện xoay xở, lâu dài thì không chắc nhưng vài ba tháng để "né dịch" thì được.
Những người đang tìm cách về quê thì hầu như không thuộc các diện kể trên. Họ hầu hết là người chỉ đến TP.HCM, cũng như Bình Dương và Đồng Nai, để hoặc tham gia vào các trường đại học, cao đẳng hay dạy nghề; hoặc làm việc trong các nhà máy; hoặc làm thuê làm mướn, buôn bán nhỏ để tìm cơ hội mưu sinh tốt hơn ở quê. Với thu nhập của họ thì chuyện an cư ở thành phố là rất khó.
Ai từng ở trong những khu nhà trọ vài chục căn phòng thấp bé chỉ trên dưới chục mét vuông, chỉ một lối nhỏ đi chung, mở cửa ra là đụng hàng xóm, thì sẽ biết cảnh vất vả thế nào khi cả gia đình hay nhóm anh chị em bạn bè chen chúc trong mỗi phòng vừa là nơi ngủ, nhà vệ sinh, bếp, vừa là nơi để xe.
Chen chúc nhau trong các dãy nhà trọ, hết vào mạng thì mở ti vi, không thì ngồi chia sẻ nhau những thông tin dịch bệnh, lo thất nghiệp, cảm giác sẽ là ngộp thở. Chưa kể khi có một vài ca F0 phải đi cấp cứu. Rồi có người cần cấp cứu nhưng tử vong sau khi chạy quanh mà không bệnh viện nào chịu nhận. Rồi có chuyện gọi cứu trợ, gọi cấp cứu nhưng không được hồi âm.
Những chuyện ấy dù không phổ biến trong "cuộc chiến chống dịch Covid-19" nhưng là sự thật, đang lan toả mạnh mẽ trên mạng xã hội, đang như "giọt nước tràn ly" của nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi đã thường trực trong tâm trí những người yếu thế.
Và vì thế, người ta kéo nhau về quê, có lẽ là vì sợ hơn vì đói, dĩ nhiên trong đó có cả sợ đói.
Nếu đã khẳng định nguyên nhân vì sợ, sợ với nội hàm lớn hơn nhiều so với khái niệm sợ đói, thì lời giải cho vấn đề sẽ không là nằm tất cả ở việc tập trung vào chuyện hỗ trợ tiền bạc hay hàng quà. Hỗ trợ là đúng, là quí, là rất tốt vì nhiều người đang chịu hệ luỵ của giãn cách. Nhưng nhận hàng quà rồi, chưa nói đến việc hàng quà nhiều hay ít, sống nhờ vào hỗ trợ được bao nhiêu ngày… mà trong lòng còn hoang mang quá, thì người ta vẫn sẽ phải tháo chạy như bản năng mách bảo phải thế.
Không sợ thì họ sẽ không việc gì phải vất vả chạy về quê. Nhưng muốn thế thì phải yên tâm được với hai việc: Ăn - ở và sinh mệnh.
Dĩ nhiên là không bao giờ có thể thoả mãn được đầy đủ nhu cầu như mong muốn, nhưng những người cam kết ở lại mà đang thực sự không có thu nhập trong giai đoạn chống dịch (cả khi dịch đã được kiểm soát nhưng kinh tế chưa hồi phục) liệu có thể vẫn tin là mình có chục kg gạo và vài triệu đồng/tháng để nuôi bản thân, nuôi con và sinh hoạt tối thiểu hay không? Liệu họ có thể không phải lo tiền trả nhà trọ, điện, nước như vẫn trả, cho đến khi có việc làm trở lại hay không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.