Chiêm ngưỡng "Bảo vật quốc gia" góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ 1954
Chiêm ngưỡng "Bảo vật quốc gia" góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ 1954
Đức Nguyên
Thứ bảy, ngày 06/05/2023 12:34 PM (GMT+7)
Khuôn viên Bảo tàng Phòng không - Không quân (Hà Nội) đang lưu giữ một hiện vật lịch sử trong chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Đó là khẩu pháo cao xạ 37mm hay còn được gọi là “khẩu pháo Tô Vĩnh Diện”.
Pháo cao xạ 37mm, số hiệu 510681 được Liên Xô viện trợ cho nước ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu pháo biên chế về Khẩu đội 3, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Cấu tạo gồm 3 phần: thân pháo, bệ pháo và xe pháo.
Tầm bắn hiệu quả của pháo 37mm trên không lên đến 3.000m, bắn tiêu diệt mục tiêu mặt đất lên đến 4.000m và tầm bắn cao tối đa của đầu đạn lên đến 6.700m. Tốc độ bắn thực tế lên đến 100 viên đạn/ Phút. Để sử dụng 1 khẩu pháo 37mm 2 nòng trong chiến đấu cần đến 8 người trong đó có 1 chỉ huy.
Rạng sáng ngày 01/02/1954, thực hiện việc thay đổi kế hoạch của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuyển từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, pháo cao xạ 37mm được kéo ra khỏi trận địa qua những khu vực địa hình hiểm trở và không may bị đứt dây tời chính, có nguy cơ bị lăn xuống vực.
Trước tình thế đó, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã anh dũng hy sinh thân mình để cứu pháo. Giây phút cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để đi cấp cứu, Tô Vĩnh Diện chỉ kịp hỏi “Pháo có việc gì không” rồi anh dũng hy sinh tại rừng Pá Có, sườn phía tây Pha Sung, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) và trở thành người anh hùng liệt sĩ đầu tiên của bộ đội PK-KQ.
Sau đó, khẩu pháo này tiếp tục tham gia chiến dịch đã cùng với Đại đội 827 bắn rơi 3 máy bay và bắn bị thương 13 máy bay, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hành động quên mình cứu pháo của đồng chí Tô Vĩnh Diện đã nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, được cán bộ, chiến sĩ toàn quân noi gương, học tập.
Ngày 01-10-2012, Khẩu pháo 37mm mang số hiệu 510681 được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, công nhận là Bảo vật quốc gia với ý nghĩa là “hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa và khoa học”, cùng 29 hiện vật khác trong hệ thống Bảo tàng, di tích quốc gia Việt Nam.
Bảng giới thiệu về khẩu pháo cao xạ 37mm bên trong Bảo tàng Phòng không - Không quân tại Hà Nội.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.