Chuột tàn phá lúa đông xuân

Thứ tư, ngày 26/01/2011 15:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong mấy ngày qua, hàng ngàn ha lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị chuột cắn phá. Đây cũng là hậu quả của việc lũ không về.
Bình luận 0
img
Đi dọc theo tuyến quốc lộ 91B qua những cánh đồng thuộc quận Bình Thủy và Ôn Môn (TP. Cần Thơ) đâu đâu cũng thấy chuột phá hoại.

Gần 1/3 diện tích lúa tan hoang

Lão nông Nguyễn Văn Thiện ở khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy cho biết: "Năm nay không biết từ đâu mà chuột xuất hiện nhiều thế, diệt hoài mà vẫn không hết. Ruộng lúa nhà tui phải dùng bao nilon cao 7cm giăng xung quanh ruộng nhưng vẫn bị chuột phá hoại".

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long thì đến nay toàn tỉnh đã có 3.700 ha lúa đông xuân bị chuột cắn phá, chiếm từ 10-18% diện tích.

Chỉ những đám ruộng xung quanh, ông Thiện cho biết thêm: “Ruộng nào có rào bao nilon lúc mới sạ xong thì tránh nạn chuột, ruộng rào sau thì bị phá khoảng 3-5% diện tích, còn ruộng không rào thì bị lũ chuột cắn tan hoang, có nơi chiếm 1/3 diện tích".

Ông Võ Văn Tẹp ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy ngồi ngoài bờ ruộng thở dài ngao ngán vì chỉ qua mấy đêm mà 3 công ruộng nhà ông đã bị chuột cắn phá gần 1 công. Ông Tẹp nói như mếu: "Năm nay coi như bị thất thu khoảng 1/3 sản lượng do chuột phá hoại. Cả đám ruộng đang trổ đều sắp tới miệng ăn lại bị chuột cướp đi mất…". Không chỉ riêng ruộng của ông Tẹp mà nhiều thửa ruộng xung quanh cũng bị chuột cắn phá tơi bời.

Ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long tình hình cũng tương tự. Tại cánh đồng thuộc khu vực xã Lê Trì, huyện Tri Tôn (An Giang) có rất nhiều thửa ruộng bị chuột cắn phá khi lúa đang chuẩn bị trổ đòng đòng. Gia đình ông Chau Si ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn canh tác được 4,5 công đất lúa. Chỉ trong một đêm, sáng ra ông Si thấy miếng ruộng của mình đầy dấu chân chuột.

Ông Chau Si lo âu nói: "Bà con làm ruộng ở đây chỉ chờ có mùa này. Vậy mà bây giờ chuột nó phá gần hết rồi, chỉ còn khoảng phân nửa diện tích đất thì làm sao đủ ăn. Mấy ngày nay, tôi chạy đi ra chợ mua 2 bịch thuốc trộn với lúa đem rải ra ruộng cho nó ăn mà không thấy con nào chết cả".

img
 

Vận động nông dân diệt chuột

Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân trong vùng ĐBSCL thông thường khi nước lũ tràn về làm ngập các cánh đồng, chuột sẽ không nơi trú ẩn nên chỉ tập trung ở các gò cao, rất dễ bị săn bắt. Tuy nhiên, do năm nay không có lũ nên chuột có mặt hầu như khắp mọi nơi và ra sức phá hoại mùa màng của bà con.

Khi chuột xuất hiện nhiều thì giải pháp tốt nhất để ngăn không cho chuột phá hoại là dùng bao nilon rào xung quanh ruộng để chuột không thể leo vào cắn phá được. Tuy nhiên, cách này lại tốn nhiều công sức, chi phí và phải rào ngay từ lúc vừa sạ xong mới đạt hiệu quả cao.

Để tiêu diệt chuột, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp đang khuyến cáo bà con ra sức diệt chuột để bảo vệ mùa màng. Ông Liêu Cẩm Hiền - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết:

"Sở NN&PTNT đã có công văn chỉ đạo các phòng nông nghiệp, trung tâm khuyến nông trên địa bàn tỉnh khuyến cáo bà con nông dân dùng các biện pháp đồng bộ và trong thời gian dài để tiêu diệt chuột. Trong đó, các biện pháp nông dân sử dụng rất hiệu quả như, đặt bẫy, đào hang… để tiêu diệt, hạn chế chuột sinh sản phá hoại mùa màng không chỉ trong vụ này, mà cả những vụ tiếp theo".

Ngày 24-1, ông Trần Văn Mì - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết: Cách đây hơn 10 năm, chuột cũng từng xuất hiện nhiều và đã được ngăn chặn. Thời điểm đó, địa phương có mở các đợt tập huấn và phát động phong trào diệt chuột trong dân rất có hiệu quả. Một số cách diệt chuột an toàn không gây ảnh hưởng môi trường như dùng bẫy rập, đào hang... Vì vậy, nông dân cần tập trung bắt chuột để vừa làm thực phẩm, vừa bảo vệ mùa màng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem