Chuyên gia giao thông: Tăng giá vé xe buýt nên làm từ lâu

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 18/10/2023 18:17 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng việc tăng giá vé xe buýt lẽ ra phải thực hiện từ sớm hơn để vừa giảm gánh nặng ngân sách, lại tạo nguồn lực để nâng cấp hạ tầng vận tải công cộng.
Bình luận 0

Mỗi năm xe buýt "hút" trên 2.000 tỷ đồng ngân sách trợ giá

Tại tờ trình về điều chỉnh giá vé xe buýt đối với các tuyến buýt trợ giá trên địa bàn thành phố, Sở GTVT Hà Nội cho biết chi phí trợ giá đã tăng lên rất cao. Cụ thể, giai đoạn 2015 – 2019, trung bình mỗi năm thành phố chi trung bình 1.371 tỷ đồng cho chi phí trợ giá. Giai đoạn 2020 – 2022, mức trung bình đã đạt đến 2.230 tỷ. Dự kiến năm 2023, chi phí này còn có thể tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng, lên 2.754 tỷ đồng.

Đánh giá kinh phí trợ giá đã ở mức cao, đặc biệt là giai đoạn 2020 – 2022, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho rằng sẽ ảnh hưởng tới khả năng cân đối ngân sách thành phố, đồng thời chi phí cho VTHKCC bằng xe buýt tăng dần qua các năm. Bởi vậy, nếu giữ nguyên giá vé thì trong thời gian tới khả năng cân đối ngân sách để chi cho hoạt động VTHKCC gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chi cho việc đầu tư đổi mới phương tiện năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ.

Chuyên gia giao thông: Tăng giá vé xe buýt nên làm từ lâu - Ảnh 1.

Theo ông Thường, chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt tăng cao, theo đơn giá mới đã được Ban cán sự Đảng UBND TP thông qua (sửa đổi Quyết định 1494) thì đơn giá vận hành 1km trung bình của 3 loại xe buýt thông thường là 21.080 đồng (tương đương tăng 46,95% so với năm 2014). Bên cạnh đó đơn giá vận hành 1km cho các loại hình xe buýt năng lượng sạch cũng cao hơn nhiều so với loại buýt thường.

Cụ thể, buýt điện là 27.929 đồng (tăng 62% so với buýt thường năm 2014); buýt CNG là 21.821 đồng (tăng 48,6% so với buýt thường năm 2014). Như vậy, theo số liệu trên thì đơn giá chi phí vận hành 1 Km cho xe buýt phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thời điểm hiện nay tăng trung bình chung so với năm 2014 là khoảng 48% (chưa tính đến việc điều chỉnh giá nguyên nhiên liệu theo từng thời điểm.

Khó đạt hiệu quả tức thì 

Chia sẻ với PV Dân Việt, TS Phan Lê Bình, Chuyên gia JICA cho rằng, "Tăng giá vé xe buýt là phù hợp, chúng ta nên làm từ lâu, trước cả thời điểm COVID". Theo đó, TS Phan Lê Bình nhận định việc tăng giá vé xe buýt giúp giảm đi gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, do thực hiện khá muộn nên tại thời điểm này sẽ chưa đạt được hiệu quả tức thì. Mức độ tăng giá đối với xe buýt vẫn ít, trợ giá vẫn là chính.

Bởi vậy, nếu như nói rằng rằng việc tăng giá thời điểm này sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách cũng đúng, nhưng không nhiều.

Nói thêm về góc độ của hành khách, TS Phan Lê Bình cho rằng trên thực tế, nhiều người sẽ không bỏ xe buýt vì tăng giá, nên kết quả là số tiền thu được từ trực tiếp hành khách dự kiến sẽ tăng. Riêng đối với doanh nghiệp vận hành xe buýt, trợ giá vốn là bù lỗ, nên thực hiện tăng giá vé không làm thay đổi nhiều trong cơ cấu thu chi.

Chuyên gia giao thông: Tăng giá vé xe buýt nên làm từ lâu - Ảnh 2.

TS Phan Lê Bình, Chuyên gia JICA

Chia sẻ với PV Dân Việt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông nhận định, người dân sẽ thích sử dụng phương tiện di chuyển thuận lợi nhất. Điều này đồng nghĩa với xây dựng hệ thống vận tải công cộng phải tính toán đến những hạ tầng kết nối chung quanh. Tuy nhiên, tại Hà Nội, việc xây dựng mạng lưới liên thông, tiếp cận đồng bộ quá chậm trễ đã gây phản tác dụng. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc nguồn lực bị tiêu tốn.

Tại tờ trình, nhận định về việc thay đổi giá vé xe buýt chậm so với thực tiễn cũng được Sở GTVT Hà Nội đề cập. Bởi vậy, thời điểm này buồn phải cân đối lại nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng. Từng bước giảm bớt gánh nặng hỗ trợ từ ngân sách cũng như đảm bảo sự hài hòa giữa doanh thu từ vé lượt, vé tháng và chi phí đi lại giữa người sử dụng phương tiện xe buýt với các phương tiện khác.

So sánh về chi phí trợ giá, Sở GTVT Hà Nội cho biết đến năm 2023, thành phố có tổng cộng 132 tuyến buýt và khiến chi phí trợ giá tăng gấp 2,55 lần so với năm 2014. Do đó, việc áp dụng giá vé xe buýt từ 9 năm trước là không còn phù hợp.

Hơn nữa, đánh giá của đơn vị quản lý xe buýt, cơ cấu vé và giá vé hiện nay chưa phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014 mạng lưới tuyến có 72 tuyến và nhánh tuyến chưa phủ rộng khắp 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội, tuyến có cự ly dài nhất là 49,9 km.

Đến nay tại sau 9 năm thì mạng lưới các tuyến buýt có 132 tuyến phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05 km. Giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30km đến 60km có mức giá như nhau là chưa phù hợp với cự ly di chuyển của hành khách.

"Muộn, nhưng dù sao còn hơn là không tăng", TS Phan Lê Bình khẳng định.

Giá vé mới theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội:

Vé lượt, cự ly dưới 15 km có mức điều chỉnh thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25 km từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30 km từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40 km từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40 km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.

Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Cụ thể học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện 140.000 đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem