Có của ăn của để nhờ trồng thứ rau ưa "xê dịch", mau xanh tốt

Xuân Mai (Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch) Thứ bảy, ngày 08/02/2020 19:04 PM (GMT+7)
Cây rau nhút từ lâu đã không còn xa lạ với người dân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuy giá thành khá cao nhưng với mùi vị thơm đặc trưng, thân ăn giòn nên loại rau này rất được ưa chuộng. Cây rau này cũng giúp không ít hộ dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Bình luận 0

Thu 1 triệu đồng/ngày

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Đào Văn Hai (67 tuổi) - hộ trồng rau nhút tại ấp Trầu, xã Phước Thiền. Ông Hai có thâm niên trồng rau nhút gần 35 năm nên am hiểu về cách trồng sao cho loại rau này nhanh lớn và bán được giá.

Hiện, ông Hai đang trồng 0,7ha rau nhút, trung bình mỗi ngày ông thu được trên 50kg rau. Với giá bán rau nhút khoảng 22.000 đồng/kg, thu nhập của gia đình ông trên 1 triệu đồng/ngày.

img

 Ông Đào Văn Hai (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) đang bó rau nhút để giao cho thương lái. Ảnh: Xuân Mai

Cho biết về cách chăm sóc rau nhút để rau nhút xanh tốt, ông Hai nói: “Tùy theo tháng, nếu tháng nào nước bị nhiễm mặn thì sử dụng phân PK bón cho rau nhút. Nếu trời mưa thì dùng phân đạm (urê) để bổ sung chất dinh dưỡng cho ao rau. Còn trời mưa nhiều thì không cần bón phân vì nước mưa rất tốt cho rau nhút”.

Để rau nhút có không gian phát triển, người nông dân phải thường xuyên tỉa gốc và di chuyển gốc rau nhút, nên nhiều người nói đùa rau nhút này ưa "xê dịch". Mỗi gốc rau nhút cách nhau 1m để khi những đọt non lớn lên sẽ đan xen với nhau, dễ thu hoạch hơn.

Cách trồng rau nhút khá đơn giản. Đa phần người trồng đều lợi dụng mặt nước có độ sâu dưới 1m. Trước hết, người nông dân chọn những gốc rau khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, mỗi đoạn dài chừng 3 - 4cm và cắm sâu xuống đáy ao.

Nếu trồng rau nhút đúng kỹ thuật, môi trường nước sạch, chỉ sau 1 tháng là rau nhút sẽ phát triển, bò lan khắp mặt nước, bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, nếu nguồn nước bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn thì rau nhút không phát triển được. Nơi trồng phải có nước lưu thông liên tục để loại bỏ các chất gây ô nhiễm.

Với nhiều năm kinh nghiệm trồng rau nhút, ông Hai đã biết cách chăm sóc, xử lý môi trường nước giúp cho ao rau nhút phát triển quanh năm, mùa nào cũng có. Sau mỗi đợt hái rau nhút cần tiến hành phun phân bón lá nhằm giúp cây lấy lại sức và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây rau nhút mau ra đọt non.

Theo ông Hai, trồng rau nhút chi phí rất thấp, chủ yếu là mất công thu hoạch. Ông thu hoạch rau nhút theo đơn đặt hàng của khách. Khi cắt đủ số lượng yêu cầu thì nghỉ vì rau nhút không để lâu quá 1 ngày, lá rau dễ héo và khi bị ngả vàng sẽ rất khó bán.

Rau nhút của ông Hai được nhiều người biết đến nên thường đến nhà mua, số còn lại ông đem bán cho thương lái ở chợ đầu mối Long Thành. Dịp cuối tuần, số lượng rau nhút có thể tăng lên gấp đôi do các quán ăn và nhiều đám tiệc nên nhu cầu tiêu thụ rau nhút tăng cao.

Tạo việc làm, tăng thu nhập

Ngoài trồng lúa, gia đình ông Lê Văn Thường (ngụ ấp Trầu, xã Phước Thiền) cũng trồng thêm 0,3ha rau nhút. Nhờ trồng rau nhút, gia đình ông Thường có khoản tiền lời mỗi tháng từ 4 - 5 triệu đồng.

Theo ông Thường, trước đây, cũng tại ao trồng rau nhút ông đã từng trồng lúa, trồng sen và rau muống nhưng thấy số tiền thu được không đủ trang trải cuộc sống nên ông bàn với vợ chuyển sang trồng thử rau nhút.

Từ khi trồng rau nhút, thu nhập của gia đình ông cao hơn gấp 5-6 lần trồng lúa mà không tốn nhiều công sức. Ông  Thường đã quyết tâm gắn bó với loại rau này, từ đó đến nay đã được trên 30 năm. Để giảm độ mặn, hạn chế sử dụng phân bón, ông thường thả bèo trong ao rau nhút. Mỗi ngày, ông chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để cắt rau, thời gian còn lại ông làm ruộng, trồng sen và chăn nuôi bò.

Xã Phước Thiền được thiên nhiên ưu ái về mặt thổ nhưỡng nên đất ít bị nhiễm mặn hoặc nhiễm phèn, nhờ đó cây rau nhút có điều kiện phát triển tốt.

Qua tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch có khoảng trên dưới 10 hộ trồng rau nhút. Tại một số xã khác như Long Tân, Phú Hội cũng có nông dân trồng rau nhút nhưng diện tích không nhiều và chủ yếu trồng theo thời vụ. Tại các xã này, diện tích trồng rau nhút không lớn một phần là do lưu lượng nước, một phần do thổ nhưỡng chưa phù hợp.

Xã Phước Thiền được thiên nhiên ưu ái về mặt thổ nhưỡng nên đất ít bị nhiễm mặn hoặc nhiễm phèn, nhờ đó cây rau nhút có điều kiện phát triển tốt. Chính vì vậy nông dân trong xã Phước Thiền rất phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập ngoài trồng lúa và các loại cây trồng truyền thống khác. Thêm vào đó, nhu cầu loại rau nhút này vẫn còn lớn nên việc mở rộng diện tích trồng rau nhút là khả quan, cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 4-5 lần… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem