Cô gái bỏ nghề kế toán đi gieo lúa ruộng rươi, thu "vàng 10"

Anh Thơ Thứ ba, ngày 05/02/2019 14:30 PM (GMT+7)
Đang có một công việc bàn giấy nhẹ nhàng, vào một ngày đẹp trời, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy quyết định tìm một nơi thật lý tưởng để trồng lúa theo hướng hữu cơ và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ hạt gạo. Dù mới ra thị trường chưa lâu nhưng sản phẩm Gạo Ruộng Rươi đã được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Bình luận 0

Trồng lúa vì không muốn “ung thư dài hạn”

Đáng lẽ, Oanh sẽ mãi bình yên với vai trò kế toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nếu như không có một ngày bác sĩ thông báo chị bị tiểu đường thai kỳ với chỉ số đường huyết quá cao, phải điều trị dài ngày. Vậy là hạnh phúc của một người mẹ đi kèm với nỗi lo lắng về bệnh tật lúc nào cũng thường trực.

Điều đáng ngại là, sinh con xong, kết quả xét nghiệm không khả quan hơn, Oanh bị tiểu đường tuýp 2, nghĩa là chị phải sống với căn bệnh được coi là “ung thư dài hạn” này đến suốt cuộc đời.

img

 Chị Kiều Oanh kiểm tra mạ trước khi cấy ở ruộng rươi.  Ảnh: A.T

Trong tương lai không xa, Oanh muốn thương hiệu Gạo Ruộng Rươi được nhiều người biết đến, muốn tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ loại gạo này như bim bim, bánh gạo. “Nếu làm được điều đó, chắc chắn, lợi nhuận chia sẻ với nông dân sẽ lớn hơn rất nhiều” - Oanh khẳng định.

Trong suốt quá trình điều trị, Oanh được tiếp xúc với nhiều người bệnh, già có, trẻ có và nhìn thấy cả những biến chứng của bệnh ở họ. Nhưng trong thời gian này, chị nhận ra tác dụng của loại gạo lứt đối với những người bị bệnh tiểu đường.

“Nhưng hiện nay, nguồn thực phẩm, rau xanh, lương thực lại bị tồn dư hóa chất, kháng sinh rất nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ý tưởng phải tìm cho ra một nơi có thể sản xuất gạo sạch hình thành trong tôi từ đó” – Oanh nói.

Rất may khi chia sẻ ý tưởng này với gia đình, Oanh nhận được sự ủng hộ dù bố mẹ và chồng chị hết sức lo lắng. Vậy là hành trình đi tìm vùng đất lý tưởng để trồng lúa sạch của cô cử nhân kinh tế quê Ninh Bình bắt đầu.

Nhưng hành trình ấy lại không dễ dàng như Oanh tưởng, chị đi khảo sát rất nhiều nơi nhưng không tìm được địa điểm lý tưởng để thực hiện kế hoạch của mình. Rất may, trong lúc đang chán nản, Oanh được bạn bè giới thiệu cho những đầm nuôi rươi ở xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy, Hải Phòng). Mừng như bắt được vàng, Oanh lập tức về Ngũ Phúc và ngay khi đặt chân đến nơi này, chị biết, đây chính là nơi mình tìm kiếm bấy lâu.

Đó là những đầm nuôi rươi hoang sơ và thuần khiết, với thảm sinh vật tự nhiên phong phú, đa dạng, chứng tỏ chưa hề có dấu vết của thuốc diệt cỏ hay phân bón hóa học. Vậy là Công ty Cổ phần sinh thái Ruộng Rươi (Rueco) được Oanh thai nghén và hình thành từ những ngày tháng đó.

Lý giải cho lựa chọn của mình, Oanh bảo: “Từ bao đời nay người dân nơi đây vẫn để hạt lúa nảy mầm một cách tự nhiên ở bãi rươi này. Lúa và rươi cộng sinh với nhau để tồn tại và phát triển. Người dân nơi đây sống dựa vào ruộng rươi là chính nên họ phải giữ cho môi trường sống của rươi thật trong lành. Mỗi năm, bà con cấy một vụ lúa theo phương pháp tự nhiên, nghĩa là chỉ gieo cấy, còn lại không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nào để đảm bảo môi trường sống cho rươi. Nói cách khác, lúa ở đây chỉ để làm cảnh cho rươi sinh sống, tạo môi trường cho rươi phát triển".

Trước khi chia tay, tôi có hỏi Oanh về căn bệnh tiểu đường chị mắc phải, Oanh cười nhỏ nhẹ: “Nó đã được kiểm soát từ khi tôi lao vào dự án Gạo Ruộng Rươi”.

Sau khi liên kết với Hợp tác xã Thụy Hương thuê đủ diện tích ruộng mình cần (80ha), làm đầy đu các xét nghiệm mẫu đất, nước, tháng 4.2016, chị Oanh bắt đầu phối hợp với nông dân gieo những hạt mầm đầu tiên.

Trái ngọt từ vùng nước lợ

Nhưng bản thân Oanh cũng không lường hết được những khó khăn mình gặp phải khi ở nơi này, con rươi mới là thứ quan trọng, còn cây lúa chỉ xếp sau. Việc giải bài toán vừa giữ được môi trường sống cho rươi vừa đảm bảo năng suất lúa với Oanh không hề đơn giản. Ra sức thuyết phục bà con nông dân, đồng thời viện đến sự trợ giúp của các kỹ sư nông nghiệp, Oanh đã đưa được giống lúa thích hợp nhất vào gieo trồng.

Sau mấy tháng chị lăn lộn ngoài đồng ruộng như một nông dân thực thụ, cuối cùng mùa thu hoạch cũng đến. Mặc dù không mấy bất ngờ nhưng Oanh vẫn không khỏi lo lắng vì sản lượng lúa rất thấp - mỗi sào chỉ thu về khoảng 80-90kg thóc. Lúa được thu mua ngay tại đầu bờ, sau đó được đưa đến Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phơi sấy, bảo quản theo quy trình để giữ hạt thóc được lâu. Khó khăn tiếp theo Oanh vấp phải là lúa của chị khi xát ở máy thường tỷ lệ tấm quá lớn, hạt màu lại không tách được, Oanh phải  sang tận Nam Định mới có máy xát đủ tiêu chuẩn.

Tháng 7.2017, lần đầu tiên thương hiệu Gạo Ruộng Rươi xuất hiện trên thị trường. “Điều tôi vô cùng tự hào là sản phẩm của mình được sản xuất trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn với người sử dụng” – Oanh nói.

“Nhưng những khó khăn tôi gặp phải chưa là gì so với việc đưa sản phẩm của Rueco đi chinh phục thị trường. Tôi bắt đầu bằng việc cho người dân dùng thử sản phẩm. Cứ nghe nói ở đâu có lễ hội thực dưỡng, hội của những người ăn chay là tôi mang gạo đến biếu để mọi người ăn và cảm nhận. Rất may những phản hồi tích cực đã dần khiến Gạo Ruộng Rươi chiếm được lòng tin của mọi người” – Oanh kể.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, Oanh tập trung tạo chuỗi liên kết giữa chủ ruộng-ban quản lý nông nghiệp địa phương-các cộng đồng đam mê nông nghiệp sạch - doanh nghiệp để luôn có sự kiểm soát, thúc đẩy, cổ vũ tích cực. Bên cạnh đó cô không ngừng tìm tòi phát triển các sản phẩm gia tăng từ gạo ruộng rươi như: Bánh chưng, dấm gạo, bánh gai, chè lam…

Các sản phẩm này dù chỉ mới ra đời nhưng nhận được sự ủng hộ rất tích cực từ người tiêu dùng bởi lẽ không chỉ nguyên liệu chính an toàn mà các nguyên liệu phụ thêm cũng đảm bảo đồng bộ tiêu chuẩn.

Hiện mỗi năm Oanh thu được khoảng 160 tấn thóc từ những bãi nuôi rươi của xã Ngũ Phúc. Sản phẩm gạo lứt và gạo xát dối mang thương hiệu Gạo Ruộng Rươi đã dần có chỗ đứng tại các cửa hàng, hệ thống cung cấp thực phẩm sạch dù giá bán tương đối cao (khoảng 56.000 đồng/kg). Trên mỗi bao gạo khi đưa ra thị trường đều có tem nhãn ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc để tránh giả mạo.

Oanh cũng sử dụng hệ thống thương mại điện tử, mạng xã hội như một kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả. Sản phẩm của cô làm ra được cộng đồng những người ăn chay, người có nhu cầu dùng thực phẩm hỗ trợ chữa bệnh đánh giá cao.

Cho đến giờ, chặng đường khởi nghiệp của người phụ nữ nhỏ bé, hiền dịu này tạm gọi là thành công với những sản phẩm được thị trường tin tưởng. Oanh đang mơ ước có thể đưa sản phẩm của mình xuất ngoại. “Tôi đã từng mang Gạo Ruộng Rươi sang Nhật Bản và được đánh giá rất cao. Nhưng tôi chưa thể bán gạo sang đó, vì họ yêu cầu khối lượng lớn và ổn định” – Oanh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem