Cô giáo 9X cắm bản từng khóc suốt vì buồn

Cảnh Thắng Chủ nhật, ngày 06/03/2016 06:15 AM (GMT+7)
Nguyễn Thị Tám, cô giáo cắm bản quê ở thành phố Vinh chia sẻ: “Dạo đầu lên đây, em cũng khóc suốt, nhất là những hôm trời mưa. Buồn quá mà không điện, không sóng điện thoại, mạng Internet lại càng xa xỉ, về đêm mấy chị em chỉ biết ôm nhau nằm nói chuyện cho đỡ buồn...”.
Bình luận 0

Đi lại khó khăn, thiếu thốn đủ bề... là những gì mà các giáo viên ở điểm trường Pà Khốm, Trường Tiểu học Tri Lễ 2, huyện Quế Phong (Nghệ An) đang trải qua. Tuy nhiên, các thây cô giáo nơi đây vẫn quyết vượt qua tất cả để bám trường, bám bản gieo chữ cho các em học sinh...

Điểm trường cao trên 2.000m

Thầy Lê Văn Lâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 2 dẫn chúng tôi leo đèo, đi chừng 2km lên bản Pà Khốm nằm ở độ cao hơn 2.000m. Điểm trường nằm lọt giữa bản có 5 lớp học, với 87 học sinh. Lớp học được lợp bằng là cọ rừng, chung quanh là dãy hàng rào bằng tre đơn sơ, mộc mạc. Thầy Lâm cho biết: “Trường Tiểu học Tri Lễ 2 gồm điểm trường chính ở bản Minh Châu và 4 điểm trường lẻ, riêng Pà Khốm là nơi xa xôi, khó khăn nhất nên nhiều năm qua, nhà trường chỉ bố trí các thầy giáo vào cắm bản.

Nhưng năm học này, con đường vành đai biên giới miền Tây đã hoàn thành, đường đi đỡ vất vả hơn, nên có 3 cô giáo đã tình nguyện đến điểm trường khó cắm bản...”. Đó là 3 cô giáo trẻ Nguyễn Thị Yên (SN 1993), Nguyễn Thị Tám (SN 1991) và Trịnh Thị Trúc (SN 1992).

imgKhông có điện, các cô giáo tại đây lại tranh thủ soạn bài khi trời chưa tối.      ảnh:C.T

Nói là có con đường thuận lợi hơn, nhưng từ chân núi lên đến Pà Khốm, các cô vẫn phải gửi xe máy ở nhà dân và cuốc bộ. “Bọn em không dám đi, đường dốc, gập ghềnh quá. Chỉ có các thầy mới đi được thôi. Nhưng những hôm trời mưa, đường trơn thì chịu, ai cũng mang ủng leo bộ hết” - cô giáo Trịnh Thị Trúc kể.

Cô Trúc quê ở huyện Nam Đàn, tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Nghệ An năm 2013. Từ đó đến giờ, mỗi năm cô giáo trẻ chỉ về nhà đôi ba lần. Năm nay đứng lớp ở bản Pà Khốm, Trúc đã chững chạc hơn rất nhiều. Còn cô Tám quê ở thành phố Vinh thì chia sẻ: “Dạo đầu lên đây, em cũng khóc suốt, nhất là những hôm trời mưa. Buồn quá mà không điện, không sóng điện thoại, mạng Internet lại càng xa xỉ, về đêm mấy chị em chỉ biết ôm nhau nằm nói chuyện cho đỡ buồn...”.

Vượt qua chính mình…

"Học sinh phần lớn chưa hề tiếp xúc với tiếng Việt, bởi vậy, dạy cho các em cần phải hết sức kiên trì và chịu khó. Nhiều khi, cô nói trò chẳng hiểu, mà trò nói thì cô cũng không nghe được gì”. 
Cô giáo Nguyễn Thị Yến

Rời giảng đường, rời phố xa, quê hương thân thuộc với cuộc sống đầy đủ tiện nghi, để lên với bản làng vùng sâu vùng xa này, sinh hoạt của bà con quá khác biệt với những gì mà các cô giáo trẻ từng biết. Người dân ở đây vẫn nghèo, mải miết trên nương rẫy lo kiếm ăn từng bữa, việc học của con em phần nhiều phó mặc cho thầy cô. Điều kiện dạy học thiếu thốn đủ bề… Không chỉ phải vượt qua hoàn cảnh, mà các cô còn phải vượt qua chính mình để làm tròn vai trò giáo viên cắm bản.

Khác biệt ngôn ngữ là điều mà các cô giáo trẻ gặp khó khăn nhất khi nhận lớp. “Học sinh phần lớn chưa hề tiếp xúc với tiếng Việt, bởi vậy, dạy cho các em cần phải hết sức kiên trì và chịu khó. Nhiều khi, cô nói trò chẳng hiểu, mà trò nói thì cô cũng không nghe được gì. Những lúc như vậy, lại phải “cầu cứu” các thầy có kinh nghiệm đến phiên dịch” - cô giáo Nguyễn Thị Yên cho biết.

Giờ đây, các cô đã quen với cuộc sống yên tĩnh, với núi rừng. Sau giờ lên lớp, các cô đi vào bản chơi. Bà con trong bản, nhà ai có công việc gì, đám cưới, làm vía, ngày lễ đều mời thầy cô giáo đến dự. Qua đó, những cô giáo trẻ vừa tìm hiểu để biết thêm cuộc sống, sinh hoạt và văn hóa của bà con người Mông ở Pà Khổm và bắt đầu tập học tiếng bản địa, để có thể giao tiếp với học sinh và phụ huynh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem