Có một đường dây lừa chạy án?

Thứ tư, ngày 12/10/2011 06:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên quan đến vụ 3 thẩm phán của TAND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang bị tố cáo “chạy án”, ngày 11.10, ông Trần Ngọc Quang, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang cho biết, có thể đây là một đường dây chuyên lừa đảo “chạy án”.
Bình luận 0

Theo tố cáo của bà Nguyễn Thị Thủy (ngụ xã Long Bình, huyện Gò Công Tây): Bà quen với Phó Chánh án huyện Gò Công Tây Phan Thị Uyên trong một vụ kiện đòi nợ năm 2007 mà bà là nguyên đơn. Khi đó bà Uyên hứa sẽ xử thắng kiện và đề nghị bà Thủy “bồi dưỡng” 28 triệu đồng.

img
Bà Thủy - người mất gần nửa tỷ đồng vì bị lừa “chạy án”.

Sau khi thắng kiện và đòi được 105 triệu đồng, ngày 28.3.2007, bà Thủy cùng bà Hồ Thị Tuyết Nhung (bạn bà Thủy) chi đủ tiền cho bà Uyên. Ban đầu bà đem đến 20 triệu đồng, còn 8 triệu “xin nợ lại” nhưng bà Uyên không đồng ý nên phải chạy về lấy cho đủ số.

Cũng theo đơn tố cáo của bà Thủy, đến năm 2008, bà bị bà Lê Thị Hà (mẹ chồng) đòi lại đất ở. Sợ thua kiện, bà Thủy và bà Nhung lại tìm đến bà Uyên nhờ xử cho thắng kiện. Sau khi xem hồ sơ, bà Uyên nói vụ này 19 triệu đồng, chia cho các anh em chứ bà không hưởng một mình. Tuy nhiên, vụ việc cứ kéo nhùng nhằng nên số tiền bà Thủy chi cứ tăng dần theo thời gian và cuối cùng số tiền “chạy án” lên tới 314 triệu đồng.

Ngoài Phó Chánh án Uyên, bà Thủy còn biết thêm Thẩm phán Lê Thị Tám – người cùng bà Uyên thẩm định nhà đất vụ kiện của bà Thủy. Bà Thủy còn tố cáo các thẩm phán này liên tục điện thoại hỏi vay tiền của bà để giải quyết công việc gia đình. Lúc đầu vài ba triệu, Uyên và Tám giao trả đúng hẹn. Sau đó, số tiền vay tăng dần lên có lần 10 triệu, lần 20 triệu, có lần 40 triệu đồng, nâng tổng số tiền vay lên 164 triệu đồng.

Đến ngày 13.4.2010, tòa xử bà Thủy thua kiện. Lúc này, bà Chánh án Võ Thị Kim Loan “gợi ý” sẽ giúp thắng ở cấp phúc thẩm và đề nghị “mượn” 59 triệu đồng.

Bước đầu ông Trần Ngọc Quang - Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang nhận định, có khả năng đây là một đường dây lừa chạy án bởi tiền bà Thủy không đưa trực tiếp mà đều thông qua bà Hồ Thị Tuyết Nhung. Trong khi đó, bà Nhung lại khai rằng bà không trực tiếp đưa tiền mà lại thông qua một người chạy xe ôm (BKS 63F1-3701). Tuy nhiên khi tìm người chạy xe ôm để xác minh thì biển số xe này của một người ở thị xã Gò Công đã bị mất trộm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem