"Cởi trói" cho cà phê

Thứ hai, ngày 25/07/2016 14:15 PM (GMT+7)
Hạn hán, thiên tai gây thiệt hại khá nặng nề cho ngành cà phê trong niên vụ 2015-2016 và dự báo sẽ còn để lại di chứng cho niên vụ sau. Trong khi đó, việc dừng cho vay ngoại tệ với lãi suất thấp tạo khó khăn “kép” cho DN cà phê. Vì thế, khi được tháo gỡ khó khăn này, DN cà phê mừng ra mặt.
Bình luận 0

Khó khăn “kép”

“Chưa bao giờ ngành cà phê lại khó khăn vậy” là cảm nhận của ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa) khi nói về tình hình XK của ngành cà phê thời gian qua. Theo đó, ngay từ đầu vụ tức tháng 10 năm 2015, ngành cà phê đã phải đối mặt với tình hình khô hạn khắc nghiệt nhất trong 3 thập kỷ qua.

img

Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 5 tỉnh Tây Nguyên- vùng trọng điểm trồng cà phê, trong đó, tỉnh Đắk Lắk là tỉnh thiệt hại lớn, tiếp đến là Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum. Trong tổng số 165.000 ha cây công nghiệp nói chung trên các địa bàn thì cây cà phê chiếm 110.000 ha, trong đó có 40.000 ha chết khô.

Dù vậy, XK cà phê vẫn có sự tăng trưởng nhất định. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, XK cà phê trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 983.891 tấn đóng góp vào kim ngạch XK chung của cả nước 1,707 tỷ USD, tăng 39,6% về lượng và 17,8% về trị giá. Thị trường XK lớn nhất của Việt Nam là Đức đạt 159.873 tấn trong 6 tháng đầu năm với trị giá 264,34 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Mỹ với 127.983 tấn, trị giá 222,409 triệu USD, Italia (79.118 tấn, 132,96 triệu USD), Tây Ban Nha (62.646 tấn, 108,263 triệu USD), Nhật Bản (55.395 tấn, 101,596 triệu USD).

Ông Vinh cho biết, lượng cà phê XK tăng là do có lượng tồn kho từ năm cũ chuyển sang. Còn về giá, hiện tại đã có sự hồi phục so với thời điểm trước, giá cà phê đã nhích lên 37-38 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân là do “thủ phủ” cà phê Brazil cũng cùng chung cảnh ngộ giảm sản lượng khiến cho nguồn cung trên thế giới cũng giảm. Theo quy luật cung cầu, nguồn cung yếu thì tất lẽ giá sẽ nhích lên.

Không chỉ khó khăn do hạn hán, mấy tháng qua, DN cà phê như “ngồi trên đống lửa” khi Ngân hàng Nhà nước tạm dừng không cho vay ngoại tệ. Theo Vicofa, mấy năm trước, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho các DN XK cà phê, thủy sản… vay ngoại tệ lãi suất thấp. “Nhưng vừa qua, khi chuẩn bị vào mùa vụ thì có thông tin Ngân hàng Nhà nước không cho vay tiếp nguồn ngoại tệ.

Rõ ràng, DN càng khó khăn hơn”, ông Vinh nói. Còn theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Vicofa, những năm gần đây, trong ngành cà phê các DN lớn của nước ngoài đã gần như chiếm lĩnh phần lớn thị phần thu mua nguyên liệu. Họ tận dụng được nguồn vốn rẻ do vay từ các ngân hàng ngoại sau đó chuyển đổi sang tiền đồng để thu mua nguyên liệu trong nước. Vì thế các DN nội địa nếu không được vay USD sau đó chuyển sang tiền đồng để tiết giảm chi phí lãi thì hoàn toàn không thể cạnh tranh được ngay tại “sân nhà”.

"Cởi trói" vốn

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước dừng cho vay ngoại tệ, Vicofa đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị tạo điều kiện cho DN cà phê vay ngoại tệ lãi suất thấp bởi với ngành này chi phí để thu mua, chế biến nguyên liệu XK rất lớn và quay vòng nhanh chóng. Hơn nữa, Vicofa lập luận rằng, việc tiếp tục cho DN vay ngoại tệ lãi suất thấp là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Tin mừng cho DN cà phê là Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề xuất này. Đây có thể coi là một “cứu cánh” cho DN cà phê trong bối cảnh khó khăn như đã nói trên. “Cũng nhờ giải pháp này mà XK cà phê 6 tháng qua mới đạt kết quả tích cực như vậy”, ông Vinh chia sẻ.

Khi được hỏi về mục tiêu XK cà phê cả năm 2016, vị này cho hay, ngay từ đầu năm chúng tôi đã dự báo XK sẽ khó khăn bởi hạn hán kéo dài. Không chỉ sản lượng cà phê bị ảnh hưởng mà chất lượng cà phê cũng giảm khi nước không đủ cho nhân cà phê phát triển. 6 tháng đầu năm có tăng trưởng khả quan nên cả năm 2016 XK cà phê có thể tăng hơn năm 2015, dù không nhiều.

Để thực hiện được mục tiêu XK năm 2015, ngoài những biện pháp mà Vicofa đã thực hiện như kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, cải tạo hồ đập đối phó khô hạn, giãn nợ cho người trồng cà phê, ông Vinh cho biết thêm, các DN cà phê cũng mong muốn ngân hàng cải tiến các thủ tục tiếp cận vốn. Các địa phương đẩy mạnh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân để họ lấy đó làm tài sản thế chấp vay vốn, đồng thời, cần có chính sách tài chính ổn định cho DN yên tâm làm ăn. Kết hợp với các thương vụ nước ngoài để mở rộng thị trường cũng là một biện pháp giúp cho ngành cà phê có sự tăng trưởng ổn định trong 6 tháng qua.

Tuy nhiên, Vicofa vẫn mong các thương vụ hoạt động tích cực hơn để truyền thông tin về tới Bộ Công Thương, tới DN một cách kịp thời. Thực tế hoạt động chưa hiệu quả của các thương vụ ở nước ngoài cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra và yêu cầu Bộ Công Thương củng cố lại đội ngũ tham tán, thương vụ.

Phan Thu (Báo Hải quan)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem