Đại gia chân đất ở Yên Bái và trang trại 300ha, doanh thu 30 tỷ/năm

Hoàng Hữu Thứ ba, ngày 13/08/2019 13:05 PM (GMT+7)
Về xã Đông An, huyện Văn Yên (Yên Bái) nhắc đến cái tên Ngô Thành Đông có lẽ ai cũng biết, bởi lẽ ông là một người nông dân có nhiều đất đồi rừng (300ha), tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Riêng bưởi mỗi năm ông Đông bán ra 1.200 tấn; chanh xuất khẩu hơn 1.000 tấn.
Bình luận 0

Clip: “Vua rừng” đất quế và mong muốn xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín

Như đã hẹn trước, PV Báo điện tử DANVIET.VN có mặt tại gia đình ông Ngô Thành Đông, có địa chỉ tại thôn Đức An, xã Đông An, huyện Văn Yên (Yên Bái). Trong khuôn viên rộng hàng chục nghìn mét vuông, 2 ngôi nhà 3 tầng hiện lên nổi bật, cạnh đó là khu nhà xưởng chế biến tinh dầu quế, khu tập kết nguyên liệu với hàng trăm công nhân đang miệt mài sản xuất.

Ấn tượng đầu tiên về người đàn ông sinh năm 1970 này là giọng nói trầm vang, quyết đoán cùng những góc cạnh của sự từng trải và cương trực. Sau chén nước, dăm ba câu làm quen, giới thiệu, chúng tôi được đưa đi thăm mô hình trang trại đồi rừng rộng mênh mông trên chiếc xe bán tải 2 cầu và 1 lần tăng bo bằng xe máy.

Vượt qua hơn 3km đường đồi rừng, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi hàng trăm ha đất cằn cỗi đã được phủ xanh bằng các giống quế, bưởi, cam, chanh…Dừng chân tại một ngôi nhà sàn được dùng làm lán cho người lao động ăn nghỉ, sinh hoạt, chúng tôi bắt gặp hơn 10 công nhân đang tranh thủ bọc túi lưới bảo vệ những chùm bưởi trĩu cành. Anh Nguyễn Văn Lợi, quê Yên Lập, Phú Thọ cho biết: “Tôi gắn bó ở đây đã hơn 6 năm vì việc đều quanh năm và thu nhập ổn định. Khu vực này trồng bưởi 5 năm nay đã bắt đầu cho thu hoạch, còn bên kia làm cam và trên kia là quế”.

img

300ha đất đồi rừng của gia đình ông Đông đã được phủ kín bằng quế và các loại cây ăn quả. Ảnh: Hoàng Hữu

Thấy PV Báo điện tử DANVIET.VN hỏi chuyện nhân công, ông Đông xen vào: “Đây là giống bười Đông Yến” (tên 2 vợ chồng ông) rồi tủm tỉm cười. Qua câu chuyện, tôi biết ông không chỉ nói vui như vậy, bởi dự tính của ông là sẽ xây dựng thương hiệu riêng cho các loại cây ăn quả có trong vườn, mà trước hết là bưởi. Ông Đông cho biết, hiện nay riêng bưởi bình quân mỗi năm gia đình thu 1.200 tấn quả.

img

Ông Đông hướng dẫn nhân công chăm sóc và chọn chanh quả xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Hữu

Trên đường ra, chúng tôi vượt con dốc cao dựng đứng lên khu lán số 2. Lúc này, hơn 50 nhân công đang nghỉ ăn trưa, không khí vui tươi, ấm cúng như đại gia đình. Anh Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Hôm nay còn ít đấy, có hôm cả trăm người làm, mà ông Đông cho nhân công làm cỏ thủ công chứ không phun thuốc gì đâu. Chính vì vậy, cả trăm người làm cả năm cũng không hết việc. 300ha rừng, làm chưa xong đồi này thì đồi khác lại có việc rồi, đấy là chưa kể vào mùa thu hoạch còn lên đến vài trăm người...”.

img

Với hàng chục ha chanh thì mỗi năm trang trại của ông Đông xuất khẩu được 1.000 tấn quả tươi. Ảnh: Hoàng Hữu

Theo quan sát của PV Báo điện tử DANVIET.VN, khu vực này được ông Đông dành phần đa diện tích để trồng chanh tứ quý xuất khẩu. Quả được chọn lọc kỹ càng rồi đóng vào thùng xốp ướp lạnh chờ đủ số lượng là chở thẳng sang Trung Quốc. Theo tính toán, với hàng chục ha chanh tứ quý thì mỗi năm trang trại của ông Đông xuất khẩu được 1.000 tấn quả tươi, thu về hàng tỷ đồng. Được biết, hiện nay ông Đông có khoảng 300ha đồi rừng, trong đó 146ha ông dùng để trồng quế, 150ha trồng cây ăn quả bao gồm bưởi, cam, chanh, còn lại là các cây trồng khác.

Rời khu trang trại trồng cây, chúng tôi trở về xưởng chế biến tinh dầu quế của ông Đông. Dù đã quá trưa nhưng các kíp công nhân vẫn miệt mài sản xuất cho ra những mẻ tinh dầu quế vàng óng. Ông Đông cho biết: “Xưởng chế biến tinh dầu quế của chúng tôi hoạt động 3 ca liên tục trên ngày với công suất khoảng 20.000 tấn lá quế một năm”.  

img

Xưởng chế biến tinh dầu quế hoạt động 3 ca liên tục trên ngày với công suất khoảng 20.000 tấn lá quế một năm. Ảnh: Hoàng Hữu

Qua trao đổi, ông Đông cho PV Báo điện tử DANVIET.VN biết, ngoài việc duy trì ổn định các diện tích cây trồng và xưởng chế biến tinh dầu quế, thời gian tới ông ấp ủ xây dựng các chuỗi siêu thị mini rau quả sạch, có nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm rõ ràng. Các sản phẩm từ nông trại và của người dân được qua xử lý hữu cơ hoàn toàn không có chất bảo quản đồng thời đưa vào nhà lạnh nếu chưa xuất đi tiêu thụ.

Cùng với đó, ông Đông cũng đưa ra các giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; liên kết thu mua nông sản của người dân và người có nhu cầu phân phối sản phẩm cũng như thuê mặt bằng để lắp đặt các trang thiết bị để mở siêu thị.

Ông Đông cho biết: “Sắp tới tôi trồng thêm 20ha rau sạch kết hợp với việc đăng ký chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc cho các loại quả của trang trại tiến tới mở chuối siêu thị mini trong tỉnh, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất hiện nay là thiếu nguồn lực, mặt bằng để triển khai cũng như cơ sở pháp lý để thực hiện”.  

img

Chân dung ông Ngô Thành Đông, xã Đông An, huyện Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu

Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Đông An, mô hình trang trại trồng cây ăn quả, trồng quế kết hợp xưởng chế biến tinh dầu quế của gia đình ông Đông hàng năm cho tổng thu nhập khoảng 30 tỷ đồng/năm đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm người với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Đánh giá về vị “Vua rừng” này, ông Hoàng Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Đông An, huyện Văn Yên cho biết: “Anh Đông là người năng động, luôn đi tắt đón đầu và áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Không chỉ hoạt động, sản xuất hiệu quả, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao dộng địa phương, anh Đông còn tham gia tích cực trong các hoạt động xóa đói giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa tại địa phương”.

Ông Hoàng Xuân Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: “Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là 1 trong 3 phong trào trọng tâm của các cấp hội. Tại tỉnh Yên Bái hằng năm có từ 50% số hộ hội viên nông dân đăng ký hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế điển hình trong nhiều lĩnh vực, trong các gương điển hình đó tiêu biểu là hộ hội viên Ngô Thành Đông, thôn Đức An, xã Đông An, huyện Văn Yên. Qua mô hình này có thể khẳng định nông dân nếu đã dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư thì sẽ tạo ra hiệu quả trong sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, từ đó thành lập các HTX, các doanh nghiệp và liên kết với các doanh nghiệp khác để sản xuất ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn từ đó tham gia và tạo thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm”.

img

Ông Hoàng Xuân Long, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu

Với những gì đã, đang làm được, ông Nguyễn Thành Đông đã vinh dự được Hội đồng Bình chọn chung khảo bình chọn là một trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem