Vào ngày 11.12.2014 tới, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ chào bán 128.951.300 cổ phiếu, tương đương 24,36% vốn điều lệ, ra thị trường với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phần. Thông tin này được ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc PVCFC (thương hiệu Đạm Cà Mau), công bố tại buổi Hội thảo cơ hội đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp này vào chiều 25.11 tại TPHCM.
Ký kết hợp tác Đạm Cà Mau và Bảo vệ thực vật An Giang.
3 năm qua, PVCFC luôn đạt sự tăng trưởng ổn định. Nếu năm 2012 công ty sản xuất và tiêu thụ 446.000 tấn, doanh thu đạt 4.076 tỷ đồng, thì bước sang năm 2013, mặc dù thị trường có nhiều khó khăn và nguồn cung trong nước vượt cầu nhưng công ty vẫn tiêu thụ được gần 750.000 tấn, doanh thu đạt 6.259 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 525,2 tỷ đồng. Tính đến 9 tháng đầu năm 2014, Đạm Cà Mau đã đưa ra thị trường hơn 590.000 tấn, doanh thu đạt 4.282 tỷ đồng.
Là một doanh nghiệp còn khá non trẻ của PVN, nhưng thương hiệu Đạm Cà Mau đã nhanh chóng trở thành người bạn đồng hành của nông dân ĐBSCL, nơi có hơn 4 triệu ha đất trồng lúa, tiêu thụ phân bón nhiều nhất nước. Chưa tới 3 năm, Đạm Cà Mau đã nhanh chóng chiếm thị phần phân đạm khu vực này, từ 20% lên 45% rồi 55% hiện nay.
Sau ĐBSCL, Đạm Cà Mau mở rộng thị phần sang miền Đông Nam Bộ, thủ phủ của các loại cây cao su, cà phê, tiêu, điều... Nhu cầu tiêu thụ phân đạm ở miền Đông Nam Bộ thấp hơn nhưng lại cạnh tranh cũng gay gắt hơn với các sản phẩm của Trung Quốc. Thế nhưng, Đạm Cà Mau vẫn chen vào được và chiếm 25% thị phần.
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - Trường ĐH Cần Thơ, sở dĩ PVCFC đạt được thành công đó, là do sản phẩm urê hạt đục của PVCFC, lần đầu tiên sản xuất tại Việt Nam, có nhiều ưu điểm vượt trội như hạt to tròn đều, ít bụi, phân giải chậm, giúp cây xanh bền, tiết kiệm phân và dễ phối trộn với các loại phân bón khác để bón kết hợp. Cùng với lợi thế được kế thừa thương hiệu của PVN, chính sách kinh doanh hợp lý, thương hiệu Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng đang ngày càng được nhiều người biết đến và được bà con nông dân tin dùng.
Với công suất sản xuất 800.000 tấn/năm, để giải bài toán dư cung, Đạm Cà Mau bắt đầu tính đường tấn công ra thị trường nước ngoài. Trước tiên là Campuchia, Đạm Cà Mau đã nhanh chóng chiếm thị phần lên 35%. Sau đó, công ty tiếp tục thử sức ở đất nước Thái Lan, Philippines, Bangladesh, rồi Hàn Quốc. Dự kiến, năm nay, Đạm Cà Mau sẽ xuất khẩu khoảng 100.000 tấn urê.
Về lâu dài, giải pháp căn cơ hơn mà PVCFC đề ra là đa dạng hóa sản phẩm. Theo đó, ngoài sản phẩm chính là hạt đạm vô cơ, sắp tới Đạm Cà Mau sẽ nghiên cứu đưa ra loại sản phẩm mới là hạt hỗn hợp có vỏ bọc bên ngoài có tác dụng trả lại chất dinh dưỡng cho đất, giúp cây trồng xanh lâu, đem lại lợi nhuận cao hơn và bền vững cho người nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.