Đáng sợ những cái chết “ngạt thở” vì bệnh bạch hầu

Diệu Linh-D.V (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 15/07/2016 16:22 PM (GMT+7)
Tỉnh Bình Phước đã công bố dịch bệnh bạch hầu sau khi 47 người mắc đang điều trị tại bệnh viện trong đó 3 người đã tử vong. Theo các bác sĩ, bệnh bạch hầu có thể gây màng trắng bịt kín họng khiến bệnh nhân nghẹt thở và tử vong nhanh chóng.
Bình luận 0

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư), bạch hầu đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện giả mạc màu trắng (màng trắng xám) ở thanh quản, hầu họng. Các màng trắng xuất hiện sau khi người bệnh có các triệu chứng mắc bệnh 2-3 ngày (sốt, đau họng nhẹ, khàn tiếng, chán ăn).  

Những màng trắng này lan rất nhanh, có thể chỉ sau vài giờ xuất hiện và bịt kín đường hô hấp. Nếu không được cấp cứu thì bệnh nhân tử vong rất nhanh.

“Không ít người tìm cách chọc thủng màng trắng này tuy nhiên màng thịt dai nên khi chọc thủng gây đau đớn, chảy máu. Đồng thời màng sẽ mọc lan liên tục nên chọc màng này lại có màng khác nên không có tác dụng khơi thông hô hấp.

Cách làm duy nhất là mở khí quản “giải phóng” đường thở nhưng kỹ thuật này chỉ có cán bộ y tế mới làm được” – bác sĩ Cấp cho biết.

Ngoài ra, bệnh bạch hầu còn gây các biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, gây rối loạn nhịp tim. Một số bệnh nhân còn bị viêm dây thần kinh ngoại biên gây liệt hoặc viêm phổi. Tỷ lệ tử vong của bệnh này từ 10-20%.

Theo bác sĩ Cấp, điều trị bệnh bạch hầu chỉ cần dùng kháng sinh và tiêm huyết thanh để tiêu trừ độc tố. Nếu phát hiện và điều trị sớm thì bệnh nhân bị bạch hầu sẽ khỏi hẳn mà không để lại di chứng gì.  

img

Tiêm phòng đầy đủ giúp người dân sẽ phòng được nhiều bệnh trong đó có bạch hầu. Ảnh: Tuấn Kiệt

Theo PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trước đây, bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến, khiến nhiều người tử vong. Bệnh bạch hầu ám ảnh nhiều người dân do nguy cơ “ngạt thở mà chết” khi các màng trắng bịt cổ họng. Tuy nhiên, khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh đã được đẩy lùi. Hiện chỉ còn ghi nhận vài ca lẻ tẻ ở các tỉnh miền núi.

Trước đó, trong buổi họp báo ngày 14.7 về dịch bệnh bạch hầu diễn ra tại tỉnh Bình Phước từ đầu tháng 7, ông Nguyễn Đồng Thông - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước - cho biết trên báo Tuổi trẻ: Đây là lần đầu tiên bệnh bạch hầu xuất hiện tại tỉnh này, đối tượng mắc bệnh chủ yếu từ 6 đến 26 tuổi.

Cũng theo ông Thông, hiện tại chưa thể khẳng định được thời gian chính xác để dập tắt ổ bệnh này vì đây là ổ bệnh diễn biến phức tạp.

Ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cũng cho rằng dịch vẫn đang khu trú tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú mà chưa lan rộng ra các huyện và tỉnh thành lân cận.

Viện cũng đề nghị Sở Y tế Bình Phước cử cán bộ về tăng cường cho Thuận Lợi và Thuận Phú (nơi có 3 người chết do bạch hầu vừa qua), triển khai tiêm văcxin ngừa bạch hầu cho 9.000 người trong nhóm 6-26 tuổi của 2 xã, nhóm trẻ 18-48 tháng tuổi và dưới 18 tháng tuổi sẽ được tiêm vét văcxin có thành phần ngừa bạch hầu. Việc tiêm ngừa và tiêm vét này sẽ triển khai từ hôm nay 15.7.

Trong đợt tiêm và tiêm vét lần này, mục tiêu tối thiểu là 95% đối tượng được tiêm ngừa đủ mũi, đặc biệt tại khu vực vùng sâu vùng xa. Nếu không, bệnh bạch hầu vẫn có thể quay lại và xuất hiện ngay tại TP.HCM.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 năm gần đây thì ngay năm 2005-2006 TP.HCM vẫn có tới hàng chục trường hợp mắc bạch hầu, khu vực Đông Nam bộ cũng có số ca mắc rải rác dù không nhiều. Nhưng nếu tỉ lệ tiêm chủng giảm sâu và tiêm không đủ 4 mũi cơ bản cho trẻ trong độ tuổi, bệnh hoàn toàn có thể xuất hiện trên diện rộng tại địa bàn dân cư đông.

Bệnh bạch hầu nếu xuất hiện ca bệnh thì rất nguy hiểm do bệnh dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác. 

 “Sau khi tiếp xúc với nguồn lây, người mang vi khuẩn bạch hầu thường ủ bệnh từ 1-10 ngày (thường là từ 2-5 ngày), sau đó gặp các triệu chứng: sốt cao, da xanh tái, mệt mỏi, sau đó xuất hiện các giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, cũng có thể xuất hiện màng ở kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Người bệnh cần được đưa đi cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời” – bác sĩ Nguyễn Trung Cấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem