Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, chị Linh Phan - chuyên gia tư vấn nuôi dạy trẻ (parenting coach), hiện đang sống, làm việc tại Na Uy, mẹ của 2 bé Ốc và Sò đã có những quan điểm dựa trên kinh nghiệm và các nghiên cứu khoa học.
Chị Linh Phan cùng cậu con trai. Ảnh: NVCC
Đánh đòn - hình thức kỷ luật lỗi thời và phản tác dụng
Thưa chị, gần đây, báo chí đưa tin nhiều về sự việc cha đánh con chảy máu tay vì ăn trộm tiền, chơi game, hay chôn sống con vì con hư không dạy được. Hiện nay, roi vọt hay la mắng cũng là cách dạy con phổ biến của cha mẹ Việt Nam. Theo chị, tại sao bố mẹ Việt Nam vẫn thường sử dụng cách này để dạy con? Chị đã bao giờ tư vấn cho những trường hợp tương tự như nêu trên?
- Không chỉ cha mẹ ở Việt Nam mà ở nhiều nước châu Á và thậm chí một số nước phương Tây, như Mỹ vẫn còn áp dụng hình thức kỷ luật nặng nề này.
Trong số các phụ huynh tôi từng làm việc có cả những cha mẹ là người nước ngoài đến từ Canada, Đức, Ba Lan, Thái Lan… chứ không chỉ có cha mẹ Việt và cũng có những trường hợp từng đánh phạt con nặng nề tuy nhiên chưa từng có ai đánh con tới chảy máu hoặc "chôn sống".
Đánh đập trẻ vẫn được nhiều cha mẹ ưa chuộng sử dụng bởi nó có hiệu quả "ngay lập tức", giúp ngăn chặn hành vi sai trái tại thời điểm đó hoặc gợi lên phản ứng cảm xúc mạnh mẽ của trẻ. Nhưng nó không thúc đẩy để hành vi tốt hơn và không hiệu quả về mặt lâu dài.
Có 2 trường hợp xảy ra khi cha mẹ sử dụng việc đánh đập thể xác để kỷ luật con:
Thứ nhất, họ không biết rằng đây là một hình phạt gây bất lợi cho sự phát triển và ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ vì họ cho rằng: "Ngày xưa tao bị bố đánh suốt có sao đâu".
Thứ hai, họ không biết cách nào để kỷ luật con tốt hơn nếu không đánh.
Theo chị quan điểm "thương cho roi vọt" còn phù hợp với nền giáo dục hiện đại? Và dạy con bằng roi vọt mang lại những hậu quả tiêu cực như thế nào đối với trẻ nhỏ?
- Đây là hình thức kỷ luật lỗi thời và phản tác dụng với sự phát triển của trẻ. Với trẻ em mà nói, một lần bị đánh đau có thể ám ảnh cả đời và khi lớn lên nhiều người vẫn còn nhớ về những trận đòn thời thơ bé.
Tâm sinh lý của trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực sau mỗi trận đòn roi của cha mẹ. Ảnh minh họa: (Nggosships.com)
Có đánh đòn con hay không, lựa chọn vẫn là ở bố mẹ, tôi xin chỉ ra những tác hại khi đánh đòn để bố mẹ cân nhắc và kiểm soát hành vi cũng như cảm xúc:
Thứ nhất, roi vọt sẽ là nguyên nhân dẫn tới hành vì hung hăng của con. Khi bị đánh đòn, con sẽ đánh và cắn lại những đứa trẻ khác, trở thành kẻ bắt nạt người khác khi chơi cùng và có những phản ứng bạo lực khi trưởng thành.
Thứ hai, đánh con có thể dẫn tới sự nổi loạn, chống đối và tham gia vào nhiều hành vi nguy hiểm một cách bất cần, liều lĩnh ở tuổi trưởng thành.
Thứ ba, phương pháp này có thể là nguyên nhân dẫn tới những rối loạn về cảm xúc và tình cảm, như là bị lo lắng, trầm cảm và lạm dụng chất cấm khi trưởng thành.
Tiếp đến, hình thức đòn roi sẽ khiến các con trở nên dối trá và lừa lọc, tìm kiếm mọi cách để tránh bị trừng kể cả có phải nói dối.
Bên cạnh đó, nó cũng ảnh hưởng tới một số vấn đề tâm sinh lý khác như rối loạn chức năng tình dục, hay lạm dụng tình dục khi trưởng thành.
Thay vì đòn roi, theo chị, đâu mới là phương pháp phù hợp và hiệu quả đối với những lỗi lầm của trẻ?
- Nhiều chuyên gia về tâm lý trẻ nhỏ và làm cha mẹ trên khắp thế giới đều đã khuyến khích cha mẹ nên áp dụng hình thức kỷ luật tích cực - tức là không trừng phạt trẻ về thể xác.
Không có một ai dám khẳng định cụ thể thì hình thức kỷ luật trẻ nào là hình thức tốt nhất, nhưng miễn không phải là đánh đập, tát, dùng vũ lực với trẻ thì đều tốt hơn.
Nếu cha mẹ có thể đạt được một mối quan hệ như vậy, trẻ sẽ có sự tuân thủ và hành vi tốt mà không cần trừng phạt thân thể, bên cạnh sự giao tiếp cởi mở, tin tưởng và nỗ lực vì một mối quan hệ tích cực.
Khi có thể, cha mẹ nên coi trẻ làm trung tâm và thực hiện những gì trẻ muốn bởi vì sự hợp tác đòi hỏi sự cho và nhận từ cả 2 phía. Bằng cách này, trẻ sẽ học cách hợp tác với niềm vui, hạnh phúc mà không sợ bị trừng phạt hay chờ vào động lực của phần thưởng.
Cách tiếp cận này cũng không có nghĩa là cha mẹ làm mọi thứ con muốn hay cho phép chúng làm bất cứ điều gì. Cha mẹ chỉ cần duy trì những kỳ vọng phù hợp với lứa tuổi của trẻ và phải chấp nhận rằng trẻ cần nhiều năm mới có thể học cách tự điều chỉnh các cảm xúc, hành vi của mình.
Tách con ra khỏi tình huống - nhìn nhận lại - kết nối
Bằng kiến thức cũng như kinh nghiệm của một chuyên gia tư vấn nuôi dạy trẻ, chị cho rằng để dạy con hư hiệu quả mà không cần đòn roi, cha mẹ cần điều chỉnh nhận thức, thái độ như thế nào?
- Tôi cho rằng cha mẹ ngày nay cần có những hiểu biết cơ bản về sự phát triển nhận thức và tâm lý bình thường của trẻ để không bị lúng túng hay hiểu lầm trước những hành vi của con.
Với các con, chị Linh luôn cố gắng là một người bạn đồng hành và thấu hiểu. Ảnh: NCVV
Chẳng hạn có rất nhiều phụ huynh luôn lo lắng thái quá và hỏi tôi "Con em (18 tháng) cứ liên tục đánh anh/chị em hoặc đánh cắn bạn, em đã giải thích thậm chí đánh phạt con mà con vẫn không cải thiện" trong khi trẻ 18 tháng có hành vi đánh cắn là hoàn toàn bình thường và thậm chí khá phổ biến.
Có một vài điều nhỏ tôi muốn chia sẻ với các cha mẹ, nhất là khi con mình có hành vi sai trái, đó là hãy: tách con ra khỏi tình huống - nhìn nhận lại - kết nối.
Bước 1: Tách biệt con ra khỏi tình huống.
Tranh cãi, mắng mỏ, đánh đập làm trẻ cảm thấy bị ngắt kết nối với cha mẹ. Bản thân cha mẹ cần là người bình tĩnh trước, trước khi muốn con bình tĩnh vì chúng ta thành thục kỹ năng này hơn con. Khi nào cảm thấy sẵn sàng và bình tĩnh, chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 2: Nhìn nhận lại.
Cùng con suy ngẫm, thảo luận về những gì đã xảy ra, có thể hỏi con 3 câu hỏi:
"Con đã làm gì sai?"
"Tại sao nó lại bị coi là sai?"
"Lần sau con có làm khác đi không?"
Khi con cư xử không tốt, cần cho con thấy hậu quả và chắc chắn hậu quả phải phù hợp với hành vi chưa đúng:
Mức độ nhẹ: chỉ cần nhìn nhận và kết nối.
Mức độ trung bình: yêu cầu con làm thêm công việc nhà, lao động công ích.
Mức độ nghiêm trọng: lấy đi 1 đặc quyền nào đó.
Bước 3: Kết nối.
Hãy chắc chắn sự kết nối giữa con và cha mẹ không bị phá vỡ. Chúng ta có thể có thể xác nhận cảm xúc, ôm con, nói yêu con và tin vào khả năng đưa ra quyết định đúng đắn vào lần tiếp theo.
Xin cảm ơn chị!
Chị Linh cùng chồng và 2 con hiện đang sinh sống tại Na Uy. Ảnh: NVCC
"Lúc con trai tôi 13 tháng tuổi, tôi và chồng từng bị cảnh sát thuộc Ban bảo vệ trẻ em Na Uy gọi lên làm việc vì họ nhận được một báo cáo có nghi ngờ chúng tôi bạo hành con mình.
Câu chuyện chỉ đơn giản là chúng tôi cho con trai đi học bơi, một trong các phụ huynh ở đó đã hiểu lầm rằng những vết bớt trên lưng, đùi của con là vết bầm tím vì bị bạo hành (vì trẻ phương Tây không có các vết bớt này khi sinh ra). Vì thế họ đã âm thầm báo cáo với Ban bảo vệ trẻ em.
Câu chuyện nhỏ này có lẽ cũng đủ để phản ánh được một phần bối cảnh việc thực thi quyền trẻ em ở Na Uy được thực hiện nghiêm túc như thế nào. Nó không phải chỉ là câu chuyện cá nhân từng cha mẹ phải thay đổi nhận thức và hành vi, mà quan trọng là cả xã hội cùng phải có chung nhận thức cũng như chung tay để cùng hành động - và hành động một cách thực sự chứ không phải là hời hợt.
Tôi vốn tin rằng, không có đứa trẻ hư, chỉ có hành vi chưa đúng mực. Và một đứa trẻ không bao giờ cần đòn roi mới có thể lớn lên hay trưởng thành tử tế".
Chị Linh Phan - tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi con kiểu Bắc Âu" và "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.