Danh họa Lê Bá Đảng qua đời: Chim bay về tổ, cá lội về nguồn...

Thứ ba, ngày 10/03/2015 09:14 AM (GMT+7)
Sự ra đi của danh họa Lê Bá Đảng (26.7.1921 - 7.3.2015) là niềm tiếc thương của họa giới quốc tế, vì toàn cầu có hơn 60 phòng tranh chính thức bán tác phẩm của ông, còn gián tiếp và cả “vỉa hè” hạng sang thì nhiều vô hạn.
Bình luận 0

Đó là về thị trường, còn về họa pháp, khái niệm “không gian Lê Bá Đảng” từ lâu đã hiện diện trong tâm trí của giới nghiên cứu và theo dõi mỹ thuật thế giới. Nhưng sâu thẳm và riêng biệt hơn cả, dù đã “bơi” thong dong trong biển lớn, Lê Bá Đảng vẫn luôn muốn “về tắm” ao nhà.

“Tôi qua lại nhiều nơi, nhà cửa chọc trời, xe cộ nghênh ngang, con người đầy áo, đầy quần, đầy các thứ đắt đỏ, tiền trăm bạc vạn. Bao nhiêu hình ảnh đó chỉ đi qua con mắt mà thôi, chẳng bao giờ thay thế được xứ đồng khô cỏ cháy ở quê tôi, trong tim tôi… Có lẽ trên đời này chưa có gì là thực, là hay, như chim bay về tổ, cá lội về nguồn”, Lê Bá Đảng từng tâm sự.

Triển lãm độc nhất vô nhị

Với một cuộc đời 94 năm (thọ 95 tuổi), hơn 70 năm làm nghệ thuật liên tục, thành quả và thể nghiệm rất đồ sộ, một bài viết ngắn về Lê Bá Đảng thật khó mà bao quát. Các tin tức và bài viết của báo chí quốc tế cũng từng nói đến điều này, và chắc chắn sẽ còn nhắc lại trong những ngày tới.

Về dấu ấn nghệ thuật, từ khoảng 1964 đến 1991, Lê Bá Đảng đã tạo ra 15 sự kiện sáng tạo đáng nhớ, mà từ giới nghiên cứu, đồng nghiệp, báo chí và người xem vẫn còn nhắc lại với nhiều thông tin, góc nhìn riêng. Ví dụ như năm 1978, ông là người thiết kế trang phục và thiết kế sân khấu cho vở opera Mỵ Châu - Trọng Thủy tại Nhà hát opera Quốc gia Paris. Năm 1985, ông sáng tạo ra khái niệm “không gian Lê Bá Đảng” bằng nhiều tác phẩm thuyết phục…

img

Danh họa Lê Bá Đảng qua góc nhìn của họa sĩ Phan Nguyên

Riêng triển lãm cá nhân, theo thống kê chưa đầy đủ, từ 1950 cho đến 2006, ông đã làm khoảng 105 lần, trong đó có nhiều triển lãm vòng quanh nhiều các thành phố tại Mỹ, Nhật… Thế nhưng triển lãm mà ông mong muốn và hài lòng nhất lại diễn tại làng Bích La Đông (Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị) hồi 25-26.3.1992 - nơi chôn nhau cắt rốn. Dân ở làng này vẫn còn kể với nhau về triển lãm lạ trước sân đình này, điều mà họ chưa bao giờ thấy trước đó. Theo Lê Bá Đảng thì đây là cách để ông kính dâng lên tổ tiên, để tri ân gia tộc, gia đình, bà con và xóm làng. “Được như vậy, thì giấc mơ quê hương mới vẹn toàn”, ông nói.

Họa sĩ Lê Thanh Trừ mô tả trên Lao động ngày 9.4.1992 như sau: “Các cụ già áo dài đen khăn xếp, thanh niên nam nữ và thiếu niên nhi đồng ăn mặc quần áo mới, đẹp, nhiều màu sắc đến dự lễ khai mạc triển lãm. (…). Hàng trăm văn nghệ sĩ từ Hà Nội, Huế, TP.HCM, Quảng Nam - Đà Nẵng xa xôi về đây chào mừng người nghệ sĩ tài năng lớn của Việt Nam và thế giới”. Thời đó, họa sĩ Bùi Quang Ngọc, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo… cũng đã có những bài viết giới thiệu về triển lãm đặc biệt này.

“Với triển lãm lần này của tôi tại quê nhà, tôi thấy rõ rằng: Dù quê nghèo nhưng vẫn có thể làm ra cái đẹp - đó là môn phái của tôi. Xưa nay, không có gì tồn tại lâu bền bằng văn hóa và nghệ thuật cả. Đó là tất cả những suy nghĩ của tôi nhắn đến các họa sĩ trẻ”, Lê Bá Đảng chia sẻ về triển lãm này trên Mỹ thuật thời nay, số 20, tháng 4.1992.

img

Một tác phẩm trong bộ tranh Phong cảnh bất khuất của Lê Bá Đảng - một ví dụ về khả năng nối được nhịp cầu Đông - Tây.

Cân bằng được tiền và nghệ thuật

“Từ 18, 19 tuổi tôi đã ra đi, bập bẹ vài tiếng Pháp. Nhưng sang Pháp nhập gia tùy tục, tôi xin vào trường nào cũng bị từ chối vì không có văn bằng. Chỉ có trường mỹ thuật là nhận tôi học vẽ và từ đó, tôi trở thành họa sĩ. Thông thường, nghệ sĩ chỉ thích mây, gió, trăng, sao, tỏ vẻ không cần kinh tế. Hội họa cao quý như đạo, vì vậy có người khi nói đến kinh tế cho là tồi tàn lắm. Nếu nghĩ vậy thì không được, hỏng mất. Làm ra cái gì mà không cần kinh tế”, Lê Bá Đảng trả lời phỏng vấn của họa sĩ Bùi Quang Ngọc.

Chính suy nghĩ như trên, và có lẽ cũng do xuất thân ở quê nghèo, rồi từng là người lính thợ bị Đức quốc xã bắt làm tù binh, nên Lê Bá Đảng đã là họa sĩ chăm chỉ, linh hoạt. Tại bất kỳ phòng tranh nào người mua cũng có cơ hội chọn tác phẩm của ông, vì chủ đề đa dạng, vì giá bán linh động, từ vài trăm USD đến vài ngàn, vài chục ngàn, và cao hơn nữa. Nhìn vào lượng tác phẩm diện diện ở nhiều nơi, từ nhiều bảo tàng, bộ sưu tập cho đến vô số phòng tranh, vỉa hè ở Pháp, Mỹ, Đức, Canada, Nhật, Hong Kong, Singapore…, thật khó biết ông đã sáng tác bao nhiêu tác phẩm.

Thế nhưng, dù vẽ ở thể loại, chủ đề hay cấp độ nào thì Lê Bá Đảng vẫn giữ được phong thái của mình, nhất là khả năng hòa trộn tinh thần Đông phương, hương vị Việt Nam vào kỹ thuật Tây phương. Ông trở thành họa sĩ đắt khách có lẽ vì nếu không hoàn toàn “Tây hóa”, cũng không khư khư “ta hóa”.

(Theo Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem