Đào tạo nhiều kỹ năng để lao động nông nghiệp làm ông chủ

Nguyệt Tạ Chủ nhật, ngày 27/12/2020 18:12 PM (GMT+7)
Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp ngày nay đòi hỏi không chỉ đào tạo nghề cơ bản mà còn cần phải đào tạo cả các kỹ năng nghề mới, hiện đại theo xu hướng phát triển. Ngoài ra, còn cần đào tạo cả kỹ năng nghề quản lý, quản trị để nông dân có thể làm "ông chủ".
Bình luận 0

Đào tạo kỹ năng đa dạng, toàn diện

Sáng 25/12, tại tọa đàm trực tuyến: "Tăng cường xây dựng kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp" do Báo NTNN và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) tổ chức, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng, trình độ của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế. 

Vì nhiều nghề công nghệ giản đơn, yêu cầu các kỹ năng giản đơn nên người lao động ít được quan tâm, bản thân họ cũng không có động lực trong việc trau dồi kỹ năng nghề, việc đào tạo cho họ còn chưa được chú trọng. Có khoảng 34,5% người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là lao động giản đơn. Có thể thấy, người lao động và chủ doanh nghiệp đều mong muốn được phát triển kỹ năng của mình.

Đào tạo nhiều kỹ năng để lao động nông nghiệp làm ông chủ - Ảnh 1.

Nông dân Hà Nội thi kỹ năng sử dụng máy cấy, tại tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hồng Liên

Theo ông Lê Đức Thịnh, bộ kỹ năng nghề nông nghiệp cần đáp ứng 4 vấn đề: Nâng cao kỹ năng nghề để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế; đào tạo những lao động làm việc mang tính chất đặc thù; đào tạo kỹ năng nghề cũng cần chú trọng tới những biến đổi trên thế giới như xu thế biến đổi khí hậu; đào tạo những người quản trị nông nghiệp.

"Hiện nay, trên thế giới đã có những trang trại thông minh, trang trại số ứng dụng công nghệ cao, giúp người nông dân áp dụng khoa học hiện đại vào sản xuất. Tôi cho rằng ngoài những kỹ năng truyền thống mà người nông dân đang sử dụng khi canh tác, họ cần liên tục cập nhật những kỹ thuật mới, kỹ năng mới để phát triển năng lực của mình, phát triển khả năng canh tác cũng như chất lượng sản phẩm" - ông Trường nói thêm.

Về vấn đề trên, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho hay: Hiện nay có nhiều hình thức để nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. Ngoài kỹ năng nghề, cần có các kỹ năng khác đan xen. 

"Ngoài đào tạo kỹ năng nghề cơ bản, cần hướng tới đào tạo kỹ năng quản trị, quản lý để lao động có thể làm chủ" - ông Thịnh nói.

Đồng tình với ông Thịnh, song ông Nguyễn Chí Trường cho rằng, con số hơn 4% lao động nông nghiệp có kỹ năng là chưa đủ, trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. 

"Chúng ta nên có con số thống kê toàn diện hơn, chính xác hơn, hướng tới đánh giá cả lao động có kỹ năng thực tế mà chưa qua đào tạo" - ông Trường cho hay.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cho rằng chỉ cần có bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, người lao động sẽ tự đào tạo, có thể đào tạo kỹ hơn, linh hoạt hơn, nhấn mạnh tới kỹ năng nghề mới, hiện đại.

Kỹ năng quyết định tiêu chuẩn sản phẩm

PGS - TS Nguyễn Thị Thuận của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, không chỉ nông dân, mà doanh nghiệp, HTX đều có nguyện vọng được đào tạo kỹ năng nghề. Kỹ năng nghề mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên có liên quan các trường, cơ sở đào tạo và người lao động. 

Vì thế ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề sẽ góp phần định hướng cho cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp biết được các yêu cầu cần thiết để áp dụng vào thực tiễn, góp phần tăng chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.

"Phương pháp thực hiện các biện pháp sản xuất trong nông nghiệp lâu nay thường cha truyền con nối. Trước kia chỉ đủ lương thực để ăn, giờ phải nghĩ đến chất lượng sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm đó" - bà Thuận nói. Do vậy, không như trước đây, nông nghiệp ngày nay có nhiều vấn đề cần quan tâm, ví dụ như đất thế nào, nước thế nào, hóa chất bảo vệ ra sao...

Trước thực tế đó, tất cả các đại biểu đều cho rằng, cần thiết phải xây dựng một bộ kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp để các đơn vị lấy đó làm căn cứ phục vụ đào tạo, đánh giá, tuyển dụng lao động.

Về phía cơ sở đào tạo, bà Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế, kỹ thuật và thủy sản Bắc Ninh bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia có những định hướng về những kỹ năng nghề còn thiếu hụt, cần bổ sung của lao động làm nông nghiệp, để nhà trường dựa vào đó làm tốt hơn công tác đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho đất nước. Đặc biệt chúng tôi mong muốn Hội đồng kỹ năng ngành sớm ban hành bộ kỹ năng nghề trong nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản để nhà trường có định hướng đào tạo những năng lực cần thiết cho học sinh, sinh viên, giúp lao động tiệm cận được với trình độ sản xuất trong nước cũng như quốc tế" - bà Hạnh kỳ vọng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem