Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã đọc báo cáo thẩm tra. Theo đó, hiện nay mới có khoảng 33,8% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67,2% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động.
|
Lao động tự do tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. |
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban cho rằng dự luật cần cụ thể hóa hơn nữa một số quan điểm, trong đó đáng chú ý là xây dựng những chính sách ưu tiên hỗ trợ tạo việc làm đối với nhóm lao động trẻ, nhóm lao động yếu thế, lao động nữ, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do… nhằm tăng cường tính bền vững đối với việc làm ở nhóm đối tượng và các khu vực này vì đây là khu vực chịu nhiều rủi ro về điều kiện môi trường làm việc, thu nhập thấp và ít ổn định hơn so với khu vực có quan hệ lao động.
Ngoài ra, chương trình việc làm công (Điều 14) là chính sách mới, do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ và tạm thời ở khu vực nông thôn thông qua các chương trình, dự án ở các địa phương.
Về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bà Trương Thị Mai nhận định, việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN là cần thiết nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội, vì hiện nay có khoảng 70% lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Do vậy rất cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia loại hình BHTN nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.
Cần chính sách phù hợp cho từng đối tượng
Góp ý cho Dự thảo Luật Việc làm, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Cần xem xét đến tính thực tiễn của luật do liên quan đến 3 vấn đề lớn, rộng, không chỉ mang tính chất xã hội mà còn mang tính chính trị, là người lao động - việc làm - thị trường lao động. “Hơn nữa, phải tính đến khả thi. Quy định rất nhiều, nhưng có đạt được điều chúng ta mong muốn không chứ tôi thấy tính khả thi không cao” -ông Hiển đánh giá.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn thì cho rằng luật mới chỉ đề cập đến lao động chân tay, trong khi lao động trí óc gần như không đề cập đến. “Đâu phải chỉ công nhân mới là lao động” - Phó Chủ tịch nhận định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì phân tích: Con số 67,2% lao động chưa có quan hệ lao động tôi hiểu là lao động nông thôn, cái này phải giải quyết vì đây là đối tượng đáng lưu ý. Thực tế là nông thôn đang thiếu ruộng, một người có thể làm hết ruộng mà bố mẹ để lại, vậy còn 2-3 người nữa làm gì? Để giảm lao động nông thôn, thì phải tạo việc làm cho họ trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, hoặc đi nước ngoài. Như vậy phải hỗ trợ đào tạo họ. Chủ tịch QH cũng lưu ý thêm: Có một loại lao động nữa trong số 67% không nằm ở nông thôn mà ở thành thị. Đây là số nông dân bị mất đất do đô thị hóa, thiếu việc làm dẫn tới đua xe, tiêm chích... Do đó chúng ta cần có chính sách thích hợp cho từng đối tượng.
Về vấn đề đào tạo lao động, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm: “Không thể có việc làm bền vững nếu không qua đào tạo. Nhưng thực tế đào tạo nghề thì sao? Ngay Nghệ An đó, trung tâm đào tạo việc làm chỉ có mấy cục sắt nằm ngoài sân. Các cháu đi xuất khẩu lao động qua đào tạo vẫn không làm được. Có cô lao động nói mất 3 năm vừa tốn tiền bạc, vừa mất thời gian mà vẫn không làm được việc, phải học lại. Không một thứ đào tạo nghề nào, một ngành nghề nào mà về cơ quan không phải đào tạo lại. Tôi xin nói thẳng với các đồng chí thế. Đây là một vấn đề xã hội đang đặt ra rất bức thiết” -Chủ tịch chốt lại.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.