Đáy thuyền và đáy lòng

Thứ ba, ngày 16/04/2013 13:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa tới thăm ngư dân tại Sa Kỳ và đảo tiền tiêu Lý Sơn. Ông kê ghế ngồi ngoài trời để đối thoại, nói chính xác hơn là nghe những tâm sự từ đáy lòng của ngư dân.
Bình luận 0

Lý Sơn, nơi có "Sói Biển" Mai Phụng Lưu 3 lần bị Trung Quốc bắt. Lý Sơn, nơi người An Vĩnh và An Hải thế hệ nối tiếp thế hệ trở thành những hùng binh Hoàng Sa. Và Lý Sơn, với bạt ngàn mộ gió và những lễ khao thề thế lính còn lưu truyền đến tận bây giờ.

Nhưng Sa Kỳ, nhưng Lý Sơn còn có bao bức xúc muốn nói của cuộc sống. Ngư dân cho biết "đảo Bạch Quy, đảo Bom Bay của mình mấy năm trước vào trú được, bây chừ Trung Quốc đuổi quá" Ngư dân thắc mắc phí đường bộ tính vào giá xăng dầu, trong khi ngư dân hoạt động trên biển cũng phải chịu khoản phí này là vô lý.

Ngư dân tâm sư thiếu vốn để đóng tàu lớn ra khơi. Tàu nhỏ không thể vươn ra khơi bám biển dài ngày. Còn ven bờ nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt, bà con ngư dân không thể sống được.

Nghe ngư dân trải lòng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang "nói như trả lời với chính mình": "Chắc là tiền cho vay bất động sản hết rồi nên mới thiếu vốn cho ngư dân". Lý Sơn có câu rằng: Ngày xưa, ngư dân cách ngư phủ một cái nan tre. Và giờ cũng chỉ cách ngư phủ một cái be ghe (đáy thuyền). Cuộc sinh tồn, ngoài sự vật lộn với bao nỗi nhiêu khê nhọc nhằn, còn là cuộc đánh cược với số phận, bằng chính sinh mạng.

Thật cảm động khi nghe Chủ tịch nước long trọng hứa. Những vấn đề khó khăn hiện nay của ngư dân như nguồn vốn, hay gặp khó khăn trên biển khi đánh bắt sẽ có giải pháp cụ thể. Nhưng có một điều cần nói. Đây không phải là lần đầu tiên những nỗi bức xúc được nói ra. Do thế, đây là lúc người dân chờ đợi Nhà nước, Chính phủ về những chỉ đạo quyết liệt để chính sách đi vào cuộc sống.

Để ít nhất, ngư dân không còn phải chịu "phí đường bộ" cho những can dầu đi biển. Để ít nhất, cái "be ghe" của họ không phải chỉ là mảnh gỗ quết dầu. Để ít nhất, tín dụng đen không bòn mót những con cá cuối cùng khi những giọt mồ hôi ngư dân còn chưa kịp khô trên vai áo. Để ít nhất họ không phải chạy trốn như những tên trộm trên chính ngư trường đã từng là truyền thống. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem