Kỳ Sơn là huyện được quy hoạch phát triển công nghiệp của Hòa Bình, nên đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp. Huyện xác định thế mạnh của địa phương là chăn nuôi, trồng rừng và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp… Và Ngân hàng CSXH huyện cũng đã đầu tư cho hộ nghèo theo hướng này.
|
Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn thu lãi tại xã Hợp Thịnh. |
Hết nghèo
Ruộng ít, không có nghề phụ, vợ chồng anh Đỗ Trung Tân ở thôn Trung Thành A, xã Hợp Thịnh phải lên thành phố làm thuê. Năm 2008, thấy chăn nuôi ở địa phương rất phát triển, nhưng không có lò ấp cung cấp giống, anh về huyện Phú Xuyên (Hà Nội) học hỏi kinh nghiệp ấp và hồ gà con. Có kỹ thuật nhưng thiếu vốn, đang lúc bí thì anh được Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn cho vay 20 triệu đồng. Anh dành 10 triệu đồng mua con giống, 10 triệu đồng mua trang thiết bị phục vụ cho việc hồ gà con.
Anh Tân cho biết: "Lúc đầu tôi nuôi thử 500 gà con, thấy gà lớn nhanh và bán được giá nên ở các lứa sau, mỗi lứa tôi tăng lên 1.500 con (45 - 50 ngày/lứa), trừ chi phí lãi 6 triệu đồng/lứa. Vừa rồi tôi mua một máy ấp, máy phát điện và 3 khu chuồng trại trị giá hơn 100 triệu đồng. Hiện, mỗi lứa tôi nuôi từ 3.000-3.500 con, lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng".
Chị Vũ Thị Thành ở cùng thôn anh Tân đã vay 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để nuôi lợn và trồng rừng. Hiện gia đình chị nuôi 20 con lợn/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa thu lãi hơn 30 triệu đồng. Chị còn trồng gần 1ha keo. Năm 2010, chị Thành trả hết nợ và ra khỏi danh sách hộ nghèo. "Nếu tiếp tục được vay vốn tôi sẽ xây thêm chuồng trại để nuôi lợn" - chị Thành cho hay.
Làm ăn lớn
Đến thăm HTX Đức Thịnh chuyên sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Văn Phương ở thôn Độc Lập, xã Hợp Thịnh, nhìn cơ ngơi mới thấy hiệu quả của đồng vốn ưu đãi mà anh vay. Anh Phương tâm sự: "Vốn vay tuy không nhiều, nhưng là động lực lớn đối với gia đình tôi".
Tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn hiện là 83,377 tỷ đồng, trong đó vốn vay hộ nghèo là 31,251 tỷ đồng, vay hộ sản xuất vùng khó khăn 24,77 tỷ đồng, vay giải quyết việc làm hơn 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phúc Vị - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn.Chị Nguyễn Thị Hiếu - vợ anh Phương, cho hay: "HTX thành lập năm 2007, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng vốn kinh doanh sản xuất. Nhờ đó mà tôi đã bớt phần nào khó khăn về vốn. HTX hiện thuê 10 công nhân, lương từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, mỗi năm HTX lãi 200 - 300 triệu đồng".
Năm 2008, anh Nguyễn Văn Thuần (thôn Độc Lập, xã Hợp Thịnh) được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng để nuôi lợn. Anh cho biết, mỗi năm anh nuôi 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa nuôi 30-40 con, trừ chi phí lãi 25 - 30 triệu đồng. Năm 2009, với tiền tích lũy từ nuôi lợn, anh mua một máy ép gạch vồ. Mỗi tháng anh xuất khoảng 3 vạn viên, lãi khoảng 10 triệu đồng. Anh vừa mới mua 2 chiếc xe tải để vận chuyển gạch. Xưởng gạch của anh còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.