Dự án sông Tích 10 năm dang dở: "Cho thêm 500 tỷ đồng và mặt bằng, không hoàn thành, tôi chịu trách nhiệm" (bài 5)

Ngọc Lê- Nguyễn Đức Thứ hai, ngày 19/04/2021 06:35 AM (GMT+7)
Đó là khẳng định của ông Chu Phú Mỹ- Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội- đơn vị làm chủ đầu tư dự án dự án "Tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích" 10 năm vẫn dở dang tại buổi làm việc với Báo điện tử Dân Việt sau loạt 9 bài mà báo đã phản ánh về vấn đề này.
Bình luận 0

Sau khi Báo điện tử Dân Việt Dân Việt có loạt 9 bài phản ánh về dự án "Tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích" có tổng vốn đầu tư hơn 6.914 tỷ đồng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các sở, ngành của thành phố) tập trung làm rõ những vấn đề mà Báo đã nêu. 

Dự án sông Tích 10 năm dang dở: "Cho thêm 500 tỷ đồng và mặt bằng, không hoàn thành, tôi chịu trách nhiệm" (bài 10) - Ảnh 1.

Ông Chu Phú Mỹ- Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức

Tại buổi làm việc với cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về dự án này- Sở NNPTNT Hà Nội, là chủ đầu tư dự án, ông Chu Phú Mỹ- Giám đốc Sở cho biết: Có hai khó khăn chính hiện nay khiến dự án chưa thể hoàn thành là do công tác giải phóng mặt bằng và vấn đề điều chỉnh vốn đầu tư của dự án. "Nếu bàn giao cho chúng tôi đầy đủ mặt bằng và điều chỉnh thêm 500 tỷ đồng nữa, chúng tôi cam kết sẽ thông dòng dự án vào cuối năm nay-2021"- ông Mỹ khẳng định.

Xin điều chỉnh tăng thêm 500 tỷ đồng của giai đoạn 1

Dự án tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích (huyện Ba Vì, TP.Hà Nội) là một dự án trọng điểm, theo thiết kế dự án hoàn thành vào năm 2015, nhưng đến nay vẫn dở dang, chưa hoàn thành (tức chậm tiến độ 6 năm). Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Dự án được chia ra làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu dùng nguồn vốn từ ngân sách trung ương và trái phiếu Chính phủ. Bắt đầu từ năm 2016, thực hiện việc điều chỉnh phân kỳ đầu tư của UBND TP Hà Nội theo quyết định 1054/QĐ-UBND ngày 4/3/2016, dự án chuyển sang dùng ngân sách của TP.Hà Nội. Khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng, diện tích giải phóng mặt bằng lớn với diện tích 287ha, nhiều chỗ hiện mới chỉ bàn giao "xôi đỗ" nên không có mặt bằng để thi công.

Một dự án lớn như vậy, mà sao đến nay sau hơn 10 năm vẫn chưa giải phóng được mặt bằng?

- Để giải quyết vấn đề này, TP. Hà Nội đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, nhưng trên thực tế công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý đất đai ở địa phương chưa được chặt chẽ, công tác dồn điền đổi thửa, phổ biến về pháp luật còn hạn chế, hồ sơ đất đai không thống nhất...

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công cũng phát sinh một số hạng mục, một số dự toán chưa được đề cập đến theo quyết định đầu tư ban đầu.

Trong quá trình thi công, yêu cầu là phải có mặt bằng với diện tích hơn 200ha để đổ đất được nạo vét từ lòng sông và hai bên ven sông, nhưng phần diện tích này không có, nên quá trình đổ đất thải sau nạo vét gặp nhiều khó khăn.

Một khó khăn nữa là, yếu tố địa chất của công trình, có nhiều điểm bên bề mặt phía trên là đất, khi công nhân khoan xuống dưới lại là đá, nên việc thi công gặp khó khăn, tiến độ cũng bị ảnh hưởng.

Về phía nhà thầu, họ đã đáp ứng, có máy móc đầy đủ, có thời điểm có hàng trăm xe ô tô nhưng không có mặt bằng nên không thi công được.

Dự án sông Tích 10 năm dang dở: "Cho thêm 500 tỷ đồng và mặt bằng, không hoàn thành, tôi chịu trách nhiệm" (bài 10) - Ảnh 3.

Dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích đến nay vẫn dở dang sau khi hàng nghìn tỷ đồng đã được đổ vào đây.

Là dự án trọng điểm nhưng trong cả 2 gói thầu số 12a, 12b về thi công cụm công trình đầu mối và toàn bộ phần xây lắp dài 27km của dự án, vì sao lại chỉ định thầu cho Công ty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh) toàn bộ. Vậy tại sao không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu?

- Năm 2014, tôi về tiếp quản (ông Chu Phú Mỹ được điều động từ Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên về làm Giám đốc Sở NNPTNT- PV), dự án đã được triển khai rồi. Tôi có được biết, TP. Hà Nội đã làm việc với Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương đầu tư và được chấp thuận cho chỉ định thầu đối với dự án.

Dự án đã trải qua 10 năm, vậy đến nay về phía chủ đầu tư là Sở NNPTNT Hà Nội đã có báo cáo, rà soát các hạng mục, khối lượng thi công đến đâu, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị gì?

- Cái đó chúng tôi làm thường xuyên, năm nào cũng có báo cáo đánh giá kết quả thi công, khó khăn, vướng mắc. Ban duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT cũng có báo cáo gửi Sở, Sở sau đó báo cáo thành phố. Trong các báo cáo đều nói về việc phải tập trung công tác giải phóng mặt bằng.

Vậy lần gần đây nhất sở báo cáo Hà Nội là khi nào?

- Cách đây khoảng 3 tuần (cuối tháng 3/2021), chúng tôi có báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội.

Tại buổi làm việc của Báo điện tử Dân Việt với nhà thầu thi công chính dự án là Công ty Bình Minh, đơn vị này có cho biết, gần 2 năm nay không thi công được gì do đợi chủ đầu tư điều chỉnh dự án. Vậy cần điều chỉnh những gì trong dự án này?

- Trước tiên là điều chỉnh về đơn giá vận chuyển và đổ đất. Hiện nay, do cự ly vận chuyển đất tăng lên nên phải điều chỉnh. Ban đầu, dự kiến giải phóng mặt bằng hai bên bờ sông Tích rồi đổ đất tại chỗ, nhưng giờ do không giải phóng nữa nên phải chuyển đất đi xa hơn.

Chẳng hạn, xe ô tô chở đất đi quãng đường chỉ khoảng 7km nhưng giờ phải chuyển đi xa tới 30km, kinh phí vận chuyển tăng lên.

Một trong những yêu cầu của UBND TP Hà Nội là, điều chỉnh dự án nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư. Vậy khi điều chỉnh dự án, số vốn đầu tư dự kiến tăng lên bao nhiêu và sẽ phải cắt giảm những hạng mục nào để đảm bảo yêu cầu trên?

- Theo thiết kế, dự án có tổng mức đầu tư 6.914 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 4.200 tỷ đồng sử dụng nguồn ngân sách TP. Hà Nội. Chúng tôi dự kiến cần điều chỉnh tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng nữa, tức tăng lên mức khoảng 4.700 tỷ đồng. Phần tăng chủ yếu là về phần thi công. Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh và trình lên UBND TP.Hà Nội rồi.

Còn nói về việc điều chỉnh nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư là rất khó, làm sao bảo cắt cái này, bỏ cái kia được. Tôi được biết, ban đầu theo tính toán dự án này cần tới 12.000 tỷ đồng nhưng để "tránh" phải đưa ra Quốc hội thông qua, nên cứ cắt cái nọ, giảm cái kia xuống còn dưới 7.000 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh với số tiền lớn như thế chắc chắn phải có sự đồng ý của TP. Hà Nội, đến nay Sở đã có báo cáo cụ thể khối lượng, ước lượng việc điều chỉnh tăng bao nhiêu?

- Có chứ, chúng tôi đã có báo cáo TP.Hà Nội.

Điều chỉnh vào khối lượng đã... thi công

Theo Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT thuộc Sở, đến nay thực tế khối lượng thi công dự án không còn nhiều. Vậy việc điều chỉnh lần này là điều chỉnh vào khối lượng đã nghiệm thu rồi hay điều chỉnh các hạng mục sắp thi công?

- Chúng tôi điều chỉnh những hạng mục đã thi công rồi. Bởi trước đó, TP. Hà Nội đã cho chủ chương điều chỉnh, từ đó đơn vị thi công mới thi công, chủ đầu tư chịu trách nhiệm giám sát khối lượng thi công đó.

Hiện nay chỉ có một nhà thầu duy nhất là Công ty Bình Minh. Họ làm đến đâu, chúng tôi nghiệm thu, giải ngân đến đó. Bây giờ họ đang đòi Sở thanh toán phần khối lượng họ đã thi công.

Nếu tăng tổng mức đầu tư lên 500 tỷ đồng, phía chủ đầu tư, đơn vị thi công có cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ?

- Tôi mới làm việc với huyện Ba Vì về giải phóng mặt bằng, còn nếu điều chỉnh tăng thêm 500 tỷ đồng, chúng tôi sẽ cố gắng phấn đầu hết mùa khô năm 2021 sẽ thông dòng 27km lòng sông đoạn đến thị xã Sơn Tây và đến năm 2022 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.

Qua khảo sát thực tế của phóng viên Dân Việt, một số hạng mục đã thi công xong như nhà điều hành, phai phòng lũ, nắp trên cống trạm bơm của dự án đang bị bỏ hoang, xuống cấp. Vì sao không có phương án để bảo vệ các công trình đã thi công?

- Nhà điều hành cống Thuần Mỹ hiện đã hoàn thiện sơ bộ, chúng tôi chờ đến giai đoạn cuối cùng mới hoàn thiện. Nếu giờ lắp cửa kính ở nhà điều hành thì không có người trông nom, sẽ hư hỏng. Chúng tôi cứ để đó đến khi nào hoàn thiện hết các hạng mục sẽ nắp cửa kính vào là xong.

Theo phản ánh của người dân ở xã Thuần Mỹ, vào những ngày hè, trẻ nhỏ thường ra nhà điều hành chơi, nô đùa, trong khi đó hiện nay nhà điều hành lại không có cửa, như vậy, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đuối nước là rất cao?

- Cái đó chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại.

Thế còn những điểm trống sạt trượt hiện nay dân tự do vào trồng cỏ, trồng ngô, việc này có ảnh hưởng đến chất lượng, kết cấu của công trình?

- Cái đấy sau này sẽ giao cho xã quản lý và cấm dân không được làm việc đấy. Thực ra trồng cỏ cũng tốt lúc mưa gió đỡ bị xói mòn, có cỏ thì nó cũng đỡ đi.

Như ông nói, một trong những khó khăn khi thi công dự án là không có chỗ đổ đất nạo vét. Vậy chủ đầu tư có nắm được đơn vị đã đào được khối lượng bao nhiêu?

- Ông Phùng Văn Hệ (Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh nói đã liên hệ với các cụm dân cư, khu vực bãi trống để đổ đất vào đấy. Như vậy hiện nay chỉ tăng chi phí vận chuyển, chi phí giải phóng mặt bằng không nhiều. 

Các ông có biết được Công ty Bình Minh của ông Hệ đổ vào những đâu?

- Có chứ, chúng tôi biết khu vực, vị trí ông Hệ đổ đất. Trước đó, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đã xác định cự ly đào, nơi đổ, giám sát ông ý mang đi đổ ở đâu, nơi nào.

Sau khi công ty Bình Minh đổ đất vào các bãi trống, số đất đó được xử lý thế nào. Sau này, ai được khai thác những mỏ đất đấy hay giao cho bên Bình Minh được bán?

- Hồ sơ chúng tôi có cả, tôi chỉ biết chắc chắn Bình Minh  đổ đất ở đấy thôi, còn sau đó, họ có đem bán đất hay không, thì không biết. Nếu như có mặt bằng đổ đất ở gần thì đơn vị thi công, chủ đầu tư cũng đỡ phải vất vả đi tìm vị trí đổ.

Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dang dở: Chủ đầu tư tiếp tục xin tăng vốn thêm 500 tỷ đồng - Ảnh 4.

Nhà điều hành dự án nằm trên xã Thuần Mỹ, thị xã Sơn Tây hiện đang bị bỏ hoang nhiều năm, đã xuống cấp.

Tại sao trước kia khi nạo vét lòng sông Tích lại không dùng đất đó để sau này đắp các đoạn đê khác theo phương châm "đào chỗ nọ, đắp chỗ kia", như vậy vừa không gây lãng phí lại tiết kiệm được tiền ngân sách cho Nhà nước, để đến nỗi giờ phải xin tăng thêm 500 tỷ đồng chỉ vì vấn đề đơn giá vận chuyển đất?

- Cái đất đó là phù sa không dùng được, còn đất đắp đê phải có tiêu chuẩn về chất lượng đất. Đất thịt hai bên bờ sông Tích không đáng kể, chủ yếu là bùn dưới lòng sông, đất đắp đê cần phải lấy đất đồi, đất thịt mới đắp được.

Việc nạo vét lòng sông Tích với chiều dài vài 27km, khối lượng đất nạo vét sẽ rất lớn, vậy tại sao phía chủ đầu tư không tính đến phương án bán số đất này lấy tiền chuyển về ngân sách mà lại đem cho đi?

- Chỉ có nhờ người ta đổ cho thôi, kiểu như cho người ta thôi. Nếu như bán thì bán cho ai, bao tiền một m3…Cái đó rất khó.

Phía chủ đầu tư có thể rao hoặc mời thầu công khai tìm doanh nghiệp, cá nhân đến mua số đất này?

- Bán chắc cũng chả ai mua. Ý tôi nói là bây giờ ai bỏ tiền ra mua đất.

Vậy giờ phía nhà thầu sẽ lấy đất ở đâu để đắp đê?

- Theo báo cáo, công ty Bình Minh có khoảng 100ha đất đồi cần hạ thấp, nên họ cho biết đang nghiên cứu lấy đất ở đó để đắp bù vào.

Dự án sông Tích 10 năm dang dở: "Cho thêm 500 tỷ đồng và mặt bằng, không hoàn thành, tôi chịu trách nhiệm" (bài 10) - Ảnh 8.

Ông Chu Phú Mỹ (bên ngoài)- Giám đốc Sở NNPNT Hà Nội và phóng viên Báo điện tử Dân Việt xem lại sơ đồ dự án tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích.

Theo thiết kế ban đầu, mục tiêu của dự án là lấy nước tưới cho 16.000ha lúa, nhưng hiện nay dự án đang bị chậm tiến độ, hơn 10 năm chưa hoàn thành. Trong khi đó, các mục tiêu về sản xuất nông nghiệp đã bị thay đổi với nhiều diện tích được chuyển đổi. Vậy phía chủ đầu tư có tính toán tới việc giảm mục tiêu tưới này để đảm bảo tránh tăng vốn, lãng phí?

- Đến nay, công trình chưa hoàn thiện nên chưa đạt được mục tiêu này. Việc lấy nước vào phục vụ cho toàn hệ thống, giờ vẫn đang thực hiện việc tưới tiêu bình thường và chúng tôi vẫn giữ nguyên mục tiêu ban đầu của dự án là tưới cho 16.000ha. 

Đáng lẽ, dự án này được thiết kế là để lấy nước từ Sông Đà theo cơ chế tự chảy, nhưng do không hoàn thành nên hiện lại đang phải tốn thêm chi phí để lắp đặt các trạm bơm dã chiến bơm nước lên để tưới. Phần lãng phí này, bên nào phải chịu?

-  Thực ra, khi mở cống để lấy nước chảy vào sông Tích, vẫn cần các trạm bơm để bơm nước lên. Bây giờ, thành phố yêu cầu còn phải làm thêm kênh tiếp nước từ khu vực này tới khu vực kia để đạt hiệu quả tối đa.

Hiện còn một số xã như Sơn Đà, Cẩm Lĩnh, diện tích hoa màu bị hư hại, vậy phía chủ đầu tư đã thực hiện đền bù cho bà con?

- Hiện chúng tôi đang làm việc với đơn vị thi công, yêu cầu sớm hỗ trợ người dân, số tiền khoảng 800 triệu đồng.

Mục đích của dự án là tiếp nước, cải tạo sông Tích. Với một dự án tiêu tốn tới mấy nghìn tỷ như vậy nhưng lại chậm tới hơn 10 năm, vậy việc chậm trễ này có gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước?

- Như tôi đã nói bây giờ dự án chưa xong, thì chưa có hiệu quả.

Nếu có mặt bằng và vốn được điều chỉnh, dự án không hoàn thành, chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm

Đến nay, tổng số tiền đã được chi trực tiếp vào dự án này lên tới gần 3.000 tỷ đồng, bao gồm các phần thi công (1.700 tỷ đồng), giải phóng mặt bằng (1.100 tỷ đồng) và các khoản chi khác liên quan đến quản lý, tư vấn dự án.

Tại dự án này, trước đó Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra TP. Hà Nội cũng vào cuộc, vậy kết quả thanh tra ra sao thưa ông?

- Toàn bộ vướng mắc đã rõ ràng rồi, họ vào kiểm tra về thủ tục đầu tư có đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước không; bên tổ chức thi công có tổ chức thi công theo đúng thiết kế phê duyệt không. Nhìn chung là thủ tục đầu tư đáp ứng đúng.

Nếu Hà Nội chấp thuận chủ trương tăng vốn mà dự án không hoàn thành, chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ chịu trách nhiệm thế nào?

- Như tôi đã nói vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng và nếu như thành phố cho chủ chương và có khu vực lấy đất để phục vụ cho dự án, thì sẽ hoàn thành thôi. Nếu thành phố không cho chủ chương thì không thể hoàn thành được.

Trường hợp Hà Nội đáp ứng hết cả các yêu cầu về việc có khu đổ/lấy đất, giải phóng mặt bằng nhưng sau đó dự án vẫn không hoàn thành thì trách nhiệm thuộc về bên nào?

- Nếu vậy, trách nhiệm sẽ thuộc về chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Gần 7.000 tỉ đồng cho dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích

Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 4927/QĐ- UBND về việc phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích) với số vốn hơn 6.914 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách TP, nguồn vốn ODA…, với thời gian thực hiện từ năm 2010- 2015.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn và 3 đoạn thi công, trong đó Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh được chỉ định thầu thi công đoạn 1 của giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng, cho đến nay đơn vị này đã được chủ đầu tư giải ngân hơn 1.600 tỉ đồng.

Dự án được giao cho Sở NNPTNT Hà Nội và UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư. Theo đó, Sở NNPTNT Hà Nội sẽ làm chủ đầu tư đoạn 1, giai đoạn I và cả giai đoạn 2; còn lại đoạn 2 giai đoạn I gồm toàn bộ các công việc, hạng mục công trình của dự án thuộc đoạn tuyến sông Tích qua địa bàn thị xã Sơn Tây, đoạn từ cầu Trắng xã Đường Lâm đến cầu Ó dài 13,50km được giao cho UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư với quy trình quản lý như một dự án độc lập. Đoạn này được bố trí hơn 1.670 tỉ đồng.

Do không đạt tiến độ đề ra ban đầu, ngày 4/3/3016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1054/QĐ-UBND để gia hạn thi công dự án. Theo đó, giai đoạn I của dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn chưa rõ ngày hoàn thành, hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước đã đổ vào dự án này đang bị lãng phí, gây bức xúc cho nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem