Mô hình này được thực hiện trên địa bàn 2 xã Yên Nguyên, Vinh Quang của huyện Chiêm Hóa với tổng diện tích 10,5ha và 25 hộ dân tham gia. Đây là những hộ có đủ điều kiện tham gia đối ứng về vật tư, công lao động và có ruộng liền vùng, liền thửa và chỉ trồng giống mía ROCC 22.
Được mùa, được giá
Những ngày cuối năm Giáp Ngọ, nhiều hộ tham gia dự án ở xã Yên Nguyên và Vinh Quang đang tất bật cho việc thu hoạch mía bán cho Nhà máy Đường Sơn Dương. Vui nhất là những hộ lần đầu tiên trồng mía, bởi so với ngô, sắn thì mía cho thu nhập cao hơn.
Cán bộ dự án trao đổi với nông dân Chiêm Hóa (Tuyên Quang) về canh tác mía ROCC 22.
Ông Vũ Tiến Trung, xóm Hợp Long, xã Yên Nguyên thổ lộ: “Vụ mía năm nay, thu nhập từ 0,6ha mía của gia đình tôi sẽ cao hơn mọi năm, bởi được dự án hỗ trợ mía giống, vật tư phân bón và tập huấn kỹ thuật chăm bón. Năng suất giống mía ROCC 22 cũng cao hơn các giống mía khác…”. Dự kiến, niên vụ 2014, gia đình ông Trung sẽ thu hoạch khoảng hơn 50 tấn mía nguyên liệu, giá bán 950.000 đồng/tấn, thu về gần 50 triệu đồng.
Tại xã Vinh Quang, những hộ tham gia dự án đã thu hoạch gần xong diện tích trồng mía thâm canh giống ROCC 22. Mía thu hoạch đến đâu được xe vận tải của doanh nghiệp thu mua đến đó. Bà Mai Thúy Hà - Chủ tịch Hội ND xã Vinh Quang chia sẻ: “Do dùng giống cao sản lại được chăm sóc đúng quy trình đã được tập huấn, hướng dẫn nên mía dự án năng suất cao, mẫu mã đẹp. Nhiều hộ rất phấn khởi, nhất là các hộ lần đầu chuyển từ trồng ngô, sắn sang trồng mía đường nguyên liệu. Mía trồng ở những chân ruộng cánh bãi sông Lô còn cho năng suất tới gần 90 tấn/ha do đất phù sa màu mỡ…”.
Theo ông Đỗ Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang, vùng mía dự án với tổng diện tích 10,5ha tại 2 xã Yên Nguyên và Vinh Quang cho năng suất trung bình 85 tấn/ha. Bên cạnh năng suất cao, giống mía ROCC 22 còn cho chữ đường cao. Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên mía nguyên liệu vùng dự án cơ bản đều đạt loại I.
Chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập
Dự án trồng mía này thực hiện tại xã Yên Nguyên và Vinh Quang không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho 25 hộ tham gia mà còn góp phần nâng cao kiến thức kỹ thuật trồng mía cho nhiều hộ khác. Theo đó, dự án đã hỗ trợ địa phương tổ chức 4 lớp tập huấn cho 50 hộ hội viên, ND trên địa bàn 2 xã. Trong các giai đoạn phát triển của cây mía, Hội ND huyện Chiêm Hóa còn tổ chức 2 hội nghị tham quan đầu bờ cho hơn 100 hộ hội viên, ND một số xã trên địa bàn. Cây mía vùng dự án cho năng suất cao hơn mía trồng thông thường từ 10-15%, sau khi trừ chi phí, ND tham gia có lãi gần 60 triệu đồng/ha.
Theo ông Đỗ Trung Kiên, sự thành công của dự án đã góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho ND. Thông qua dự án, Hội ND các cấp tỉnh Tuyên Quang cũng góp phần tuyên truyền mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu đáp ứng công suất chế biến của các nhà máy đường trên địa bàn…
25 hộ ND xã Yên Nguyên và Vinh Quang (Chiêm Hóa) tham gia dự án này được hỗ trợ 100% mía giống, 50% chi phí vật tư, phân bón, thuốc BVTV với tổng số tiền được hỗ trợ hơn 270 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.